Tại buổi tiếp nhận tài liệu của các nhà văn, nhà thơ Thừa Thiên Huế
Giữa tháng 4, thực hiện chương trình sưu tập - bảo quản trong điều kiện tối ưu tài liệu của các cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và tài liệu do các gia đình, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ phản ánh những sự kiện quan trọng của đất nước, đoàn công tác của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (gọi tắt là trung tâm) do Giám đốc Trần Việt Hoa dẫn đầu đã vào làm việc tại TP. Huế.
Sau khi trực tiếp đến trao đổi, tìm hiểu hiện trạng tài liệu ở các gia đình nhà văn, nhà thơ, trong đó chủ yếu là những người từng được tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật như nhà nghiên cứu Hải Triều, các nhà thơ Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, các nhà văn Hồng Nhu, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê và nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Triều Nguyên…, sau đó, lễ tiếp nhận tài liệu và các hiện vật, gồm sách, bản thảo, ảnh, thư từ… đã được tổ chức trang trọng tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Đây mới là đợt đầu tiên, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và gia đình nhà nghiên cứu Triều Nguyên chưa kịp sắp xếp các tài liệu để trao; mặt khác, tại Huế, ngoài các văn nghệ sĩ được giải thưởng cao của Nhà nước, còn có những nhân vật hoạt động trên các lĩnh vực khác có đóng góp đáng kể, gia đình đang lưu giữ không ít tài liệu liên quan đến những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước.
Những tài liệu của Đại tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu, người đi suốt hai cuộc trường chinh của dân tộc cho đến hai Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1972, mà bà Hà Thị Ngọc Hà, từng là Đại sứ Việt Nam tại Chi Lê, con gái của Đại tá Hà Văn Lâu trở lại Huế để trao cho trung tâm dịp này là một bằng chứng cụ thể. Trước bàn thờ của Đại tá Hà Văn Lâu tại phường Phú Mậu, TP. Huế, trung tâm và bà Hà Thị Ngọc Hà đã ký biên bản tiếp nhận các tài liệu, trong đó có nhiều bức ảnh quý về 2 cuộc hòa đàm lịch sử ở Genève và Paris…
Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang quản lý một khối lượng rất lớn tư liệu từ 1945 đến nay của các cơ quan Trung ương và các nhân vật tiêu biểu, nếu tính theo chiều dài giá xếp tư liệu là 14km. Hiện, trung tâm đã xây dựng thêm nhiều ngàn km giá để tài liệu nữa để có thể tiếp nhận thêm nhiều tư liệu quý. Chỉ riêng giới nhà văn, theo danh sách bà Trần Việt Hoa cung cấp, có rất nhiều tên tuổi lớn ở Hà Nội và nhiều địa phương khác, nhưng trung tâm chưa có điều kiện tiếp cận để thực hiện kế hoạch tiếp nhận tài liệu mà gia đình đang cất giữ.
Lưu trữ là công việc lâu dài, nhưng với không ít trường hợp lại là chuyện có thể gọi là “khẩn cấp”! Trước hết, đó là với các nhân vật đã qua đời, nhiều tư liệu quý đã thất lạc qua thời gian. Ví như với nhà văn Phùng Quán, làm sao có thể tìm thấy những bản thảo cũ khi gia đình chỉ còn một người con gái đang ở Lào. Hay nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đã được Giải thưởng Nhà nước và đã mất, liệu còn gì ở Huế hay Hà Nội? Còn nhà thơ Thu Bồn – Giải thưởng Hồ Chí Minh, biết tìm ai để có thể tiếp cận tài liệu của nhà văn để lại?...
Đây là một công việc không dễ dàng và còn khá phức tạp. Thiết nghĩ, trung tâm muốn làm tốt công việc, cần có sự hợp tác tích cực của gia đình, bạn bè, cơ quan từng có quan hệ mật thiết với các nhân vật mà trung tâm đã có kế hoạch tiếp nhận tài liệu trong thời gian tới…
Bài, ảnh: Trung Sơn