ClockThứ Tư, 25/01/2017 13:54

Tiếng làng Tân Hội

TTH - Dừng chân tại chợ Đại Lộc (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) bác xe thồ bảo: “Chù (chú) ợ (ở) chỗ khác tởi (tới) à”- “Bác ở mô?”- “Tui ợ Tầng (Tân) Hổi (Hội)”. Cách nói khác lạ khiến tôi thắc mắc.

Ông Lê Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Điền Lộc, thấy tôi ngạc nhiên liền cười xòa: “Không hiểu vì lý do gì mà giọng nói làng Tân Hội lại mang âm sắc khác hẳn với các ngôi làng lân cận, mặc dù chỉ cách nhau chừng vài chục bước chân. Điều này chưa ai nghiên cứu cả”.

Đình làng Tân Hội được đồng hương trong và ngoài nước đóng góp xây dựng

“Giọng Tầng Hổi tới chự vận rửa”

“Nhà ông Hổi (ông Hội làng, tức trưởng làng), chù cứ đì (đi) bổ (bộ) theo đường nì (ni) hởn (hơn) trăm mét nữa là tởi. Rứa chù hỏi nhà ông Hổi làm chì (chi)?”- “Con muốn tìm hiểu về giọng nói của làng mình!?” – “Ôi chảo (chao) ời….ời (ơi), giọng Tầng Hổi từ xưa tới chự vẫn rửa (rứa), người Tầng Hổi đi mộ cũng nỏi giọng Tầng Hổi mà thôi”. Đó là cuộc đối thoại chớp nhoáng giữa tôi với cụ già tại quán nước ven đường khi hỏi nhà ông Nguyễn Sổ, Trưởng làng Tân Hội.

Gặp mặt, vị trưởng làng 81 mùa xuân qua ngõ giới thiệu gọn về Tân Hội qua những câu vè: “Làng này ở chốn bạch sa/đàn ông đánh cá, đàn bà bán buôn/ người buôn bổ (bộ) kẻ bám thuyền/ lên non chặt củi, xuống nguồn đặt mây/ rủ nhau buôn bán đông tây/ tiền trăm bạc chục vốn này rất to…”. Ông Sổ bảo, từ xa xưa, người dân từ  Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư vào đây dựng làng lập ấp. “Những người đầu tiên về đây lập làng rồi xây dựng hương ước. Hương ước quy định, cư dân không được phản lại làng; sống với nghề ngư nghiệp, phải tôn trọng âm linh dưới biển; 3 năm đáo lệ (lễ cầu ngư) một lần ”, ông Sổ nói.

Nghe chuyện hương ước, cụ Nguyễn Đồn (83 tuổi) ngồi cạnh “xổ” giọng Tân Hội qua những câu vè: Thừa lạng (thưa làng), thừa dâng (dân) ba hạng/cấm phâng (phân) cấm tro rội chự (chừ) cho tui xin cấm cọ (cỏ)/ chung quanh mồ mạ (mả) là bốn phía lạng (làng)/ đập dọc trừ chí đập ngang (từ dọc tới ngang)/ bằng mô dộ lậy (bàn mô nhổ nấy), hương về bắc (bắt) lấy thì phạc (phạt) mười đồng/ vợ lại chượi (chưởi) chồng, con mạ (mà) chượi mẹ/ đêm khuya lặng lẹ (lẽ), nghe tiếng kêu trợi(trời)/ lấy dây trọi (trói) lại , đem về hội quáng (quán)/ chưa biếc (biết) phạc (phạt) mấy động (đồng).

Theo người làng Tân Hội, từ cuối thế kỉ 19, người mang họ Lê Quang vào đây khai canh lập ấp. So với các ngôi làng cạnh bên, như Mỹ Hòa, Trung Đồng, Vĩnh Xương thì Tân Hội ra đời muộn hơn.“Ông tổ mang họ Lê Quang người Thanh Hóa đến lập làng và phát hiện những vung tiền lớn nơi đây rồi rủ thêm bà con từ quê cũ vào dựng làng lập ấp. Vì vậy, giọng người Tân Hội chắc lai giọng Thanh Hóa”, ông Nguyễn Xã, Trưởng thôn Tân Hội chia sẻ.

Sức trẻ

Ông Sổ nói: “Có một đặc trưng trong cách nói của người làng tui là âm cuối mỗi câu luôn được kéo dài. Âm điệu trong cách nói lúc trầm lúc bổng. Tụi tui nói có những từ giống giọng Huế nhưng lại biến thiên theo cách khác. Ví dụ: Từ Tân người Huế nói Tâng nhưng tụi tụi nói thành Tầng…”.

 “Giọng nói do tổ tiên để lại. Ông bà nói răng mình nói rứa. Mỗi lần đi xa rất tự hào, cứ nghe giọng nói là biết ngay đồng hương Tân Hội”, cụ Nguyễn Phách (80 tuổi) chia sẻ. “À, dân Tân Hội tán gái ri nữa nè, “Đựng (đứng) côi đồông gió thổi vo vo, đựng về xóm dựa (giữa) sáu o kéng chộng (kén chồng)”, câu ni chỉ tán gái Tân Hội thôi, chứ đi làng khác áp dụng trật liền, thậm chí bị nhái giọng. Mà lạ, con gái Tân Hội đi lấy chồng làng khác là họ đổi giọng ngay, nhưng người khác về làm dâu ở đây họ không nói giọng Tân Hội, chắc do nguồn nước mình... yếu”, cụ Phách vỗ đùi cười sang sảng.   

Giao thoa của một vùng đất

Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho rằng: “Các làng chài ven biển huyện Phong Điền đều là những di dân từ Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Xét cho cùng, những làng biển này có nguồn gốc từ các làng chài ở Thanh Hóa, họ đến ngụ cư trên đất của những làng nông nghiệp có sẵn, nhưng hướng ra phía biển.  Họ mang theo thổ âm của quê hương bản quán trước khi vào vùng đất mới. Có hai yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến giọng nói của một địa phương đó là, thổ ngơi bao gồm yếu tố khí hậu, nguồn nước và xã hội tức là yếu tố giao tiếp. “Về giọng nói của làng Tân Hội vì sống trong một cộng đồng đánh cá khép kín. Đồng thời, vẫn còn lưu giữ ngữ điệu của vùng đất cũ nên giọng nói vẫn bảo tồn được tính chất nguyên thủy. Nhưng nếu, một địa phương có sự giao lưu, giao thoa với vùng đất khác thì giọng nói sẽ bị thay đổi”, ông Vinh chia sẻ.

Đua thuyền truyền thống là nét văn hóa đặc trưng của người dân làng Tân Hội

PGS.TS Trương Thị Nhàn, Trưởng bộ môn Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn, Trường ĐHKH Huế cho biết: “Xét về ngôn ngữ, tiếng Hà Nội có 6 thanh phân biệt rõ ràng. Giọng Huế chỉ có năm thanh, thanh hỏi, ngã chập vào nhau không phân biệt được. Ngoài ra, có những vùng giọng nói chỉ có 3 thanh, đó là những nơi lưu giữ tiếng Việt cổ. Nếu họ nói, người khác muốn hiểu chỉ phân biệt dựa vào ngữ cảnh chứ không dựa vào thanh điệu. Ở Tân Hội có lẽ là sự thiếu hụt của thanh điệu, các thanh điệu nhập vào nhau, có chăng đó là dấu viết của tiếng Việt cổ, nơi giao thoa giữa Thanh Hóa và Nghệ An. Đồng thời, chịu ảnh hưởng của giọng nói của vùng Bắc miền Trung”.

Đối với ngữ điệu trong cách nói. PGS.TS Trương Thị Nhàn cho hay: “Miêu tả ngữ âm không hề đơn giản. Giọng nói luôn có sự  giao thoa, nếu cộng cư với dân bản địa thì lai giọng. Tiếng địa phương có những vùng chuyển tiếp, trong một làng bản thân nó cũng có vùng chuyển tiếp. Vì vậy, tính chất chuyển tiếp là đặc điểm của ngôn ngữ. Muốn phân tích ngữ điệu trong giọng nói phải cần công cụ hỗ trợ, ghi âm biến thiên rồi phân tích phổ âm như thế nào”.

“Ngay cạnh làng Tân Hội, năm 1886 đã có ấp Mỹ Hòa ở tổng Vĩnh Xương nhưng lúc đó vẫn chưa xuất hiện cái tên Tân Hội. 2 cộng đồng này có thể đến cùng nhau nhưng có thể Tân Hội chưa đủ mạnh để lập ấp. Do vậy, làng này có thể xuất hiện ở  đầu thế kỷ 20, thời kỳ vua Thành Thái hoặc Duy Tân”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh chia sẻ.

Bài, ảnh: Quỳnh Viên

ĐÁNH GIÁ
3
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cháy rừng tràm ở Tân Hội

Tại rừng tràm ở thôn Tân Hội, xã Điền Lộc (Phong Điền) đã xảy ra vụ cháy vào trưa 18/7.

Cháy rừng tràm ở Tân Hội
Lưu dấu tên làng

Sau thời gian dài ghi dấu, tên làng giờ có đổi khác nhưng nghĩa tình con người vẫn gắn chặt nơi vùng đất “Họ truyền giọng điệu cho con tập nói”.

Lưu dấu tên làng
Huyền sử khe Long

Dẫu chẳng có sử liệu nào ghi chép đầy đủ về khe Long (hay còn gọi là Long nguồn) nhưng dòng nước mát từ ấy đã cưu mang bao phận người miệt biển. Nước từ khe Long còn nuôi dưỡng một loại sản vật tiến nạp Hoàng cung là sen nước mặn.

Huyền sử khe Long
Cát...

Ký ức về cát vẫn nguyên vẹn như ngày nào, nhưng cát bây giờ đã mang dáng hình mới…

Cát
Nghề biển

Cánh ngư dân bảo, nghề rùng, nghề dạ, câu kiều, “te” ruốc đất…đang dần mất. Nhưng nhiều lần về các vùng biển, tôi thấy nó không mất mà còn được cải tiến.

Nghề biển
Return to top