BVQG được xem là những hiện vật nguyên bản, độc bản, có hình thức độc đáo, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học. BVQG không nhất thiết phải là cổ vật (có niên đại trên 100 năm) mà có thể bao gồm cả các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, để một hiện vật được công nhận làm BVQG phải là hiện vật nguyên gốc, độc bản; hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học. Rõ ràng, không dễ để trở thành BVQG.
Hàng trăm năm là thủ phủ xứ Đàng Trong, kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, việc sở hữu nhiều cổ vật được công nhận là BVQG cũng là chuyện bình thường đối với Thừa Thiên Huế. Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự” là báu vật nằm trong mạch chảy văn hóa đáng tự hào đó. Bia hiện đang được gìn giữ tại chùa Thiên Mụ, là một trong những hiện vật của chúa Nguyễn Phúc Chu có giá trị về tư tưởng, lịch sử và văn hóa thời các chúa Nguyễn.
Chóp tháp Linh Thái được chế tác bằng đá nguyên khối, lỗ mộng trên chóp tháp được chế tác bằng các vật liệu kim loại, đá quý; bệ chóp tháp được làm bằng đá sa thạch, bốn mặt bệ được thiết kế cách điệu 8 cánh sen đang nở rất độc đáo. Tiếp theo BVQG bệ thờ Vân Trạch Hòa (Phong Thu, Phong Điền), chóp tháp và bệ tháp Champa Linh Thái (Vinh Hiền, Phú Lộc), một trong những công trình của người Champa còn lưu lại, nếu được công nhận BVQG, sẽ tiếp tục mở ra một cách nhìn mới về cổ vật xứ Huế đa dạng và độc đáo.
Lần đầu tiên vào dịp chào xuân mới Đinh Dậu - 2017, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức trưng bày đặc biệt: “Bảo vật quốc gia Việt Nam”. Mục đích trưng bày nhằm giúp khách tham quan có cái nhìn hệ thống về BVQG tại bảo tàng, khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa chuyên sâu, hấp dẫn của mỗi BVQG. Đó cũng là một gợi ý dành cho Thừa Thiên Huế.
Đằng sau mỗi BVQG là câu chuyện kể mang giá trị lịch sử và ý nghĩa xã hội nhân văn sâu sắc. Ví như Khiêm Cung ký (lăng vua Tự Đức) được công nhận CVQG năm 2015 là tấm bia đá nặng đến 20 tấn, khắc 4.935 chữ Hán do vua Tự Đức viết ở cả hai mặt. Đây được xem là cuốn tiểu thuyết về chính cuộc đời của vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử nhà Nguyễn.
Khi mà đây đó nảy sinh nhiều sự lo ngại về cách ứng xử với BVQG thì vấn đề đặt ra, như ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, là cần có ngay một quy chế đặc biệt trong việc gìn giữ các BVQG. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến cũng rất có lý khi cho rằng, BVQG cần đưa ra để nhân dân biết được đâu là tài sản quốc gia cần được gìn giữ; đồng thời, cảm thấy tự hào về những di sản như thế. Còn GS. Trần Lâm Biền thì cho rằng, “nó nên được đưa vào giáo dục lịch sử văn hóa địa phương” và “cần có một chương trình kết hợp với truyền thông để quảng bá sâu rộng”.
ĐAN DUY