ClockThứ Bảy, 01/12/2018 12:53

“Tinh hoa Đông y Huế”

TTH - Với không gian trưng bày “Tinh hoa Đông y Huế” (được giới thiệu từ 23/11 đến 23/1/2019) tại Bảo tàng Văn hóa Huế, lần đầu tiên, nghề Đông y Huế được tái hiện khá rõ nét qua những hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý.

Giới thiệu tinh hoa nghề Đông y Huế

Trưng bày giới thiệu các tư liệu về Thái Y Viện

Nét tinh hoa

Nhắc đến Đông y Huế, không thể không nói đến Thái Y Viện. Với vị trí địa lý, lịch sử đặc biệt, Huế là nơi có dòng y dược cung đình phát triển với trình độ cao do triều đình phong kiến tổ chức và quản lý, nổi bật nhất là Thái Y Viện triều Nguyễn, tồn tại 143 năm. Giới thiệu nét tinh hoa của Thái Y Viện, không gian trưng bày mang đến cho người xem những hình ảnh, tư liệu quý: Cảnh thăm mạch ở triều đình Huế, sắc phong vua Tự Đức ban cho ngự y Nguyễn Hạnh thăng làm Viện sứ Thái Y Viện năm Tự Đức thứ 10 (1857), cuốn Châu bản triều Nguyễn Ngự dược nhật ký, một số y văn, y thư cung đình…

Với sự tồn tại của Thái Y Viện, Huế cũng là nơi quy tụ nhiều ngự y là những danh y của mọi miền đất nước thông qua việc xét hạch, tuyển chọn của triều đình. Dưới thời vua Minh Mạng, trong số 85 ngự y, có đến 73 vị là người Huế. Thế nên, không gian trưng bày còn giới thiệu tên tuổi các ngự y nổi tiếng ở Huế, những ngôi làng, dòng họ có số lượng ngự y đông đảo.

Bên cạnh Thái Y Viện, ngoài dân gian vẫn có một bộ phận lương y chăm lo sức khỏe cho quần chúng Nhân dân. Bắt mạch, kê đơn, sắc thuốc, bốc thuốc… tất cả những hoạt động khám bệnh đều được tái hiện sinh động trong không gian của “Tinh hoa Đông y Huế”.

Theo bà Nguyễn Hồng Hoa Tranh, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa Huế, Đông y có thể xem là di sản của Huế, bởi chỉ có Huế mới có Tiên Y miếu, Thái Y Viện. Không chỉ giới thiệu nét văn hóa đặc sắc đến công chúng qua những tư liệu, hiện vật, cách tổ chức khám chữa bệnh của nghề Đông y Huế xưa và nay, trưng bày chuyên đề “Tinh hoa Đông y Huế” còn tôn vinh những đóng góp của các lương y, dòng họ y gia, cơ sở khám chữa bệnh Đông y trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Các dụng cụ sử dụng trong Đông y

Tham quan phòng trưng bày, lương y Thích Tuệ Tâm, Phó Chủ tịch Hội Đông y Thừa Thiên Huế bày tỏ: “Tôi rất vui khi tham quan không gian trưng bày này. Với những tư liệu, dụng cụ, thuốc thang khá đầy đủ, phòng trưng bày vừa khái quát vừa có điểm nhấn về lịch sử phát triển của Đông y Huế từ triều Nguyễn đến nay. Đây còn là hoạt động tôn vinh vai trò của thầy thuốc Đông y”.

Giữ nghề của cha ông

Nghề Đông y Huế có lịch sử lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế. Bởi vậy, Huế là nơi tập trung nhiều nhà thuốc Đông y lớn, nhiều danh y, ngự y nổi tiếng, nơi lưu giữ nhiều phương thuốc hay, bài thuốc quý. Theo lương y Lê Hữu Mạch, Chủ tịch Hội Đông y TP. Huế, nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của Đông y ở Huế là, dưới thời các triều đại phong kiến có nền Đông y phục vụ cung đình với y dược phát triển ở trình độ cao, do triều đình tổ chức, quản lý, đỉnh cao là Thái Y Viện triều Nguyễn.

Bên cạnh đó, y học của quần chúng do tư nhân tự quản theo quy mô cá thể, hay gia đình, họ phái, phường hội cũng được hình thành và phát triển với nhiều thầy thuốc giỏi, có uy tín. Nhiều tiệm thuốc Bắc tập trung ở phố thị Đông Ba, Gia Hội, Kim Long… tạo thành một trung tâm Đông y lớn. Nghề Đông y Huế vang bóng một thời, ngày nay đang được bảo tồn, gìn giữ, kế thừa, phát huy và phát triển, đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đội ngũ thầy thuốc ở Huế có y đức, y thuật cao với nhiều dòng họ y gia nổi tiếng, được nối nghiệp nhiều đời.

Đông y có thể xem là di sản của Huế. Ảnh: Đăng Tuyên

Đơn cử, gia đình lương y Lê Hữu Mạch nhiều đời nay vẫn duy trì nhà thuốc y học cổ truyền Đồng Cát. Lương y Lê Hữu Mạch chia sẻ: “Kế nghiệp cha tôi là lương y Lê Hữu Hoàng, tôi theo nghề y để duy trì nhà thuốc Đồng Cát. Không chỉ giữ nghề gia truyền, đó còn là cách tôi bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị tinh hoa của một nghề truyền thống đáng tự hào của quê hương. Điều vui là 3 đứa con của tôi cũng nối nghiệp, theo y học cổ truyền. Chúng tôi cố gắng học hỏi các cụ ngày xưa, nhất là về y đức”.

Không gian bốc thuốc

Lương y Thích Tuệ Tâm cho rằng, xu hướng chữa bệnh bằng Đông y của người dân rất lớn. Bên cạnh hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế tư nhân về y học cổ truyền ngày càng phát triển, tạo được lòng tin và uy tín với cộng đồng. Nhiều phòng chẩn trị được đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Đông y.

Lương y Thích Tuệ Tâm cũng là người tham gia dịch một số châu bản triều Nguyễn và các bài thuốc của ngự y. Từ đó, lương y vận dụng, gia giảm để chữa bệnh cho mọi người. Ngành Đông y Huế cũng nghiên cứu, sản xuất và cho lưu hành ra thị trường nhiều sản phẩm đông dược được đánh giá cao về chất lượng, như: các sản phẩm rượu Minh Mạng và thuốc Minh Mạng thang, các sản phẩm trà và rượu cung đình…

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top