ClockChủ Nhật, 07/02/2016 22:11

Tiếng Huế, người Huế

TTH - Cuối năm ngồi tính lại, té ra, trong hành trình sống của mình, Huế lại là nơi tôi sống ít nhất.
Tím Huế. Ảnh: Bảo Trân

Lịch sử đất nước khiến nhiều người Việt Nam có lý lịch bản thân khá đa dạng. Cha một nơi, mẹ một nơi, sinh ở một nơi, lớn lên ở một nơi rồi lập nghiệp ở một nơi khác... khiến việc khai lý lịch cứ tít mù lên, và ngay cả giải thích cho con cái cũng hết sức vất vả.

Tôi là một trong những mảnh vụn như thế.

Đã từng sống trọn tuổi thơ ở Thanh Hóa và Ninh Bình, có hơn phần tư thế kỷ lập nghiệp ở Gia Lai, tôi chỉ có không đầy 5 năm sống ở quê nội, là Thừa Thiên Huế, trong đó 4 năm ở Huế học đại học, chừng hơn năm (là cộng tất cả những mảnh thời gian hè tết và các kỳ phép) ở làng của mình, Thế Chí Tây, Điền Hòa, Phong Điền.

Nhưng hỏi giờ tôi nhớ nơi nào nhất, nơi nào gây cho tôi ấn tượng sâu đậm nhất, nơi nào khiến tôi tự hào nhất, nơi nào khiến mỗi khi nhắc tới tôi bồi hồi nhất, nơi nào khiến tôi cảm thấy mắc nợ nhất (dù chả nợ gì và nơi ấy cũng chả đòi gì tôi)... thì tôi nói ngay là Huế.

Cái tiếng Huế, giọng Huế, nó cứ cứa vào lòng mỗi khi lang thang đâu đó, cả trong và ngoài nước, có ai đó cất lên, nhất là giọng phụ nữ.

Nó nhẹ, nhẹ lắm, nhẹ như làn sương, như một hơi thở thoảng, như nỗi nhớ rất xa, như cái lá phượng khẽ nghiêng phía cầu Bạch Hổ, như một vạt chiều tím thẫm lại phía Thiên An trong một lần lỡ chân lạc lên đấy để rồi cứ đau đáu rằng tại làm sao lại có những buổi chiều thiên thần đến thế.

Mới đây, tôi gặp và trò chuyện với vợ chồng nhà thơ Du Tử Lê. Gặp, và câu đầu tiên tôi thốt lên ngay sau khi nghe tiếng “dạ” của chị: Chị người Huế? Vợ ông, chị Hạnh Tuyền, học đại học sư phạm Huế, tốt nghiệp năm 1974 rồi lên Pleiku dạy học, sau đấy sang Mỹ sống. Vẫn cái thứ tiếng trong vắt và nhẹ như hơi sương ấy, dẫu đã nửa thế kỷ với thứ tiếng Anh không dấu. Tôi ngồi nói chuyện với chị về tiếng Huế, giọng Huế, về cái nhận xét của tôi rằng, cùng hệ “trọ trẹ” nhưng giọng Huế dễ nhận ra nhất giữa mấy giọng gần giống nhau Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Và nêu với chị thắc mắc rằng, có vẻ như, khi vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng thì cái giọng Huế ấy, có vẻ nó khuất phục luôn cái giọng Quảng rất nặng kia. Cái sự so sánh ấy có lần tôi đã viết thế này: “Là khi ở Huế mưa và rét, cả thành phố xám xịt trong cái màu mùa đông ủ rũ thì Đà Nẵng nắng chang chang, rực rỡ nắng, huy hoàng nắng… chỉ cách một con đèo mà khí hậu khác, tiếng nói khác, tính cách khác, rất nhiều thứ khác, khác một cách tương phản, thậm chí là tương phản dữ dội, mà cái ký ức sinh viên của tôi giờ cứ nhập nhòa. Nhưng lại cũng lạ là số người Huế ở Đà Nẵng, lai giọng Đà Nẵng khá nhiều. Mà tôi thú thật, dẫu là dân Huế nhưng nghe cái giọng con gái Huế vào Đà Nẵng ở ấy nó có gì đấy có vẻ… dễ nghe hơn. Nó không bớt bát quá, không nhẹ quá, không dịu quá… Tiếng Huế tách bạch ra thì nó rất hay, đều là thứ nước đường đổ vào miệng người háo ngọt lúc đang khát, nhưng nếu chỉ thế, và cứ thế, nó lại dễ khiến cho người nghe một cảm giác… rất yếu, cảm giác phục tùng, buông xuôi. Nó như mưa Huế vậy, cứ đều đều thế, ngồi trong nhà mà nhìn, người thần kinh không vững rất dễ phát cáu. Có tí cứng cáp của giọng Quảng lai vào, tiếng Huế ngước lên một chút, trong và vẫn nhẹ, rõ mà vẫn nũng, thanh mà vẫn điệu, nó như hợp với trời nắng với mây xanh và với vận tốc nước sông Hàn hơn cái lờ lững “lưu thủy hành vân” sông Hương?”...

Huế của tôi hình như, nó bắt người đi xa mới nhớ, chứ ở gần có khi lại... bàng quan.

Tôi có bà chị con cô cậu, mẹ chị là chị ruột ba tôi, ở đường Quảng Tế cũ, giờ là đường Thanh Hải. Bà là cứu tinh cho những cơn đói của tôi và cả bạn bè tôi thuở đang là sinh viên 27 Nguyễn Huệ (Đại học Tổng hợp cũ).

Chị có duy nhất một nghề, cái nghề mà trong những ngày đói nhất của Huế và cả nước, chị nghĩ ra chứ chả có “truyền thống” gì, nghề làm bánh tráng. Từ một lò tiến lên hai rồi ba lò, anh rể mất vì tai nạn, chị nuôi 9 đứa con đứa nào ra đứa ấy, giờ đều trưởng thành cả. Hồi ấy chúng tôi ở ký túc xá, đói nhưng sĩ, hôm nào tôi đói quá thì đạp xe lên “thăm chị”. Cái món cá ngừ chị kho xong lấy nước giã ớt tỏi ăn với bún thì thôi rồi. Vậy nhưng ăn một chén xong tôi... thả đũa, nói em mới ăn cơm rồi, giờ thấy... nước cá ngon nên em ăn thêm chén bún thôi. Quấn thêm một cái bánh tránh đang ướt chấm với nước cá, rồi lại lọc cọc đạp xe về. Hôm nào cả phòng đói thì tôi giúp bạn chống đói bằng cách cử một thằng đạp xe lên nhà chị nói thằng Hùng ốm. Thế là chị tất tả bỏ hết công việc xuống thăm. Quà bao giờ cũng là tô cháo lòng to vật chị mua ở đường Nguyễn Huệ kèm mấy cái bánh ú và chục bánh tráng. Khi đứa bạn phóng xe đi thì tôi... chui vào chăn. Trời Huế nóng mà chui vào chăn thì đúng là cực hình. Nhưng hề chi, có “một bữa no” kích thích thì lò bát quái cũng chui vào. Chị đi xích lô xuống, xách theo một làn đồ, thò tay vào chăn sờ đầu tôi rồi la hoảng: “Chết, cậu nóng quá, mà mồ hôi nhiều thế này, để chị đưa vào bệnh viện. Tôi thều thào: “Không sao đâu chị, tí là hết thôi. Em bảo chúng nó đừng báo cho chị mà đứa nào chạy lên báo để chị vất vả”. Chị nạt: “Cái cậu ni, đau ốm thì phải nói chớ. Chị nhờ mấy đứa cùng phòng nhé, cậu Hùng nhà chị ốm đau chi báo chị với. Chị cứ nói rồi mà ngần ngừ không muốn về, tôi lại thều thào: “Chị về đi, em nghỉ tí là khỏe thôi, tí có mấy đứa con gái nấu nước cho em xông”. Chị bảo rứa thì dậy ăn cháo cho nóng, cho ra mồ hôi rồi uống thuốc. Tôi bảo: “Giờ miệng đắng lắm, để tí em ăn, chị về đi”... Tóm lại là bà chị tôi vừa quay lưng thì mấy thằng cùng phòng, mỗi thằng một cái muỗng xúm lại, chỉ một nhoáng cặp lồng cháo lòng sạch bách, mấy cái bánh ú cũng xong chỉ còn... lá.

Một ngày chị phải ngồi trước cái lò rừng rực lửa ấy gần 10 tiếng đồng hồ. Luôn tay tráng mà vẫn cắt đặt công việc cho từng đứa con. Con chị có đứa lớn hơn tôi mà đứa nào cũng răm rắp nghe chị. Bản thân tôi cũng rất nghe và nể chị. Điều kỳ lạ mà tôi thấy ở chị, là chị không bao giờ la mắng con, không thấy to tiếng bao giờ, mà rồi đứa nào làm gì cũng vòng tay thưa má. Không chỉ với các con của mình, mà việc của dòng họ, gia đình, chị cũng rất chu toàn, bao giờ cũng nhẹ nhõm, tươi cười, cái giọng Huế nhẹ như bấc, thoảng thôi, nhưng rất nhiều cung bậc trong ấy, người tinh mới biết...

Tiếng ấy, giọng ấy, người ấy, đi xa không nhớ mới lạ... Và vì thế mà cái sự đi xa của tôi chả biết là hay hay dở...

Văn Công Hùng 

 

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tình yêu Hà Nội của một người Huế

Tôi cầm trên tay tập thơ Phở bia hơi và lời yêu Hà Nội của tác giả Nguyễn Duy Tờ trong những ngày lòng ngập tràn nhớ nhung Hà Nội - nỗi nhớ của một người Huế trót yêu vùng đất Hà thành và mùa thu chốn ấy.

Tình yêu Hà Nội của một người Huế
Chuối trong đời sống của người Huế

Chuối là loại cây nhiệt đới có mặt ở hơn một trăm quốc gia trên thế giới. Là một trong những nơi phát xuất đầu tiên của cây chuối, các dân tộc sinh sống ở Đông Nam Á đã sớm biết sử dụng cây chuối một cách đầy sáng tạo trong muôn mặt của đời sống. Không những thế, đặc tính của cây chuối cũng trở thành “phương tiện” để chuyển tải nhiều triết lý sâu sắc về thế giới quan và nhân sinh quan.

Chuối trong đời sống của người Huế
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”

Buổi lễ diễn ra tối 2/12, tại TP. Hồ Chí Minh với sự tham dự của các quan khách và người dân tham gia làm tác phẩm. Bản đồ Việt Nam bằng nghệ thuật BOARC được xác lập kỷ lục với nhiều người tham gia thực hiện nhất qua ba miền Bắc, Trung, Nam.

​Trao hai kỷ lục cho “Bản đồ Việt Nam bằng tăm giang”
Return to top