Dấu ấn tư nhân
Như báo Thừa Thiên Huế đã thông tin, mới đây, một bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền vô cùng quý giá được một người phụ nữ Việt kiều Mỹ gốc Huế - bà Trương Thị Thanh Hương, bằng mọi cách để đấu giá thành công và đưa về Huế. Việc bà Trương Thị Thanh Hương đấu giá thành công bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền và mang về hiến tặng cho Huế, lần nữa làm dày thêm một thực tế: Trong những năm gần đây, một số cổ vật Việt Nam đã được “hồi hương”, nhưng chủ yếu là do các nhà sưu tầm tư nhân trong và ngoài nước tham gia các phiên đấu giá ở hải ngoại, đấu giá thành công và đưa được cổ vật về nước.
Điển hình như năm 2010, nhà sưu tầm cổ vật Cao Xuân Trường ở Hà Nội đã đấu giá thành công cuốn sách phong bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm 1846 với giá gần 100 ngàn USD và đã hồi hương được sách phong này. Hay năm 2015, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thông qua trung gian đã đấu giá thành công chiếc xe kéo 108 năm tuổi của thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái), do Nhà đấu giá Château de Cheverny (Pháp) tổ chức, với giá gần 1,345 tỷ đồng. Chiếc xe kéo đã được đưa về Huế, hiện đang trưng bày tại Tả Trà trong Diên Thọ Cung.
|
Mũ quan Triều Nguyễn được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công, tặng lại tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế |
Năm 2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine có trụ sở ở Thừa Thiên Huế, đã đấu giá thành công hai cổ vật do Nhà đấu giá Balclis tổ chức tại Catalan (Tây Ban Nha), gồm chiếc mũ quan triều Nguyễn (niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), với giá 650.000 euro (chưa tính thuế và phí) và áo Nhật bình thời Nguyễn với giá 160.000 euro (chưa tính thuế và phí). Hai cổ vật này đã được Công ty cổ phần Tập đoàn Sunshine hiến tặng cho tỉnh Thừa Thiên Huế và hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Hay hồi tháng 3/2023, hai nhà sưu tầm cổ vật ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng hợp tác đấu giá thành công bộ đồ uống trà bằng vàng của triều Nguyễn (niên đại khoảng đời Khải Định) do Nhà đấu giá Drouot ở Paris (Pháp) tổ chức, và đã hồi hương những cổ vật này về Việt Nam. Đến tháng 12/2023, một nhà sưu tầm cổ vật ở TP. Hồ Chí Minh đã đấu giá được các tập Thánh chế thi (nhị tập và tứ tập) và Thánh chế văn (sơ tập) do vua Minh Mạng (1820 - 1841) trước tác, từ phiên đấu giá do Drouot tổ chức ở Paris. Và gần nhất, cũng tốn nhiều giấy mực báo chí nhất là vụ kim ấn “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đã chính thức hồi hương vào sáng ngày 18/11/2023.
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, nhiều đồ đồng Đông Sơn (trống đồng, chân đèn, thạp đồng, dao găm…), đồ gốm Việt Nam có niên đại từ thời Lý - Trần đến thời Nguyễn, đồ sứ ký kiểu, tranh của các danh họa Việt Nam thời Đông Dương… đã được nhiều nhà sưu tầm tư nhân đấu giá thành công từ các phiên đấu giá ở Paris, London, Amsterdam, New York, Bangkok, Jakarta… đưa về Việt Nam.
Làm sao để cổ vật Việt “hồi hương” được nhiều hơn?
Thực tế thì những cổ vật được “hồi hương” về Việt Nam trong nhiều năm qua chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với một lượng lớn cổ vật của Việt Nam bị “lưu lạc” ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau do hoàn cảnh lịch sử và hiện đang ở trong các bảo tàng, các sưu tập cá nhân ở khắp nơi trên thế giới. Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó quan trọng nhất là Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Chúng ta cũng đã và đang có quá ít thông tin về cổ vật Việt Nam ở nước ngoài, kể các cổ vật được rao bán trong các cuộc đấu giá. Chưa có chính sách thích hợp để “hồi hương cổ vật”. Vì thế, rất khó để “hồi hương” những di sản văn hóa Việt Nam đang “lưu lạc” về lại nước nhà.
Để không phải “chậm chân” khi mua cổ vật Việt Nam ở nước ngoài và có thể hồi hương những cổ vật ấy. Nhà nước Việt Nam cần có những chính sách hợp lý và thông thoáng.
Cụ thể, cần ban hành những văn bản pháp lý cho phép các tổ chức và cá nhân ở Việt Nam tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài. Cần có một thị trường mua bán cổ vật hợp pháp ở trong nước, được Nhà nước thừa nhận và được bảo trợ bởi một hệ thống pháp lý chặt chẽ nhưng thông thoáng. Cần tạo điều kiện để những nhà đấu giá danh tiếng như: Sotheby’s, Christie’s, Butterfield, Nagel Auction, Loudmer, Spink… tham gia đầu tư vào thị trường đấu giá cổ vật và mỹ thuật phẩm ở Việt Nam.
Các bảo tàng công lập nên có những chuyên gia chuyên sưu tầm thông tin mua bán và đấu giá cổ vật Việt Nam ở nước ngoài để sớm có được những thông tin cần thiết. Từ đó, bảo tàng mới có thể lập kế hoạch và đề xuất các cấp có thẩm quyền cấp kinh phí mua những cổ vật này. Sau cùng, Nhà nước cần có những chính sách thích hợp để khuyến khích “hồi hương” cổ vật (không chỉ cổ vật Việt Nam) từ nước ngoài như việc bà Trương Thị Thanh Hương đấu giá thành công bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền và cũng là cách làm phổ biến của các nước Hàn Quốc và Nhật Bản. “Tôi được biết nhiều Việt kiều hiện đang sở hữu những sưu tập cổ vật Việt Nam rất có giá trị. Họ muốn “hồi hương” những cổ vật này nhưng còn e ngại vì không biết rõ chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với những cổ vật “hồi hương” này”, TS. Trần Đức Anh Sơn nói.