ClockThứ Ba, 28/03/2023 08:15

Giữ bài ca, truyền điệu múa

TTH - Với nhiều cách làm khác nhau, việc truyền dạy và giữ gìn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở A Lưới đã và đang được duy trì.

Người trẻ và ZèngĐộc đáo 100 món ngon A LướiHoa mận trên vùng cao A Lưới

leftcenterrightdel
Người già tham gia biểu diễn và truyền dạy dân ca dân vũ tại lễ hội 

Lan tỏa tình yêu

Trong lễ tái hiện dâng cúng dèng tại chợ phiên thị trấn A Lưới, chị Pavien Hiếu, người Tà Ôi, xã Lâm Đớt mang theo con gái Viên Thị Ánh Tuyết đi cùng biểu diễn. Trước đây, chị Hiếu từng tham gia biểu diễn tại nhiều hoạt động ở huyện. Để trở thành một người múa hát thuần thục như hôm nay, chị bảo ngoài một tình yêu có từ trong máu thịt, môi trường sống giúp chị biết giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của cha ông. Chị Hiếu cũng tham gia truyền dạy điệu múa Ri răm A zứt của người Tà Ôi cho lớp học mầm non trên địa bàn. Múa Ri răm A zứt gắn liền với lễ mừng nhà mới, cưới hỏi với niềm cầu mong, chúc cho gia chủ sinh sống hạnh phúc, làm ăn phát đạt.

Nơi chị Hiếu sinh sống có một câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân nhạc của người cao tuổi. CLB này sinh hoạt hai tuần một lần. Mỗi khi UBND xã tổ chức lớp thì người già sẽ đứng ra truyền dạy. Các dịp lễ lớn, bà con đều háo hức chờ được biểu diễn; được bậc cao niên hướng dẫn, sửa chữa các động tác. Lớp cha mẹ đi trước học, diễn; lớp con cái theo sau quan sát, chứng kiến rồi dần đam mê. Những đứa trẻ được sống trong môi trường văn hóa truyền thống và được tạo điều kiện tập luyện nên biểu diễn rất hăng say.

Chúng tôi từng được tham gia một tiết sinh hoạt nằm trong chương trình học tiếng Pa Kô tại lớp khối lớp 5 Trường tiểu học Hồng Kim. Hôm ấy, bà Kăn Bé, 63 tuổi ở Hồng Kim đã đàn và hát bài hát Ter A Veenh Ter A ve, một bài dân ca cổ khá phổ biến của người Pa Kô. Ê kíp nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý đã ghi hình, ký âm; đồng thời phổ biến bài hát này ở đêm nhạc “Những khúc ca Việt cổ”. Điều này giúp một làn điệu dân ca Pa Kô ở A Lưới lan tỏa, chiếm được nhiều tình cảm của hàng triệu khán giả trên mạng xã hội và xem biểu diễn trực tiếp.

Lê Diệp A Phi, cháu nội của bà Kăn Bé rất tự hào khi thuyết phục được bà mình lên giao lưu với lớp. Phi đã tỉ mỉ ngồi ghi lời gốc bài hát Ter A Veenh Ter A ve bằng tiếng Pa Kô để mang lên lớp cho cô giáo nghiên cứu. Nhờ sự kết nối và nhiệt tình của bà Kăn Bé, hôm ấy, cả lớp A Phi đã có buổi giao lưu vui vẻ, sống động.

Tạo môi trường, thêm đất diễn

Già Lê Văn Trinh, 70 tuổi ở xã Lâm Đớt là người chuyên dạy dân ca, dân vũ tại địa phương. Mỗi năm xã, huyện tổ chức các lớp truyền dạy cho lớp trẻ, già Trinh đều đặn đứng lớp truyền kỹ năng. Già Trinh là chủ nhiệm CLB cao tuổi, cũng là già làng nên rất nặng lòng trong việc giữ gìn bản sắc, phong tục người Tà Ôi. “Tôi rất lo lắng trước sự mai một của văn hóa dân tộc mình. Trong nhiều cuộc họp, tôi đều đề xuất các hội, ngành, đoàn thể và chính quyền chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa. Diễn đàn nào tôi cũng nêu ý kiến như vậy. Phải tranh thủ làm được gì thì làm, thời gian không chờ mình đâu”, Già tâm huyết nói.

Để trẻ thêm trân quý gia tài văn hóa truyền thống của dân tộc mình, không chỉ chính quyền địa phương, phía trường học cũng chung tay. Thầy Trịnh Văn Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Kim chia sẻ, nhà trường chỉ đạo giáo viên âm nhạc sưu tầm các bài dân ca cổ truyền; lồng ghép, tích hợp nội dung tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc thiểu số vào từng môn học. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, tìm hiểu về các làn điệu dân ca địa phương như hát cha chấp, K’ lơi, xiềng, Teerr A venh; đồng dao bắt ve; các trò chơi Ukẹ âng kleng, chơi dế bằng cọng sắn… Việc đa dạng hóa hoạt động đã góp phần nâng cao ý thức cho học sinh bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình.

Theo Phòng Văn hóa – Thông tin A Lưới, hiện phần lớn các xã đều có CLB dân gian. Tại các xã Lâm Đớt, Quảng Nhâm, Trung Sơn, Hồng Bắc, A Roàng… tổ chức lớp truyền dạy văn hóa dân gian thường xuyên, cũng như tập luyện tham gia các chương trình dự thi trong, ngoài huyện.

Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số, Huyện ủy A Lưới đã ra Nghị quyết về Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, các lễ hội lớn sẽ được tái hiện thường xuyên hơn, 100% xã khôi phục, bảo tồn không gian làng văn hóa truyền thống… Tạo môi trường nuôi dưỡng âm nhạc truyền thống, các nghệ nhân có đất diễn… UBND huyện đưa các hoạt động biểu diễn văn hóa dân gian vào Chợ phiên hàng tháng, tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc A Lưới (tổ chức cách năm); Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh; tham gia Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội)…

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin A Lưới cho hay: “Các hoạt động lễ hội tổ chức định kỳ vừa góp phần bảo tồn văn hóa, vừa tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng cho A Lưới. Qua kinh nghiệm thực tiễn, sắp tới, Phòng sẽ tổ chức lớp truyền dạy dân ca dân vũ phục vụ du lịch tại làng A Nor (Hồng Kim) cho 30-40 người. Thành phần là các thành viên nằm trong các CLB dân gian và lực lượng biểu diễn văn nghệ phục vụ du lịch”.

Bài, ảnh: LINH TUỆ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể
Return to top