ClockThứ Tư, 29/01/2020 11:22

Thời vận mới của Thừa Thiên Huế trong thiên niên kỷ mới

TTH - Bước vào kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa, Thừa Thiên Huế đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn bao giờ hết. Với nền tảng văn hóa, di sản, đất nước, con người, Thừa Thiên Huế đang chuyển mình từ việc bảo tồn đô thị di sản đặc thù, sang phát triển đô thị tương lai thế kỷ 21, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành đô thị đôi Huế & Đà Nẵng - Trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, với tư cách đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Diện mạo, sức sống mới của Thừa Thiên Huế qua ảnhDiện mạo của thành phố tương lai

Sông Hương chia đôi bờ Nam-Bắc, tạo nên nét đặc trưng cho đô thị Huế

Đô thị di sản cấp quốc gia

Với hơn hai trăm năm hình thành và phát triển, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu của cả nước về việc bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc và di sản thiên nhiên. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo, và được bảo vệ tốt, trước áp lực phát triển đô thị và nhà cao tầng.

Huế ngày nay không chỉ là một đô thị di sản cấp quốc gia, còn được biết đến như là thành phố Festival của Việt Nam, thành phố văn hóa, du lịch Asean.

Đô thị tương lai thế kỷ 21

Nhìn lại quá trình phát triển đô thị và nông thôn Huế trong quá trình lịch sử, chúng ta có thể cảm nhận sự kế thừa của nhiều thế hệ, theo một tư tưởng bảo tồn và phát triển xuyên suốt. Đó là trân trọng và bảo vệ các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của cha ông, tích cực xây dựng các khu vực di sản mới cho tương lai, mang dấu ấn thời đại.

Hoàng Thành Huế và các quần thể lăng tẩm và khu đô thị cổ bờ Bắc sông Hương là nơi mang đậm dấu ấn quy hoạch kiến trúc thể kỷ 19, từ khi nhà Nguyễn thành lập cố đô Huế.

Khu trung tâm hiện hữu và khu đô thị lân cận bờ Nam sông Hương, được quy hoạch ban đầu bởi người Pháp và sau đó được các thế hệ phát triển tiếp nối, thể hiện quy hoạch và kiến trúc thế kỷ 20 của Huế.

Sang đầu thế kỷ 21, trong khi các đô thị Việt Nam phát triển mạnh mẽ sau một thời gian trầm lắng và khó khăn khi hòa bình lập lại, có phần xem nhẹ bảo tồn để ưu tiên cho phát triển, thì Huế đã xác định hướng phát triển đúng đắn hơn, là bảo tồn nguyên trạng khu vực Hoàng Thành, Đại nội Huế, tăng mật độ và tầng cao có cân nhắc cho khu vực bờ Nam sông Hương, và khuyến khích phát triển hiện đại cao tầng tại các khu đô thị mới. Trong đó, Khu A – Khu Đô thị mới An Vân Dương, sẽ là trung tâm mới mang bản sắc đô thị hiện đại, thông minh của thế kỷ 21. Khi phát triển lan về phía Đông, thì càng có nhiều không gian xanh mặt nước hơn, đảm bảo hành lang thoát lũ về phía Đông và ra biển. Đó cũng là không gian bảo tồn các làng xóm lịch sử, và xây dựng những khu đô thị nông nghiệp và đô thị sinh thái.

Đô thị đôi Huế & Đà Nẵng - Trung tâm Vùng KTTĐMT và Tây Nguyên

Ý tưởng hình thành đô thị đôi, hay đô thị sinh đôi (Twin Cities) Huế - Đà Nẵng như lõi đô thị trung tâm của miền Trung đã từng được nêu lên nhưng rơi vào lãng quên, do nhiều khó khăn. Ngày nay, tình hình đã thay đổi với nhiều thuận lợi lớn. Hầm Hải Vân đã được khơi thông và tư duy hợp tác vùng đang thay thế cho tư duy cạnh tranh mang tính vùng miền.

Trong số ba vùng đô thị quan trọng nhất của cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Vùng KTTĐMT) tuy có tiềm năng phát triển không hề thua kém nhưng lại vẫn còn một khoảng cách khá xa, về mặt quy mô và tiềm lực kinh tế xã hội, so với hai vùng đô thị còn lại.

Một trong những giải pháp gia tăng vị thế vùng, là việc gia tăng vị thế của vùng lõi trung tâm. Xây dựng cụm đô thị đôi (Twin Cities) Huế - Đà Nẵng, đóng vai trò trung tâm của Vùng KTTĐMT và Tây Nguyên.

Một lý do khá hợp lý chính là, hai vùng đô thị ở hai đầu đất nước có đô thị đặc biệt đóng vai trò trung tâm vùng. Và khả năng Đà Nẵng trở thành đô thị đặc biệt là không khả thi, thì việc có hai đô thị đôi là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có thể đóng vai trò tương đương một đô thị đặc biệt, sẽ là tiền đề quan trọng, giúp thúc đẩy phát triển vùng ở tầm cao mới.

Quỹ đất phát triển đô thị của Đà Nẵng bị hạn chế, do phần lớn đất thuộc vùng rừng và núi đồi không phù hợp phát triển đô thị. Trong khi đó, quỹ đất khu vực phía Nam Thừa Thiên Huế giáp ranh với Đà Nẵng, đặc biệt là Chân Mây và Lăng Cô, không những dồi dào, mà còn có vị trí chiến lược. Điều này sẽ giúp thu hút nguồn tài lực và nhân lực xã hội hóa đang cần tìm cơ hội phát triển ở vùng đất mới, từ phía Đà Nẵng chảy về phía Thừa Thiên Huế, vì nguồn vốn đầu tư vốn không mang tính vùng miền, mà chỉ hướng về những cơ hội đầu tư và cơ hội an cư lạc nghiệp hấp dẫn. Nếu đứng từ góc nhìn hợp tác vùng, bỏ qua tư duy cục bộ vùng miền, thì đây là điều tốt, giúp cho cả hai địa phương phát triển nhanh và bền vững hơn.

Ngoài ra với đặc điểm địa lý vùng hẹp của miền Trung, và địa hình đặc thù với dãy núi Trường Sơn phía Tây và Biển Đông, đô thị trong vùng nên phát triển theo dạng tuyến, do đó trung tâm với hai đô thị đôi sẽ tốt hơn nhiều so với một đô thị cực lớn.

Trên thế giới đã có nhiều điển cứu thành công về việc quy hoạch hai đô thị đôi đóng vai trò trung tâm của vùng đô thị, như Minneapolis-Saint Paul, Dallas-Fort Worth, Champaign-Urbana… trong đó, các đô thị đôi không nhất thiết phải giống nhau về quy mô và chức năng, mà có thể khác nhau. Như vậy trong khi cả hai đô thị bổ sung cho nhau về mặt logistic đường biển và hàng không cũng như: kinh tế biển và du lịch biển, thì Đà Nẵng có thể mạnh hơn về kinh tế tài chính và công nghiệp, còn Huế lại mạnh hơn về bảo tồn di sản, văn hóa giáo dục và nghệ thuật.

Đô thị loại I trực thuộc Trung ương

Vì những ý nghĩa có tầm chiến lược đó, việc Huế trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương không chỉ giúp cho Huế bảo tồn di sản quốc gia tốt hơn và phát triển nhanh hơn, mà còn làm cho khu vực lõi trung tâm và cửa ngõ chính ra biển của toàn vùng KTTĐMT và Tây Nguyên có một quy mô xứng tầm hơn, là điều kiện cần để giúp cho tất cả các tỉnh thành trong vùng phát triển nhanh.

Trong lịch sử, Huế từng có vị thế trung tâm tầm quốc gia (thế kỷ 19) và tầm vùng đô thị (thế kỷ 20). Nhiều năm nay, trở ngại chính cho việc trả lại vị thế xứng đáng này của đô thị Thừa Thiên Huế là do cơ cấu đánh giá xếp hạng đô thị hiện nay chưa khoa học, tạo nên sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong cuộc chạy đua nâng cấp đô thị. Trong đó, tìm mọi cách để gia tăng dân số, mật độ xây dựng, chiều cao xây dựng,… bất chấp nhu cầu thật về bảo tồn di sản quy hoạch kiến trúc và bảo tồn giá trị thiên nhiên môi trường, để được hưởng cơ chế chính sách thuận lợi cho phát triển cần được đổi mới.

Cơ chế, chính sách đặc thù dành cho Thừa Thiên Huế - đô thị loại I trực thuôc Trung ương nên có những cân nhắc phù hợp với đặc thù đô thị di sản của Huế, và tiềm năng phát triển vô cùng lớn của Thừa Thiên Huế. Theo đó, cho phép Huế thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trong một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính, ngân sách, tổ chức, nhân sự,…

Bài: TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn

Ảnh: Song Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI là chia sẻ của ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại chương trình gặp gỡ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024 do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Câu lạc bộ FDI tổ chức tối 12/12.

Thừa Thiên Huế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp FDI

TIN MỚI

Return to top