ClockChủ Nhật, 13/12/2020 12:55

Trầu cay

TTH - Bữa đó, tôi tròn mắt khi thấy anh nhón một miếng trầu ai vừa đặt lên bàn tiệc, rồi đặt lên miệng, ngỏn ngoẻn đến ngon lành. Hành động ấy, lâu lắm rồi mới thấy lại. Lâu lắm, kể cả khi ngồi trong những bữa giỗ kỵ ở trên làng. Thì các cụ khăn đóng áo dài của thế hệ trước, giờ đã không còn mấy người ở lại. Có khi vì vậy mà người ta cũng không mấy khi nhớ đến việc đặt lên bàn mấy miếng cau trầu nữa.

Người trẻ ăn trầu

Nhớ hôm nào, bạn cùng nhà kể chuyện cán bộ ở nơi đó ăn trầu “ngon ơ ơ”. Bạn nói lúc đầu thấy cũng lạ lắm. Chắc là ăn trầu có cái hay của nó nên người ta mới bọc sẵn vài miếng trong túi quần. Mà chừng như những người cùng đến từ một nơi ở bàn tiệc hôm đó cũng đã quen, nên dĩa trầu cùng ngót dần. Quen, như khi anh quay lại thêm chút vôi, ai đó bảo chắc trầu nhạt…

Tôi không biết mấy về trầu, nhưng thấy mình đã xúc động khi mẹ của cháu rể đích thân têm trầu cánh phượng cho ngày đám hỏi của con trai. Hẳn bà đã dành cả niềm ước mong về sự lương duyên bền chặt của đôi trẻ, về mối quan hệ sẽ trở nên thắm lại giữa hai bên gia đình, cả những gửi gắm về cách đối nhân xử thế của người đời sẽ thắm đỏ khi đồng điệu hay xanh lá, bạc vôi khi trở thành những cá thể riêng lẻ. Lúc đó, tôi nghĩ nhiều về những yêu thương đã ý vị và kiên quyết được trao đi, khi đôi tay của bà gần như chỉ có thể hoạt động được phân nửa.

Tôi vẫn có thể hình dung rất rõ nụ cười thật lành với mấy chiếc răng đen vì trầu của mệ, người đã gắn bó với gia đình từ ngày con gái còn nhỏ xíu, giờ đã trở thành sinh viên đại học. Trong những câu chuyện nhẩn nha lúc rảnh rỗi, mệ nói về một thời cơ cực, một mình “bám víu” vào miếng cau trầu để dãi nắng, dầm mưa nuôi cả đàn con. Nhớ con gái có lần hỏi, mệ lại hiền hậu cười nói về sự quen, và cả nỗi nhớ bần thần nếu ngày nào đó không kịp bới theo trong bọc áo. Nhớ những ai đó ở xóm trên xóm dưới vẫn ghé qua gửi mệ mấy miếng trầu cau. Có lần trở về trong một chiều mưa, thấy túi ni lông đựng mấy miếng trầu treo tòn ten trên cổng, mới nhớ ra đã lâu mệ chưa trở lại. Biết má ở nhà một mình đang gói hao gầy trong chiếc chăn mỏng và luôn nhắc chừng, không biết bạn già có khỏe không để lại lên nhà!

Hôm qua, nhắn tin cho người ăn trầu đang ngồi chếch một góc 45 độ trong hội trường, về cái sự trầu đỏ, trầu cay, về phát hiện làm ngạc nhiên và vài chữ về một sự “dũng cảm” nào đó, thấy vai anh rung lên giấu nụ cười hích hích thường khi. Rồi xuất hiện một icon mặt cười trong tin nhắn. Anh nhắn thơm lắm. Tốt nữa. Năm 12 miếng thôi. Bạn nhắn khi mô mời thử cho biết vị thơm của lá trầu, vị bùi của cau, vị nồng của vôi…

Bạn không nói về vị cay. Mà quá nửa đời người sương gió, chắc anh đã quá đủ để chuyển cay thành đượm rồi. Hơn nửa đời người gắn với làng quê, mọi thứ đâu có dễ bị phôi pha dù đã hẳn một chỗ định cư lâu dài trong phố. Chuyện của nhà nông, bao giờ cũng dễ bắt đầu hơn những điều vĩ mô với những đường hướng, con số và những tỷ lệ, định mức… với bao điều phải nghĩ. Thế nên, miếng trầu có thể cũng là một hoài nhớ nơi chốn đời người.

Yên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Return to top