Niêm yết bảng vàng tại Phu Văn Lâu
Từ lịch sử hình thành và phát triển của Quốc Tử Giám, ngoài việc tái hiện sinh động các câu chuyện về lều chõng, trường thi, lớp học, hoạt động khoa cử…, việc tổ chức lễ phát thưởng, tôn vinh học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc và phát bằng tiến sĩ cũng là hoạt động ý nghĩa để phát huy giá trị di tích Quốc Tử Giám Huế.
Trên nền tảng nghi lễ của triều Nguyễn là lễ Truyền lô và lễ Vinh quy bái tổ, ban yến tiệc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng lễ vinh danh học sinh có kết quả học tập xuất sắc: đạt giải quốc gia, học sinh tiêu biểu, các nhà khoa học, các đề tài nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong thực tế và phát bằng tiến sĩ được đào tạo tại Đại học Huế.
Theo ý tưởng của TS. Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, buổi lễ sẽ được tổ chức trang trọng kết hợp các địa điểm: Ngọ Môn – Phu Văn Lâu – Quốc Tử Giám, trong đó, Ngọ Môn là nơi để vinh danh và Quốc Tử Giám là nơi vinh quy bái tổ, ban yến tiệc. Không gian Quốc Tử Giám sẽ trưng bày, giới thiệu về 32 bản dập văn bia của 293 vị tiến sĩ thi đỗ dưới triều Nguyễn từ Minh Mạng đến Khải Định.
Âm sắc truyền thống hiện rõ qua trang phục áo dài, tiếng chiêng trống, âm nhạc, cờ xí, lính tráng… Đoàn rước từ Quốc Tử Giám theo đường 23/8 đến Ngọ Môn làm lễ vinh danh. Tại Phu Văn Lâu sẽ dựng bảng vàng niêm yết danh sách hai bên. Sau đó đám rước di chuyển từ Phu Văn Lâu vào Quốc Tử Giám tổ chức yến tiệc, phát thưởng và vinh quy.
“Quốc Tử Giám sẽ là địa chỉ vinh danh hàng năm. Lễ vinh danh áp dụng cho các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học có học sinh đạt giải quốc gia và các sáng kiến khoa học trên địa bàn tỉnh; vinh danh các tân tiến sĩ được Đại học Huế đào tạo hoặc những người con của Huế có kết quả học tập nổi bật được đào tạo từ nước ngoài. Cũng có thể áp dụng để tỉnh vinh danh các nhà khoa học tiêu biểu hàng năm, nhằm thu hút người tài”, TS. Lê Thị An Hòa nói.
Quốc Tử Giám Huế là sự kết tinh từ tâm hồn, trí tuệ của các thế hệ tri thức Việt Nam qua hàng trăm năm. Việc chọn Ngọ Môn là nơi vinh danh, xướng tên trước khi niêm yết bảng vàng; Di Luân Đường làm điểm tổ chức vinh quy bái tổ và yến tiệc nhằm biểu dương thành tích của học sinh, sinh viên, giáo dục về niềm tự hào và trách nhiệm của bản thân đối với quê hương đất nước. Lễ vinh danh kết hợp với lễ ban yến chúc mừng trong không gian di tích Quốc Tử Giám cũng quảng bá và giới thiệu ẩm thực cung đình.
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho rằng, lễ vinh danh học sinh xuất sắc và phát bằng tiến sĩ nhằm tôn vinh truyền thống về đạo học, động viên, khích lệ nhân tài của tỉnh nhà. Đồng thời, quảng bá về các di sản văn hóa Huế, nhất là Quốc Tử Giám, ngôi trường đại học xưa nhất ở Huế dưới chế độ phong kiến, hiểu sâu hơn về vấn đề khoa cử dưới triều Nguyễn. Thông qua hình thức vinh danh này, có thể lồng ghép chương trình giới thiệu di sản vào học đường, đưa di sản đến gần với học sinh và sinh viên.
Minh Hiền