|
Du khách tham quan chùa Thiên Mụ. Ảnh: BẢO PHƯỚC |
Chiều cuối tuần rồi, tại chùa Thiên Mụ có khá đông người đến vãn cảnh đầu năm. Thời điểm này, tôi gặp nhiều khách mặc trang phục “áo ngắn, quần ngắn” nhìn rất khó chịu lần lượt vào bên trong viếng chùa. Cũng đi viếng chùa hôm ấy, anh Hoàng Quốc Huy (Phú Vang) cho rằng, ăn mặc thế nào là tùy gu thẩm mỹ cá nhân, mỗi người. Tuy nhiên đến những nơi tôn nghiêm, như chùa chiền, đình, miếu, các di tích lịch sử cần ăn mặc kín đáo, lịch sự… Đồng quan điểm với anh Huy, một đồng nghiệp của tôi chia sẻ, mặc dù cơ quan chức năng chưa đưa ra những tiêu chí xác định thế nào là trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, nhưng bản thân mỗi người cần cân nhắc lựa chọn trang phục phù hợp với từng hoàn cảnh, nơi cần đến. Không thể thích gì mặc đó sẽ trở nên phản cảm trong mắt người khác.
Nghị định 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội chỉ quy định trách nhiệm của người tham gia lễ hội là trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam chứ không quy định, hướng dẫn, giải thích thế nào là trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam người dân mặc khi tham gia lễ hội biết mà phòng tránh vi phạm, như: xử phạt hành chính, nhắc nhở, cảnh cáo. Cho nên, ở các điểm, khoản tại Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có quy định hành vi mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam bị phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng rất khó khả thi.
Dù chưa có văn bản pháp lý nào quy định hướng dẫn trang phục không lịch sự, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam mặc khi tham gia lễ hội hay tham gia nơi sinh hoạt tại chỗ đông người, nhưng khi được hỏi, không ít bạn trẻ cho rằng, dù ăn mặc là quyền của cá nhân, nhưng để đẹp trong mắt người khác thì phải ý tứ trong trang phục khi đi du Xuân nơi lễ hội, công viên, dạo phố… Chẳng hạn, mặc quần cụt, váy đầm, áo pull đi dạo phố, cà phê, bar thì đẹp, năng động, còn đi viếng chùa, thăm viếng nơi tôn nghiêm thì không nên. Nhiều trường hợp mặc áo dài là truyền thống nhưng quá mỏng, ôm sát, xẻ tà quá sâu, hớ hênh thì cũng không nên đến những nơi tôn nghiêm, như chùa chiền…
Ăn mặc là quyền riêng tư và do cá nhân mỗi người quyết định. Ăn mặc cũng một phần ảnh hưởng đến cảm xúc của những người xung quanh, liên quan về lứa tuổi, giới tính, tính chất của hoàn cảnh của từng người và tùy theo mục đích, ý nghĩa tại các địa chỉ cần đến. Chúng ta không nên đánh đồng trang phục sinh hoạt đời thường với việc đi thăm, viếng những nơi trang nghiêm như đền, chùa... Điều đó không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.