ClockThứ Hai, 12/02/2024 12:14

“Trong mơ ta còn muốn đợi bầy phượng hoàng trở lại”

TTH - Có một sự trùng hợp rất thú vị là huyền thoại về chim phượng hoàng không chỉ từ khắp nơi trên thế giới “bay” đến không gian triều Nguyễn, không gian Huế mà còn xuất hiện trong cả bài hát lý về “mùa săn máu” của người Cơ Tu ở Trường Sơn đại ngàn.
 Hoa ngô đồng ở xứ Huế. Ảnh: Hoàng Hải

Phượng hoàng là một trường hợp rất đặc biệt khi được chọn làm linh vật -  một dạng chim lửa thần thánh và linh thiêng trong nhiều thần thoại và huyền thoại của cả Đông lẫn Tây.

Ở phương Tây, phượng hoàng xuất hiện trong thần thoại của Hy Lạp, Ai Cập và nhiều quốc gia khác với niềm tin chung, đây là loài chim có thể sống từ 500 năm cho đến 1.400 năm và thậm chí là bất tử.

Và khi chuẩn bị từ giã cõi đời, phượng hoàng xây cho nó một cái tổ từ những cọng quế và sau đó tự bốc cháy. Cả tổ và chim đều cháy dữ dội để sau đó chỉ còn một nắm tro tàn, từ đó một con chim phượng hoàng mới ra đời.

Phượng hoàng hồi sinh từ đống tro tàn là một hình ảnh ấn tượng trong văn hóa phương Tây. Người ta cũng nói rằng, những giọt nước mắt của phượng hoàng có thể chữa lành vết thương.

Trong thần thoại phương Đông, phượng hoàng là biểu tượng của ân sủng, đức tin và những điều cao đẹp đôi khi chỉ có trong mộng nên người thường không thể với tới. Cùng với “long” trong  tứ linh “long, lân, quy, phụng” là hai linh vật không có thật, đã hợp sức với thần Bàn Cổ để tạo ra thế giới.

Theo các “Từ điển điển cố” xuất bản từ thời nhà Thanh, phượng hoàng có thật chứ không chỉ là “truyền thuyết”, sống trên những tầng núi rất cao, xa xôi mà con người khó nhìn thấy được và nó chỉ đậu trên những cây ngô đồng.

Hình ảnh phượng hoàng đang được lưu giữ tại Aberdeen Bestiary - Thư viện Đại học Aberdeen, Anh. Ảnh: Tường Minh 

Đây là một loại “vương giả chi hoa” của Trung Quốc như trong Kinh Thi từng nhắc đến: “Phượng hoàng minh hĩ/Vu bỉ cao cương/Ngô đồng sinh hĩ/Vu bỉ triêu dương/Bổng bổng thê thê/Ung ung dê dê”.

(Chim phượng hoàng hót/Tiếng trên ngọn núi cao/Cây ngô đồng mọc/Trong ánh nắng sớm/Tươi tốt xanh xanh/Hài hòa vui vẻ).

Đây cũng là loài ngô đồng quà tặng, được đưa từ Quảng Đông (Trung Quốc) đến trồng ở Đại Nội Huế dưới thời vua Minh Mạng và sau đó được phát hiện hóa ra có rất nhiều ở rừng Việt Nam như ghi chép trong “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn: “Ngô đồng: Các tỉnh ven núi đều có. Đời Minh Mạng được đưa từ Quảng Đông đem về, trồng ở hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên các núi để tìm khắp, tìm được, đem trồng ở các góc điện”.

Người phương Đông tin rằng phượng hoàng chỉ đậu trên mỗi cây ngô đồng. Vậy nên người xưa mới có câu “trồng cây ngô đồng, chờ phượng hoàng tới”. Và con chim phượng đã vỗ cánh từ thời tối cổ rồi bay suốt chiều dài lịch sử, bay đến không gian của triều Nguyễn, của Huế, không chỉ được ghi dấu ở những cây ngô đồng ngày nay vẫn còn nở hoa ở trong Đại Nội mà còn được vua Minh Mạng cho in dấu lên Cửu Đỉnh như một ẩn ý. Rằng ngô đồng - “vương giả chi hoa” là loài cây mọc rất nhiều ở rừng tự nhiên của người Việt Nam chứ không riêng gì Trung Quốc mới có! 

Và thú vị là “đặc tính Việt Nam” của cây ngô đồng còn thể hiện ở chỗ: Cây ngô đồng trong Đại Nội bắt đầu rụng lá vào đầu xuân và đến cuối xuân thì cây trụi lá để trổ hoa. Trong khi ngô đồng Trung Quốc lại rụng lá và nở hoa vào mùa thu, ứng với câu “ngô đồng nhất diệp lạc/thiên hạ cộng tri thu” (Một chiếc lá ngô đồng rụng/Thiên hạ biết mùa thu đã đến rồi).

Ngày nay thì không chỉ trong Đại Nội, cây ngô đồng còn được nhìn thấy khá nhiều dọc dãy Trung Trường Sơn, từ Đông Giang - Tây Giang (Quảng Nam) cho đến Đakrông (Quảng Trị). Đây cũng là những địa bàn có người dân tộc thiểu số Cơ Tu sinh sống. Và thật ngạc nhiên, là con chim phượng hoàng, lại được ghi dấu - nhắc đến trong một bài hát lý “Mùa săn máu” của người Cơ Tu.

Trong bài hát lý này, chim phượng hoàng là một lý do để chờ đợi, để không thể nào chết đi. Bởi nó là biểu tượng cho những điều đẹp đẽ đã mất và đang tới, như nhà văn Vĩnh Quyền đã dựng lại trong tiểu thuyết mới nhất của mình có tên là “Thương ngàn”:  “Buổi sáng ta còn muốn thấy/ mặt trời mọc đàng đông/ buổi chiều ta còn muốn thấy/ mặt trời lặn đàng tây/ buổi trưa ta còn muốn nghe/ con thơ hát ngoài sân/ giữa đêm ta còn muốn nghe/ vợ yêu cười dưới chăn/ trong mơ ta còn muốn đợi/ bầy phượng hoàng trở lại/ ta không thể cho ngươi máu”…

“Trong mơ ta còn muốn đợi bầy phượng hoàng quay trở lại” không chỉ là tâm trạng phải sống bằng mọi giá của một chiến binh Cơ Tu khi phải đối diện với một “mùa săn máu” sinh tử. Mà còn là sự hồi hộp, khát khao chung của người Huế những ngày này khi đứng trước vận hội và giấc mơ “cả tỉnh lên thành phố trực thuộc Trung ương” đang trở thành hiện thực có thể sờ mó được. Khi tiến trình thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 12-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đang có những bước đi vững chãi.

Người Huế đã “trồng cây ngô đồng, chờ phượng hoàng tới” từ dưới thời vua Minh Mạng và nay vẫn đã và đang được nhân giống để nhân rộng thành một loài cây đặc hữu của thành phố. “Trồng cây ngô đồng, dẫn phượng hoàng tới” là một ẩn dụ về sự chờ đợi những giấc mơ trở thành hiện thực. Và bây giờ thì có thể thay câu nói đó bằng một ẩn dụ khác cùng nghĩa đang rất phổ biến là “dọn tổ cho đại bàng”. “Dọn tổ” là sửa soạn cho “nhà mới” và cũng là chuẩn bị cơ sở cả vật chất và tinh thần để đón những làn sóng nhà đầu tư…

Hoàng Văn Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não

Trong một động thái lịch sử, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cho biết, Nigeria đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại vaccine 5 trong 1 mới “mang tính cách mạng” chống viêm màng não, nhằm bảo vệ con người, chống lại 5 chủng vi khuẩn não mô cầu chính là A, C, W, Y và X.

Nigeria trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai vaccine mới chống viêm màng não
Return to top