Nhà nghiên cứu, thầy giáo Phan Đăng
Theo nhà nghiên cứu, thầy giáo Phan Đăng, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí như tấm bản đồ Việt Nam đầu thế kỷ XIX được viết bằng chữ chứ không phải hình vẽ, là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, được vua Gia Long giao cho Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định biên soạn từ năm 1803, hoàn thành vào năm 1806. Bộ sách khẳng định cương vực quốc gia, thể hiện ý thức độc lập, khát vọng thống nhất giang sơn, văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Hàng chục năm nay, thầy luôn âm thầm với công việc. Cảm xúc của thầy như thế nào khi đến với giải thưởng sách hay quốc gia lần này?
Thực sự, ở giải vừa rồi tôi không hề được biết trước, tất cả do NXB Thế giới và Công ty CP sách Thái Hà làm thủ tục ứng cử. Họ chỉ thông báo cho tôi trước 3 ngày để ra Hà Nội nhận giải.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (trái) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) trao giải A cho nhóm thực hiện sách "Hoàng Việt nhất thống dư địa chí", trong đó có dịch giả Phan Đăng (giữa), tối 3/10. Ảnh: CỤC XUẤT BẢN
Cảm xúc trước hết là rất vui, bởi công sức của chúng tôi được xã hội công nhận. Tôi xin cảm ơn tất cả mọi người, những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp công với cuốn sách này, trong đó có thầy Phan Trương Quốc Trung ở Học viện Vĩnh Nghiêm chùa Long Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) - là người con gốc Huế hiệu đính, điều này khiến tôi rất yên tâm.
Điều gì đã khiến thầy tâm huyết dành rất nhiều thời gian cho bộ sách “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí”?
Có một số thông tin chưa chính xác về sự ra đời bộ sách này, thực ra đó là một câu chuyện dài, đầy thú vị.
Năm 2000, anh Phan Thanh Hải, hiện là Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã mang bản “copy” sách này từ Hà Nội vào. Sau đó, anh Huỳnh Đình Kết (nay đã mất), nguyên là cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Huế báo tin tôi biết, gợi ý tôi nên dịch và giới thiệu bộ sách này.
Bản này chụp từ Thư viện Hán - Nôm, đó là một bộ sách đang ở dạng chép tay, chưa được in, gồm 1.268 trang chữ Hán, khi kiểm tra thấy thiếu một số trang, tôi liền đi Hà Nội để tìm kiếm, rất may là thư viện Hán - Nôm đã giúp tôi tìm được phần thiếu ấy. Tự nhận thấy đây là một bộ sách quý nên tôi bắt đầu dịch và chú giải từ đầu năm 2001.
Sang năm 2003, Giám đốc NXB Thuận Hóa - anh Lê Dần ngỏ lời muốn in. Năm 2004, sau một thời gian đọc, chỉnh lý lại bản thảo rồi đưa cho NXB với yêu cầu là phải in cho được phần nguyên bản chữ Hán. Có lẽ vì số trang hơi nhiều, lại thêm phần chữ Hán nên NXB Thuận Hóa đã liên kết với Trung tâm Văn hóa - Ngôn ngữ Đông Tây do anh Đoàn Tử Huyến (nay đã mất) làm giám đốc đồng ý. Nhờ vậy, năm 2005, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí lần đầu được ra mắt độc giả. Thực lòng mà nói, bản in này chưa được đẹp, nội dung bản dịch và chú giải còn nhiều chỗ chưa ưng ý, nhưng điều mừng nhất tác phẩm có in phần nguyên bản chữ Hán, đây là cách để những người yêu thích tác phẩm góp tay gìn giữ công trình địa chí đặc biệt này, không còn lo mất mát hoặc bị lãng quên.
In và phát hành xong, dù đã bỏ nhiều công sức, nhưng đọc lại vẫn còn thấy nhiều thiếu sót, những mong có cơ hội để sửa sang, chỉnh đốn lại cho tươm tất. Đến năm 2016, qua trao đổi với anh Trần Đình Hằng (hiện là Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế), chúng tôi đã đồng ý đưa bản đã được sửa chữa và bổ sung để tái bản. Đến cuối năm 2020, cuốn sách trên đã được NXB Thế Giới và Công ty CP sách Thái Hà tái bản và phát hành vào đầu năm 2021.
Thầy từng chia sẻ “không sống bằng nghề dịch” ngay sau khi nhận giải, với tư cách một dịch giả, phải chăng có ý nghĩa nào khác, thưa thầy?
Lúc ở Hà Nội, từng có người từng hỏi tôi rằng: “Theo thầy đời sống người dịch thuật hiện nay như thế nào?”. Tôi đã trả lời, bản thân tôi chưa hề sống đời sống của người dịch thuật, tôi sống bằng nghề dạy học.
Dịch thuật với tôi chỉ là một công việc phụ bên cạnh nghề dạy học, do yêu thích chữ nghĩa nên làm mà thôi. Đến nay tôi đã biên khảo, dịch và giới thiệu được trên mười quyển với nhiều thể loại, nhưng vẫn luôn nghĩ công việc ấy là để tự mình bổ sung kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy ở bậc đại học; mặt khác cũng nhằm muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp bảo tồn, giới thiệu và phát huy giá trị các di sản văn hóa quý giá của dân tộc mà xã hội đang quan tâm.
Nghiên cứu sử - địa vốn không dễ và dịch sử - địa có lẽ càng khó, vậy lý do gì khiến thầy tâm huyết đến vậy?
Kinh nghiệm của nhiều người dịch văn bản chữ Hán ra tiếng Việt, khó nhất vẫn là loại văn bản về văn chương và triết học. Với các văn bản như lịch sử và địa chí thì có phần nhẹ hơn, nhưng khi dịch các loại văn bản này, điều cần thiết là người dịch phải có tri thức khả dĩ về lịch sử, địa lý, có một tầng văn hóa nhất định, chứ không chỉ dừng lại việc biết chữ và nghĩa là đủ.
Tôi đã được học chữ Hán từ nhỏ, nhưng chừng đó chưa là gì cả, về sau được học, đặc biệt là ở bậc đại học, vốn Hán Nôm của tôi đã được nâng lên khá nhiều. Khi đi dạy, lại được phân công dạy phần văn học trung đại Việt Nam và Hán Nôm, mà tác phẩm văn học thời đó đều được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, điều đó giúp cho tôi có điều kiện sử dụng vốn Hán Nôm để dịch những tư liệu cần thiết phục vụ cho bài giảng của mình. Đó là một cơ duyên tốt trong nghề nghiệp. Về sau, tôi đã dần tham gia dịch và khảo cứu một số tư liệu cổ, sách cổ để giới thiệu văn hóa xưa cho người đọc.
Có phải vì đam mê, thầy luôn gắn chặt văn học với lịch sử và lan tỏa tình yêu lịch sử tới lớp trẻ bằng cách ấy?
Đúng vậy, trong khi dạy học, tôi luôn dặn học trò rằng đặc điểm quan trọng của văn học Việt Nam là văn học gắn rất chặt với lịch sử. Người học lịch sử có thể ít quan tâm đến văn học, nhưng người học văn nhất định phải biết sử, bởi tất cả những tác phẩm giá trị nhất của lịch sử văn học Việt Nam đều gắn liền với một sự kiện quan trọng lịch sử của dân tộc. Là người dạy văn học trung đại, tôi luôn coi trọng việc học, nghiên cứu lịch sử, nhằm nối kết văn với sử, được như vậy thì văn chương mới có sức lan tỏa mạnh, sâu đối với người học, với xã hội.
Thầy có thể chia sẻ về những dự định, kế hoạch ấp ủ của thầy trong thời gian tới?
Hiện tuổi tôi cũng đã trên 70 rồi nên cũng không có dự định gì lâu dài, nhưng mong còn sức khỏe thì còn tham gia nghiên cứu, sửa sang những bản thảo đã làm, nếu được có thể in. Về dịch thuật, hiện nay tôi đang chú trọng những tư liệu cổ của Phật giáo, bởi nghĩ đây là một lĩnh vực quan trọng mà đang ít người quan tâm.
Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo của các NXB, công ty, trung tâm phát hành, các viện, nhân viên biên tập, phát hành của các cơ quan liên quan, Hội Xuất bản Việt Nam, Hội đồng xét giải sách lần thứ năm, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tổ chức thông tấn báo chí, thầy Phan Trương Quốc Trung; anh Trần Đình Hằng, cô Nguyễn Tú Oanh (theo dõi việc in ấn và trình bày); thân hữu, đồng nghiệp từ trước đến nay đã quan tâm, giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình làm sách cho đến khi đạt giải sách năm nay.
Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
HỮU PHÚC (thực hiện)