ClockThứ Sáu, 14/02/2020 14:12

Lưu dấu tên làng

TTH - Sau thời gian dài ghi dấu, tên làng giờ có đổi khác nhưng nghĩa tình con người vẫn gắn chặt nơi vùng đất “Họ truyền giọng điệu cho con tập nói”.

Từ Hòa Duân đến làng RồngHòa Xuân - làng chài bên sông Ô LâuKhám phá vùng Nong

Một góc thôn Pa ris Ka vin

1. Không phải ngẫu nhiên mà chính sách sáp nhập làng, xã của Nhà nước luôn là câu chuyện thời sự nóng hổi. Càng không phải bỗng dưng những người lớn tuổi ở những ngôi làng xưa cũ thường ý kiến trong những buổi hội họp, bàn về cái tên mới sau sáp nhập.

Xã A Đớt cũ (nay là xã Lâm Đớt, sáp nhập với xã Hương Lâm, huyện A Lưới) nép mình dưới những chân núi trùng điệp. Tôi đến và hỏi về chuyện cũ, chuyện mà vị nữ cán bộ xã cùng đi bảo, 5 năm trước chị không nhớ đã bao nhiêu lần về tận thôn bản chỉ để vận động chuyện “sáp nhập thôn”. Nhắc nhớ ký ức, già làng Lê Văn Tring (thôn  Pa ris Ka vin), người dân tộc Tà Ôi cười lớn: “Gay go lắm nhưng chừ không có chi phải lo. Đồng bào dân tộc đã cùng nhau đoàn kết”.

Người dân xã Lâm Đớt (sau khi sáp nhập giữa 2 xã Hương Lâm và A Đớt) tất bật xuống đồng

Ngược dòng ký ức, Pa ris Ka vin - lúc đầu là hai thôn: Pa ris và Ka vin. Nhiều thế hệ con cháu người Pa ris tương truyền câu chuyện làng được thành lập cách đây cả nghìn năm và là tên của loại củ riềng gắn bó với con dân cũng ngần ấy thời gian. Họ cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt trên mảnh đất đó, tên gọi đó với những nét văn hóa đặc trưng. Còn với người Ka vin, họ nương tựa từng tấc đất, ngọn cây đúng như ý nghĩa của cái tên thôn cũ. Khi nhập những tên ấy lại một, dân chạnh lòng là điều dễ hiểu. “Người dân sợ với tên gọi mới, con cháu đời sau sẽ không còn nhớ đến nguồn cội. Bởi rứa mà lúc đó, dân tụi tui họp suốt tuần liên tục”, già Tring kể.

Tên gọi mới sau đó dù thỏa lòng dân nhưng câu chuyện hòa hợp văn hóa là cả một quá trình. Với người đồng bào dân tộc thiểu số, họ chấp nhận sự đổi thay nhưng những nếp cũ tốt đẹp tồn tại từ ngàn đời sẽ không dễ gì buông bỏ. Như lời già Tring, dân tộc Tà Ôi không có sự phân biệt với các dân tộc anh em cùng chung sống trên dãy Trường Sơn, nhưng mỗi vùng đất có riêng một nét văn hóa. Nếu người làng Ka vin mỗi năm có tục cúng thần núi thì trong đời sống của người Pa ris ở mọi thời điểm không thể thiếu được những điệu dân ca dân nhạc và cả âm thanh của tiếng cồng chiêng. “Khi đặt chân đến vùng đất đang sinh sống, tổ tiên người Ka vin mang theo một chiếc vòng to bằng đồng đen từ phía núi. Hàng năm, họ phải cúng thần núi với lễ vật gồm gà, trâu, bò và 2 chiếc đĩa. Ngoài ra, họ chỉ hát hò, đánh cồng chiêng vào những ngày hội lớn. Còn người Pa ris không có phong tục cúng thần núi. Do rứa khi nhập làng, theo tục lệ người Pa ris không thể theo tục lệ của làng bạn. Sau nhiều lần già làng hai bên hội họp, chúng tôi thống nhất dù cùng tên gọi làng chung nhưng bản sắc cũ mỗi nơi phải giữ và cùng phát huy những truyền thống chung”, già Tring quả quyết.

Phụ nữ thôn Pa ris Ka vin dệt thổ cẩm truyền thống của người Tà Ôi

Dù ở đâu trên vùng đất sương mù giăng lối, đụng tên làng là chạm tới một phần máu thịt của con dân xứ sở. Việc sáp nhập làng, bản chính là lúc tình yêu quê hương, nguồn cội trong họ trỗi dậy. Xã A Đớt (cũ) từ 8 thôn sáp nhập còn 6 thôn chỉ là một trong số nhiều xã minh chứng rõ cho câu chuyện dù cũ mà lại mới này tại huyện vùng cao A Lưới. Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu giúp tôi mường tượng những chuyện tưởng chừng không thể có trong tâm thức của những con người vùng rẻo cao. Với họ, nếu việc sau khi sáp nhập tên gọi cũ của người dân mất đi; tên gọi mới vô nghĩa nếu không có sự cẩn trọng hay kết cấu cộng đồng yếu đi sau khi làng khoác áo mới là điều không dễ chấp nhận. “Đặc thù của ngôn ngữ đồng bào là đa tiết nên khi sáp nhập 2 thôn không thể lấy mỗi thôn mỗi từ mà ghép chung với nhau được, vì sẽ tạo ra từ vô nghĩa. Tên gọi của thôn mới có thể là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại nhưng phải dựa trên nền tảng cũ, được người dân chọn lựa thì họ mới dễ dàng chấp nhận. Ở A Lưới những tên gọi như, thôn Kê, Ân Sao trên những văn bản hành chính bây giờ đã mất đi nhưng người dân vẫn lưu giữ trong kết cấu cộng đồng. Họ tiếp thu cái mới nhưng lưu giữ, trân trọng cái cũ”, bà Sửu chia sẻ.

2. Nỗi niềm là điều không khó nhận ra, nhưng việc bố trí, sắp xếp lại các đơn vị các cấp làng xã là phù hợp để tạo ra thời cơ mới phát triển. Không ít người trong câu chuyện tôi hỏi lý do họ chưa đồng tình với việc sáp nhập vì muốn níu giữ gốc tích của cha ông một thuở.

Những năm trước, người dân thôn Hà Đồ và Phước Lập hay Phước Lâm và Phước Lý (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền) yêu cầu chính quyền phải lấy tên thôn cũ của mình sau khi sáp nhập. Mong muốn của họ không ngoài lý do sợ những tên làng rất xưa bị mất đi. Cuối cùng chính quyền thống nhất gộp tên hai thôn lại và đầu tư kinh phí xây dựng những tuyến đường bê tông kết nối các thôn sau sáp nhập.

Là một trong 7 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện cần phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 của tỉnh, xã Hồng Tiến (bây giờ là xã Bình Tiến sau khi sáp nhập với xã Bình Điền, TX. Hương Trà) phải nhiều lần lấy ý kiến dân, tạo nên sự đồng thuận trước khi mang tên gọi mới Bình Tiến. Câu chuyện sáp nhập khiến nhiều người dân Hồng Tiến ít nhiều tiếc nuối. Họ tiếc vì vùng đất mà 9 dân tộc anh em “thiên di” năm nào bây giờ mang tên gọi khác. Ông Lê Văn Đài, người dân tộc Pahy định cư ở Hồng Tiến từ thuở nơi này đang là vùng đất hoang sơ. “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của Đảng nhưng chúng tôi cũng muốn lưu giữ nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Bây giờ, chủ trương đã thống nhất, Nhà nước cũng có những chính sách giúp chúng tôi bảo tồn nét văn hóa cũng như hỗ trợ phát triển kinh tế nên chúng tôi yên tâm hơn nhiều”, ông Đài chia sẻ.

Không riêng gì Thừa Thiên Huế, chuyện sáp nhập thôn, xã dù ở địa phương nào ít nhiều người dân cũng có những ý kiến khác nhau. Và tên gọi mới sau sáp nhập là nỗi băn khoăn của nhiều người, song ai cũng vì cái chung nên họ dần quen và chấp nhận tên thôn, xã mới như một phần của cuộc sống.

Theo Nghị quyết số 834/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2020, sau khi sáp nhập, Thừa Thiên Huế có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố; 145 ĐVHC cấp xã, gồm 98 xã, 39 phường và 8 thị trấn. Bộ máy cơ quan, tổ chức ở địa phương đang từng bước ổn định, hướng đến việc đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng – an ninh trên địa bàn và đời sống của Nhân dân.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”

“Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân”. Đây là hai câu thơ trong bài thơ “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Hôm nay bỗng ùa về khi lẩn thẩn nghĩ về chuyện đổi tên, đặt lại tên xã, phường sau khi tách nhập đang nóng lên ở rất nhiều địa phương trên cả nước.

“Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”
Huyền sử khe Long

Dẫu chẳng có sử liệu nào ghi chép đầy đủ về khe Long (hay còn gọi là Long nguồn) nhưng dòng nước mát từ ấy đã cưu mang bao phận người miệt biển. Nước từ khe Long còn nuôi dưỡng một loại sản vật tiến nạp Hoàng cung là sen nước mặn.

Huyền sử khe Long
Cát...

Ký ức về cát vẫn nguyên vẹn như ngày nào, nhưng cát bây giờ đã mang dáng hình mới…

Cát
Nghề biển

Cánh ngư dân bảo, nghề rùng, nghề dạ, câu kiều, “te” ruốc đất…đang dần mất. Nhưng nhiều lần về các vùng biển, tôi thấy nó không mất mà còn được cải tiến.

Nghề biển
Tiếng làng Tân Hội

Dừng chân tại chợ Đại Lộc (xã Điền Lộc, huyện Phong Điền) bác xe thồ bảo: “Chù (chú) ợ (ở) chỗ khác tởi (tới) à”- “Bác ở mô?”- “Tui ợ Tầng (Tân) Hổi (Hội)”. Cách nói khác lạ khiến tôi thắc mắc.

Tiếng làng Tân Hội
Return to top