Nhắm mắt lại mà hình dung, bức tranh thủy mặc nó như thế nào thì làng quê của tôi nó cũng tương tương như vậy. Ra đầu làng là cánh đồng, không thẳng cánh cò bay nhưng là một bức tranh quê tuyệt đẹp. Cây “ mồ côi” nổi tiếng ở Quảng Phú hổm rày nhờ phim "Mắt biếc" quê tôi thời đó khá nhiều.
Đã nhiều không không thể gọi mồ côi ! Nhưng từng cánh đồng thì nó mồ côi. Ruộng Soi Nguyên gồm nhiều thửa lúa của nhiều người chỉ có một hai cây. Ruộng Đồng Miễu cũng một hai cây, đứng cách nhau nhiều thửa. Ấy là cây mà ca, quê tôi gọi vậy. Hạt mà ca ăn được. Nhân của nó có mùi béo ngậy. Gỗ mà ca không tốt nhưng vì nhờ dẻo nên nó hay được sử dụng để làm cối giã gạo. Cây mà ca mồ côi trên đồng ruộng là vì người dân giữ lại như là những chiếc dù che nắng lúc nghỉ ngơi. Hình ảnh này tôi bắt gặp rất nhiều trong một lần đi làm phim qua những bản làng của Lào.
Thì ra, cây mồ côi nhiều nơi cũng có. Thời nào cũng có. Riêng cây đứng thì mồ côi. Còn với người nông dân, cây nào mồ côi thì là bạn.
Nhà tôi có đủ những hình ảnh của bức tranh quê. Nhà tranh ba gian hai chái. Trước nhà là sân đất sét phẳng lỳ, nơi mà chiều nào cả nhà cũng quây quần quanh mâm cơm đạm bạc. Hai chiếc đèn dầu mỗi khi trời tối. Vườn nhà cũng có đụn rơm, chuồng bò, ang nước đặt dưới khóm chuối sau hè… Có lẽ, người ta hay nhớ về quê là những hình ảnh ấy. Nó là thứ ăn sâu trong tìm thức tuổi thơ. Giờ không còn hoặc dần phai nhạt. Suy cho cùng, thường những cái không còn là cái làm cho con người ta nhớ nhiều nhất. Càng lớn tuổi càng nhớ về. Càng về già càng nhớ ruộng lúa bờ tre – Hanh Công, Chợ Gồm; Soi Nguyên, Đồng Miệu; Thạch Bàn, Ao Bà… nơi ấy có tuổi thơ tôi; Có con chim con dế. Mùa hè đêm trăng chơi trò trốn tìm bờ ruộng. Mùa đông câu cắm, “Lon ton theo đường bừa bắt cá. Con cá rô, cá cấn say bùn…”.
Làng quê thì có nhiều thứ để nhớ. Như những ngày này, khi gió se se lạnh, vạt nắng cũng ươm vàng; hàng hóa bày bán đầy đường; chợ rộn ràng… dạo phố xem hoa, tôi lại nhớ đến mai rừng.
Giờ thì thứ gì cũng nhiều. Hoa lại càng nhiều, đủ kiểu, đủ loại, đủ màu sắc, chứ trước đây hoa rất ít. Quanh đi quẩn lại dường như cũng chỉ có vài loài hoa, trong đó có hoa vạn thọ. Hoa trồng thẳng trước sân nhà; bứng vào chậu để chơi hay cắm bình trên trang ông bà tổ tiên, tất thảy đều hoa vạn thọ. Có lẽ vì vậy mà người ta bảo vạn thọ là loài hoa truyền thống !? Vài năm gần đây, có vẻ như người dân Huế trở lại chơi hoa vạn thọ khá nhiều.
Quê tôi là một vùng sơn cước. Những tết sau ngày giải phóng (ngày đất nước thống nhất) có một loài hoa được nhiều người tìm chơi nữa đó là mai rừng. Cậu Hai tôi dù tất bật đồng áng quanh năm, cận tết lại càng tất bật vì phải xuống giống đồng ruộng cho kịp xong trước tết, nhưng cậu thế nào cũng giành một ngày để đi hái mai rừng. Những gì tôi biết, mai rừng rất ít hoa, lại càng khó để tìm được một nhành mai nở đúng dịp tết nhưng đó là loài hoa được cậu tôi ưa thích. Khi nhiều người thích thì phận mai cũng lắm long đong. Thường mai được chặt về, hui gốc, có lẽ làm cho mai “ức chế” để nhanh bung nhụy. Nhành to, đẹp được cắm trang trọng giữa nhà; nhành nhỏ chọn cắm bình để trên trang thờ và bàn thờ. Sau này, có một dịp tết lên Pleiku, tôi còn thấy họ chơi cả gốc mai rừng trong chậu. Chơi nhánh chỉ chơi được một lần. Chơi gốc thì chơi được nhiều lần. Trước đây, ít người săn lùng, mai rừng còn nhiều nên không phải là thứ quí. Bây giờ, có lẽ nó cạn kiệt rồi nên trở thành một loài quí hiếm.
Cũng chả sao ! Cái gì đẹp thì cần để cho người đời thưởng thức. Khi còn nhỏ, mai rừng chơi nhành hay gốc cũng chẳng làm cho tôi bận tâm. Chỉ thấy nó đẹp và đi hái được nhành mai là một công việc thích thú. Giờ thì tôi không nghĩ vậy. Dù là mênh mông, giàu có… thì của rừng cũng không phải là thứ vô tận. Biết vậy để chúng ta nâng niu gìn giữ, ứng xử với rừng sao cho bền vững.
Lê Phương