ClockThứ Bảy, 13/01/2018 14:01

Tìm về dấu xưa trên con đường mới

TTH - Trong bốn con đường quan trọng bao quanh Hoàng thành Huế, Đặng Thái Thân là con đường đã chứng kiến và lưu giữ một vài dấu tích của triều đại cuối cùng trong diễn trình lịch sử phong kiến Việt Nam - triều Nguyễn.

Con đường áo trắngCon đường lễ hộiMơ về một con đường sách

 Tứ phương vô sự. Ảnh: Hiếu Trương

Lai lịch con đường

Tập san nghiên cứu về địa danh học in trong Những người bạn Cố đô Huế (BVAH) do Linh mục Léopold Cadière làm chủ bút đề cập, đường Đặng Thái Thân có từ đầu thế kỷ 19, vào thời vua Gia Long. Ban đầu, con đường này có tên là đường Củng Thần, trùng với tên một cửa ra vào nằm ở phía bắc Hoàng thành để tiện việc ghi chép sổ sách hành chính thời bấy giờ. Đến thời vua Minh Mạng, đổi tên thành đường Hòa Bình. Tên gọi này kéo dài hơn trăm năm, trải qua nhiều biến đổi thịnh suy của triều Nguyễn. Đến tháng 1/1977, sau khi sáp nhập và thống nhất lại các địa vực khu trú hành chính, UBND tỉnh Bình Trị Thiên thành lập quyết định đổi tên con đường Hòa Bình sang tên mới là Đặng Thái Thân. Tên gọi này chính thức tồn tại từ đó đến ngày nay.

Dấu xưa lưu lại

Di tích đầu tiên phải nói đến là công trình kiến trúc Bình An đường, nằm ở ngay đầu đường Đặng Thái Thân giao đường Đoàn Thị Điểm. Theo công trình cổ sử Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Bình An đường được khởi công xây dựng vào năm 1823, theo chiếu chỉ của vua Minh Mạng, đến năm Tự Đức thứ 11 (1858), công trình này được chuyển về phía bắc Hoàng thành. Dưới sự trông coi của Thái Y viện, Bình An đường được xem là nơi khám bệnh và chứng kiến những giây phút cuối cùng trong cuộc đời của thái giám, mỹ nữ Nội cung. Nơi đây vốn có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu y học cổ truyền và phương thuật dân gian dưới triều Nguyễn, không chỉ dành để khám chữa bệnh đơn thuần và còn là "giáo đường" luyện nghề y học của nhiều Thái y đương thời.

Bộ tranh khắc gỗ Kỹ thuật của người An Nam do Henri Oger và nghệ nhân người An Nam thực hiện vào năm 1908 - 1909 có nhắc tới một vài phương pháp trị liệu dân gian đầu thế kỷ 20 mà Bình An đường là nơi trưng bày và thực nghiệm. Ngày nay, mỗi khi có đoàn khách tham quan, Bình An đường vẫn dành công sức để tái hiện việc khám bệnh, bốc thuốc cho mọi người với trang phục, đồ đạc nguyên mẫu cùng thời. Năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức trưng bày, giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng truyền thống mang thương hiệu Minh Mạng tại Bình An đường để phục vụ khách du lịch thập phương.

Đối diện Bình An đường là đình Trung Hậu (hay còn gọi là miếu Võ Khố), nơi thờ tự 2 vị trọng thần thời Nguyễn là Trung quân Nguyễn Văn Thành và Tả quân Lê Văn Duyệt. Hàng năm, con cháu 2 dòng tộc này vẫn phối hợp với Ban quản lý đình Trung Hậu để tổ chức dâng hương, lễ bái nhân ngày giỗ của 2 vị tướng.

Cũng tại vị trí con đường này, cửa Hòa Bình (tục gọi là cửa sau) nhìn ra hệ thống hồ Kim Thủy được xem là vị trí duy nhất để vua xuất cung vi hành, thưởng ngoạn phong cảnh, câu cá... Ban đầu, cửa này có tên gọi là cửa Củng Thần, đến năm 1833 chính thức đổi tên thành cửa Hòa Bình. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bí mật hội đàm với vua Duy Tân tại nơi này để bàn về cuộc khởi nghĩa năm 1916. Tiếc là đại sự đã không thành.

Chính thức được xây dựng từ năm 1923 dưới thời vua Khải Định, lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình kiến trúc cổ nằm bên cạnh cửa Hòa Bình. Từng bị phá hủy trong chiến tranh, đặc biệt là sự kiện xuân 1968; công trình này được phục dựng vào năm 2010 theo lối kiến trúc cũ. Nơi này bây giờ đã trở thành địa chỉ cà phê và trà đạo độc đáo trong lòng cố cung Huế.

Trong khi 23/8 là con đường chứng kiến cuộc đấu tranh của nhân dân Huế trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945, Lê Huân dẫn đường đi của Hoàng thành ra phía sông Ngự Hà thì ở mảnh ghép còn lại, đường Đặng Thái Thân góp phần tô điểm kết cấu kiến trúc cung đình dẫu chỉ là mặt sau của Hoàng thành. Tập quán sinh hoạt, văn hóa của người Huế trên con đường này vẫn là một bảo chứng về lề thói của cư dân Kinh thành xa xưa. Và từ những bức tường tróc lở trăm năm, tôi nghĩ về thời đại vàng son đã lùi xa vào dĩ vãng...

Nguyên Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), trong những ngày qua, trên các trang điện tử của các tờ báo lớn như Pasaxon - Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; Thông tấn xã Lào; Đài Phát thanh Quốc gia Lào đều có các bài viết ca ngợi về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ
Kể chuyện lịch sử bằng ký họa

Những tác phẩm ký họa của họa sĩ Nguyễn Văn Nguyên đã tái hiện được những năm tháng lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ của dân và quân Bình Trị Thiên với những góc nhìn chân thật về cuộc sống của đồng bào, chiến sĩ. Nhiều tác phẩm trong số đó sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến và lần đầu tiên được công bố đến công chúng với tên gọi “Miền ký ức”.

Kể chuyện lịch sử bằng ký họa
Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử

Ngoài hệ thống di sản Huế, đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đã tìm đến tham quan, dâng hương tưởng niệm các điểm di tích lịch sử khác trên địa bàn tỉnh, đông nhất tập trung ở Khu di tích lịch sử Chín Hầm (phường An Tây) và Khu di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (phường Trường An, TP. Huế).

Đông đảo du khách tham quan các di tích lịch sử
Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử

Là chốn Kinh đô của Triều Nguyễn, Huế mang trong mình rất nhiều di chỉ văn hóa - lịch sử quý, mà chính quyền và Nhân dân Huế không thể không quan tâm giữ gìn, bảo vệ và khai thác mọi lợi thế trong công cuộc xây dựng và phát triển thành phố Huế thành trung tâm văn hóa nổi tiếng của cả nước.

Huế nên bảo vệ những di chỉ văn hóa - lịch sử
Return to top