Từ tình yêu với đàn tranh, cô giáo Quỳnh Nga muốn lan tỏa niềm yêu thích nhạc cụ truyền thống đến các bạn nhỏ
Yêu tiếng đàn tranh
Không gian yên vắng của ca Huế thính phòng ở Bảo tàng Văn hóa Huế vang lên những âm sắc trong trẻo, lảnh lót của điệu lý Ngựa ô, lý Cây bông, cả những ca khúc về mùa xuân tươi mới. Nhẹ nhàng mà tinh tế, tiếng đàn ấy quyến rũ cả hai cô trò Quỳnh Nga và Minh Thư chìm đắm trong âm nhạc, với đôi bàn tay uyển chuyển, khéo léo lướt trên dây đàn. Đó là không khí lớp học đàn tranh tại CLB Ca Huế thính phòng do cô giáo Đặng Thị Quỳnh Nga đứng lớp.
Không dạy đồng loạt như nhiều lớp học khác, cô Nga dạy lần lượt từng em. Một cô và một trò, cô tận tình sửa từng thế ngồi, hướng dẫn cách bấm từng phím đàn. Không chỉ dạy kỹ thuật biểu diễn, vận dụng vào từng bài nhạc, cô còn trang bị cho các học viên kiến thức về âm nhạc dân tộc Việt Nam để các em hiểu được âm nhạc truyền thống và dân ca các vùng miền.
Lớp học của cô Nga đa phần là các em học sinh, nhỏ nhất mới lớp 1, lớn có cả những người đã đi làm vẫn mê học đàn tranh. Lê Minh Thư (học sinh lớp 5, Trường TH Trần Quốc Toản) học đàn tranh gần 1 năm nay. Đã từng học organ, nhưng Thư thích đàn tranh nên chuyển sang học loại nhạc cụ này. Thư kể: “Con rất thích đàn tranh, học suốt cả tuần cũng không chán, lúc đầu khó, sau tập dần thấy cũng dễ. Giờ con đã đánh thành thạo các điệu lý, như: Lý Tình tang, lý Cây đa, lý Ngựa ô… Vui nhất là khi con được lên sân khấu ca Huế thính phòng biểu diễn, vừa hồi hộp, vừa xúc động”.
Vì yêu thích nhạc cụ truyền thống này, đều đặn mỗi tuần hai buổi, chị Thủy cùng con gái Diệu Khanh lặn lội từ Phú Bài (Hương Thủy) lên Huế học đàn tranh. Sau thời gian khổ luyện, chị Thủy mở lớp dạy đàn tranh miễn phí cho trẻ mồ côi ở chùa Đức Sơn. Chị Thủy chia sẻ: “Từ hồi sinh viên, mình đã có niềm yêu thích đặc biệt với đàn tranh. Thế mạnh của đàn tranh là thanh nhã, tinh tế, lột tả tiếng lòng của người nghệ sĩ, khơi dậy những xúc cảm sâu kín nhất của người nghe, tạo hình lại dễ thương, duyên dáng phù hợp với phụ nữ. Mình thích nên cũng hướng cho con gái theo học từ năm lớp 2”.
Đền đáp ân tình
Đã 2 năm kể từ ngày cô Quỳnh Nga mở lớp dạy đàn tranh miễn phí ở CLB Ca Huế thính phòng, nhưng từ hơn 10 năm trước, lớp học này đã được cô Nga duy trì đều đặn ở nhà. Nói về lý do mở lớp dạy đàn miễn phí suốt mười mấy năm trời, cô Nga chỉ nói đơn giản: “Từ khi còn học lớp 2, tôi đã gắn bó với đàn tranh. Từ đó đến khi trưởng thành, tôi được nhiều thế hệ thầy cô truyền dạy mà không hề tốn đồng học phí nào. Không có gì to tát, việc tôi làm bây giờ cũng là cách tôi đền đáp những gì đã được nhận giống như thầy cô ngày xưa đã dạy. Nếu dành thời gian này để đi show, tôi có thể kiếm tiền nhưng với tôi, đây là khoảng thời gian được sống đúng nghĩa với nghề nên không hề tính toán”.
Chị nói vậy nhưng để cần mẫn dạy miễn phí suốt mười mấy năm trời, như một con ong chăm chỉ rót mật cho đời thật không dễ dàng, nếu không có đam mê, nhiệt huyết và tình yêu lớn với bộ môn cổ truyền của dân tộc. Điều vui với cô Nga là từ lớp học, cô đã chọn được những gương mặt “hậu bối”. Biết bao thế hệ đã được cô Nga truyền dạy ngón đàn, có những người học từ bé đến giờ đã trưởng thành, kiếm sống với cây đàn tranh. Ngày mới tới lớp, các em gọi cô Nga bằng cô, đến giờ trưởng thành đều gọi cô bằng mẹ. “Tôi biết đàn nên thích nhiều người cùng biết đàn. Vì thế, tôi mở lớp dạy để lan tỏa đam mê của mình tới các em. Rồi chính các em sẽ lan tỏa niềm đam mê ấy đến những người khác”, cô Quỳnh Nga bộc bạch.
Ai thích học cô Nga cũng dạy, kể cả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp. Nhiều phụ huynh đăng ký cho con học để có “vốn liếng” của người Việt. Lớp dạy đàn mang đến cho cô Quỳnh Nga không ít vui buồn. Bên cạnh niềm vui khi gặp những học trò hứng thú, yêu thích đàn tranh, cô Nga cũng không ít lần phải ngậm ngùi khi nhiều học viên xem đây như cuộc dạo chơi, vì lòng hiếu kỳ. Từ khi chuyển sang dạy ở Bảo tàng Văn hóa Huế, nhiều người tìm đến học. Học miễn phí nên có người thích thì học, ưng thì nghỉ, đôi khi không cần báo với cô giáo. Nhiều khi, cô phải ngồi chờ học viên cả buổi nhưng rồi các em không đến. Vì thế, mấy tháng nay, cô quyết định thu học phí, dù không nhiều nhưng để học viên có trách nhiệm, ràng buộc với lớp học. Số người học ít lại, cô cũng có cơ hội để lựa chọn những người thực sự đam mê.
Theo chia sẻ của cô Quỳnh Nga, học đàn tranh không quá khó. Để trở thành người chơi đàn giỏi, ngoài năng khiếu còn cần có đam mê. Năng khiếu làm người chơi trở nên bay bổng hơn trên cây đàn, còn đam mê giúp người học hứng thú, tích lũy dần. Với cách dạy kết hợp giữa phương pháp truyền ngón, truyền khẩu và hiện đại, học viên cũng bắt nhịp và tiếp cận nhanh hơn. Cô Nga không đi theo lối mòn chỉ dạy học viên đánh những bài bản cổ mà vừa dạy cái xưa để giữ cốt cách, vừa dạy những ca khúc mới được chuyển soạn cho đàn tranh. Bằng cách này, đàn tranh dễ đến gần với mọi người.
Bài, ảnh: MINH HIỀN