ClockChủ Nhật, 25/11/2018 07:00

119 năm trường Bách Công - Kỹ nghệ Huế

TTH - Khởi nghiệp gắn liền thực nghiệp, đó là mục đích tôn chỉ của Trường Bách công - Kỹ nghệ thực hành Huế trải qua ba thế kỷ.

Xưởng mộc

Trong cuộc tiếp xúc văn minh Pháp - Việt từ cuối thế kỷ XIX, nhà Nguyễn từng bước nhận ra sức mạnh quân sự của đối phương, làm nảy sinh nhu cầu canh tân đất nước bằng con đường văn hóa - giáo dục, nhất là từ thời vua Thành Thái (1889-1907). Sau bao nạn binh đao, triều đình Huế càng thấy được nhu cầu cải tổ triều chính, canh tân xứ sở từ vấn đề con người để tự cường dân tộc một cách hữu hiệu.

Triều đình hội tụ được nhiều nhân vật canh tân tài năng, cùng phía Pháp chủ trương mở Trường Quốc Học để đào tạo quan lại phù hợp với thời đại (tinh hoa cựu học kết hợp với tân học, như hành chánh, ngoại ngữ...), mở trường Bách Công để chuẩn hóa đào tạo ngành nghề tinh xảo cho sứ mệnh canh tân xứ sở, xây dựng bệnh viện bản xứ - Bệnh viện Lớn - Bệnh viện Trung ương Huế... Người Pháp tôn trọng Nam triều phía Bắc sông Hương, quy hoạch bờ Nam thành khu hành chính - đô thị Pháp, với trục trọng tâm là đường Jules Ferry (đường Lê Lợi), đường Mandarin (quan lộ, đường Hùng Vương) và đại lộ Khải Định (đường Nguyễn Huệ hiện nay). Xem xét sự ra đời của Trường Bách Công mới thấy nhu cầu đào tạo nhân sự các ngành kỹ nghệ để xây dựng đất nước rất cấp thiết, đậm tính chiến lược của triều đình Huế đương thời.

Thực ra từ thời Tự Đức, nhu cầu đó đã được chú trọng, như tháng 8/Canh Ngọ (1870), triều đình chính thức chọn cử 15 người thợ thuyền trẻ tuổi biết chữ ở Hộ vệ, Cảnh tất, Thần cơ, Đốc công, đến đô thành nước Pháp, nước Anh học tập đóng tàu, đúc súng và học tiếng, học chữ (3 năm hoặc 1 - 2 năm tinh xảo được việc, sẽ cất nhắc không theo thứ bậc) (Đại Nam thực lục, tập 7, tr. 1261).

Ngày 27/10/Kỷ Hợi (29/11/1899), vua Thành Thái ra đạo dụ thành lập Trường Bách công (Ecole professionnelle), nằm ở khu đất gần đối diện với đình Tứ Phương và Bình An đường - góc Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm hiện nay. Trường có quy mô khoảng 200 học trò, mỗi tháng cấp học bổng 3 đồng, việc dạy học chia ra từng bậc, mỗi bậc đều có mức tay nghề riêng. Ở đây, thầy giáo chỉ dạy việc kỹ nghệ mà không nói tới văn chương chữ nghĩa, học trò lười biếng và bị tố cáo việc khác thì sẽ bị đuổi học, ai phạm lỗi thì do quan coi trường khiển trách, giám thị trừng phạt. Qua các kỳ thi tay nghề, ai có kết quả tốt được cấp một sổ thợ, một tấm bằng, sau khi học nghề xong thi đỗ ra trường, có thể xin làm công ở Sở Đốc công hoặc làm cho tư nhân. Việc điều hành nhà trường do một hội đồng, được lập nên bởi Bộ Binh cùng các quan Pháp, trong trường còn có 1 Chưởng vệ và 100 kinh binh túc trực chờ sai phái (Đại Nam thực lục đệ lục kỷ phụ biên, tr. 334). Cơ sở của trường bao gồm hai tòa nhà rường và để mở rộng tuyển dụng ở các tỉnh xa, một cơ sở nội trú được thành lập năm 1917 cho các học sinh được miễn phí ăn ở.

Xưởng ô tô

Theo chuẩn định tháng 3/Canh Tý (1900), trường có 13 trợ giáo, 151 công nhân và 72 học trò, với học bổng mỗi tháng tổng cộng là 897 đồng, lại trích 100 giản binh sung dịch, nay giảm bớt chính binh, giản binh, giao cho viên quản giáo của trường chọn lấy 28 người lính thợ khéo léo giữ lại trong trường để đủ người dạy dỗ. Học trò từ 72 người, thêm 28 người cho đủ 100, khi xin vào học, trong một tháng phải tự nguyện ghi tên vào sổ học tập trong ba năm, xong sẽ cho điền bổ chỗ khuyết, hoặc về nhà lập xưởng riêng hay ra ngoài làm công cho tư nhân. Trong cơ cấu nhân sự của trường giai đoạn này, triều đình có quy định số lượng người và lương tháng cụ thể: thợ vẽ và kiểm tra máy móc đều 1 người, lương tháng đều 20 đồng; thợ cưa gỗ 1 người lương tháng 30 đồng; trợ giáo 10 người lương tháng đều 6 đồng, học trò 100 người lương tháng 3 đồng hoặc 2 đồng (Đại Nam thực lục đệ lục kỷ phụ biên, tr.343).

Đến tháng 4/Đinh Mùi (1907), nhà trường được mở rộng học quy, từ chỗ chỉ để chuyên dạy kỹ nghệ, Trường Bách công đã trở thành một sở ứng dịch. Đặc biệt là những người thợ tay nghề cao cũng có thể làm việc máy móc nhưng do nhu cầu xe lửa tàu máy cùng nhiều xưởng máy, cần tu chỉnh mở rộng, “dạy thêm kỹ nghệ bách công để về sau giỏi nghề chuyển đi nơi khác dạy khắp cho quốc dân”. Triều đình cử Thượng thư Bộ Công sung Cơ Mật Viện đại thần Nguyễn Hữu Bài làm hội viên, cùng Khâm sứ Trung kỳ, các quan Pháp bàn bạc tiến hành (Đại Nam thực lục đệ lục kỷ phụ biên, tr.477-478). Từ đây, trường đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu xã hội.

Nhà trường kịp thời cung cấp nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội, như ngành đường sắt, công chánh. Trường có thể làm nhiều việc, từ khảo sát quy mô lớn để trang trí cung điện cho đến chế tạo tiền đồng, xây dựng, tu sửa tàu đáy bằng, làm đồ kim hoàn tinh xảo, xây dựng văn phòng dịch vụ hành chính khô khan, làm các khung nhỏ trang trí nghệ thuật đặc sắc, vận chuyển và lắp đặt nồi hơi bề thế, máy móc thiết bị nhà máy điện. Những năm 1914 - 1918, trường có 400 công nhân được gửi sang Pháp, chủ yếu làm việc về khí tài, trong nước thì nhu cầu trùng tu nhà rường luôn cấp thiết.

Theo khoản 5 của Nghị định ngày 9/11/1921, Toàn quyền Đông Dương đã tiếp nhận ngôi trường từ Nam triều, đổi thành Trường Kỹ nghệ thực hành (Ecole pratique d’industrie) và chuyển sang bờ Nam sông Hương, ở vị trí hiện nay. Quá trình xây dựng được tiến hành liên tục, dần tạo nên nhiều công trình trường học, nhà xưởng, kho bãi cũng như sân vườn rộng rãi, trên khuôn viên rộng 25.400m2.

Nhờ đáp ứng được nhu cầu nhân công lành nghề của thực tiễn xã hội theo đúng phương châm bách công - kỹ nghệ thực hành mà trường càng lớn mạnh, thu hút học sinh các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và trở lại thiết thực đóng góp cho các địa phương, theo đúng tinh thần thực nghiệp. Hướng tới kỷ niệm 120 năm thành lập, chính tinh thần kỹ nghệ thực hành từ truyền thống đó sẽ tiếp tục tạo nên sức sống đặc trưng của trường trong giai đoạn hiện nay.

Bài, ảnh: TS. TRẦN ĐÌNH HẰNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Khoe” kỹ nghệ Huế ở Cheongju

Nhận lời mời của Viện Bảo tàng mỹ thuật TP. Cheongju (Hàn Quốc), tháng 9/2018, 3 nghệ nhân Huế đã mang những sản phẩm truyền thống Huế, đó là trang phục cung đình, điêu khắc gỗ và pháp lam nhằm giới thiệu văn hóa Cố đô đến với người dân xứ sở kim chi.

“Khoe” kỹ nghệ Huế ở Cheongju
Return to top