Hoạt động văn nghệ ở nhà gươl của đồng bào Cơ Tu ở Nam Đông
Chưa phát huy công năng
Sau nhiều năm chờ đợi, tổ dân phố nơi tôi cư trú mới có NVH, được tận dụng lại từ nhà mẫu giáo cũ. Ngoài việc thỉnh thoảng tổ chức hội họp, nơi đây đa phần đóng cửa, hầu như không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Bởi, dù muốn tổ chức cũng khó khi trang thiết bị bên trong chẳng có gì. Đây là câu chuyện phổ biến trong sử dụng thiết chế văn hóa cơ sở ở nhiều địa phương.
Toàn tỉnh có 101 NVH cấp xã, 861 NVH cấp thôn, NSHCĐ. Tuy nhiên, hệ thống NVH ở cơ sở đang tồn tại những bất cập trong công tác xây dựng và tổ chức hoạt động. Có nơi, trong thời gian ngắn, nhiều thiết chế văn hóa với diện tích, quy mô khá lớn được xây dựng mới nhưng không phát huy được hiệu quả hoặc không được sử dụng đúng mục đích.
Một số xã, phường, thị trấn, làng, thôn, bản đã có NVH, NSHCĐ từ nhiều năm nay nhưng cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị chuyên dùng quá lỗi thời, lại thiếu thốn, không đáp ứng được yêu cầu hoạt động. NSHCĐ ở thôn, tổ dân phố chỉ mới đảm bảo điều kiện cơ bản để họp thôn, các trang thiết bị cơ bản thiếu thốn. Nhiều NSHCĐ, nhất là ở nông thôn, hoạt động tẻ nhạt và thiếu tính hấp dẫn nên không thu hút được người dân. Có nơi, mỗi năm chỉ mở cửa vài lần phục vụ hội nghị, hội họp của địa phương rồi đóng cửa, gây lãng phí...
Ông Trần Quang Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh thông tin: “Hệ thống thiết chế NVH trên địa bàn tỉnh còn thiếu, cơ sở vật chất, trang thiết bị rất nghèo nàn. Ước tính, gần 75% số lượng NVH thôn, NSHCĐ đang hoạt động không có trang thiết bị âm thanh, nghe, nhìn cần thiết. Việc vận hành, quản lý và sử dụng ở nhiều địa phương chưa có quy chế rõ ràng; có nơi chưa khai thác và sử dụng hiệu quả NSHCĐ, gây lãng phí, xuống cấp công trình”.
Tự thân các thiết chế văn hóa cơ sở ở một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò chủ động, chưa năng động tìm tòi đổi mới phương thức trong việc tổ chức, hướng dẫn hoạt động phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Có nơi không quan tâm duy trì hoạt động thường xuyên, nội dung hoạt động chưa phong phú. Kinh phí hạn hẹp, công tác quản lý, tổ chức hoạt động còn nhiều bất cập, nặng cơ chế bao cấp, thiếu chủ động, sáng tạo.
Theo bà Dương Hạ Uyên, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Vang, trong xu hướng phát triển, nhu cầu hưởng thụ của người dân về các hoạt động văn hóa ngày càng cao, đòi hỏi phải có hình thức tổ chức hoạt động mới, hấp dẫn. Thực tế, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác văn hóa, văn nghệ ở cấp xã, thị trấn kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực nên còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Ở cấp thôn, ban chủ nhiệm kiêm nhiệm, không được đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến việc thiếu kỹ năng trong công tác quản lý và tổ chức hoạt động.
Đổi mới hoạt động
Câu chuyện có NVH nhưng không khai thác hiệu quả, không phát huy được công năng tồn tại từ nhiều năm nay. Vấn đề đặt ra là làm sao cho NVH, NSHCĐ thật sự là nơi hấp dẫn người dân. Ở đó phải có chương trình, nội dung sinh hoạt hữu ích, thiết thực mới tạo không khí mới ở nông thôn.
Một cán bộ văn hóa lâu năm cho rằng, để triển khai tốt việc xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở, cần có sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo các cấp ở địa phương. Sự quan tâm ấy được thể hiện bằng chương trình hành động cụ thể, như: quy hoạch quỹ đất xây dựng, đầu tư kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực… Bởi vì, một thiết chế văn hóa được xem là hoàn chỉnh khi nó tồn tại đồng thời với cơ sở vật chất đạt chuẩn là phương tiện, thiết bị chuyên ngành cùng với con người và tổ chức, hoạt động. Nếu chỉ chạy theo xây dựng cơ sở vật chất đơn thuần sẽ dẫn đến hình thức, lãng phí.
Ông Trần Quang Cường đề xuất, cần nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở; tổ chức hoạt động thiết thực, sát với nhu cầu của người dân nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa để người dân coi đây là địa chỉ thân thuộc, gắn bó. Đồng thời, tăng cường đầu tư, hỗ trợ kinh phí kết hợp vận động xã hội hóa đóng góp nguồn lực để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất và trang thiết bị cho NVH xã, thôn; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Trung tâm văn hóa - Điện ảnh tổ chức tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động cho cán bộ phụ trách trung tâm văn hóa, nhà văn hóa.
Để mỗi NSHCĐ có cái hồn bên trong, ngoài những hoạt động hội họp phải có các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ phục vụ nhu cầu của người dân. Quan trọng là năng lực tổ chức của người phụ trách, phải nhìn thấy văn hóa địa phương mình có gì để phát huy nội lực của đồng bào, phát huy sở trường của từng người, từ đó tổ chức các hoạt động phù hợp thì sẽ thu hút người dân tham gia.
Bà Dương Hạ Uyên cho rằng, các địa phương cần năng động trong liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện tổ chức những hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ người dân; đầu tư nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa nghệ thuật; tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của địa phương; không ngừng đổi mới việc tổ chức các hoạt động tại chỗ để thu hút người dân tham gia.
Bài, ảnh: Minh Hiền