ClockThứ Sáu, 04/11/2016 13:51

Nghệ sĩ Huế không “lép vế”...

TTH - Với 3 nghệ sĩ Nhân dân (NSND) (không tính cố NSND La Thị Cẩm Vân), 35 nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên đã và đang không ngừng nỗ lực khẳng định mình trong các hoạt động biểu diễn, Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể yên tâm giao việc cho lực lượng diễn viên tại chỗ trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật lớn tầm Festival Huế.

Nghệ sĩ, diễn viên Huế trong chương trình khai mạc Festival Huế 2016

Đội ngũ hùng hậu

Thừa Thiên Huế có 4 đơn vị chủ lực trong lĩnh vực đào tạo và biểu diễn nghệ thuật, gồm: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Học viện Âm nhạc Huế và Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh. Chỉ tính riêng đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên đã thành nghề, cũng khoảng 300 người, hoạt động rộng trên nhiều lĩnh vực của ca kịch Huế và nghệ thuật truyền thống cung đình Huế. Nhiều nghệ sĩ “cây đa cây đề” vừa đảm nhận vai trò quản lý, vừa tham gia hoạt động đạo diễn, biểu diễn, như: NSND Ngọc Bình, NSND Bạch Hạc, NSND Kiều Oanh… Bên cạnh đó, nhiều gương mặt nghệ sĩ ưu tú, như: La Thanh Hùng, Đình Dũng, Trọng Cương, Thế Tuệ, Kiều Oanh, Thu Hằng, Phong Thủy, Thu Hiền, Hoàng Hằng… Không tính 2 trung tâm văn hóa lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, “gia tài” về lực lượng văn nghệ sĩ, diễn viên mà Thừa Thiên Huế đang có khó địa phương nào sánh được.

Festival Huế 2016 là kỳ đầu tiên Thừa Thiên Huế thực hiện đẩy mạnh chủ trương lấy đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tại chỗ làm nòng cốt trong nhiều hoạt động nghệ thuật; trong đó, “đinh” là chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc Festival Huế đều được giao cho NSND Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế làm Tổng đạo diễn. NSND Ngọc Bình từng chia sẻ: “Lần đầu tiên thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi cảm thấy rõ áp lực nhưng cũng đầy tự hào, bởi có cơ hội khẳng định với bạn bè, với khán giả về một Festival của người Huế, đậm bản sắc văn hóa Huế”.

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế hiện có gần 200 nghệ sĩ, diễn viên; trong đó, có 1 NSND và 8 NSƯT. Đây là đơn vị nòng cốt của Thừa Thiên Huế, thậm chí của cả nước hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cung đình triều Nguyễn, được đại diện đất nước lưu diễn, quảng bá ngoại giao về các loại hình nghệ thuật cung đình Huế ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát, tự tin: “Anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của Thừa Thiên Huế hoàn toàn có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ ở các chương trình nghệ thuật lớn tầm cỡ như Festival Huế. Chúng ta có nhiều cơ hội để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, các bạn trẻ cũng tích cực tìm tòi, học hỏi và có nhiều tiến bộ.

Cố gắng hết mình khi được giao việc

Thực tế, kỳ Festival Huế lần thứ 9 (2016), Thừa Thiên Huế đẩy mạnh thực hiện chủ trương sử dụng lực lượng diễn viên tại chỗ để vừa tiết kiệm chi phí, vừa khai thác có hiệu quả thế mạnh về con người của địa phương, thì trong dư luận vẫn có nhiều ý kiến. Dư luận lo nghệ sĩ của Huế lép vế trước nghệ sĩ quốc tế và của các vùng miền khác trong cả nước; lo nghệ sĩ của Huế chưa có nhiều kinh nghiệm “bơi ra biển quốc tế”, dễ làm Festival Huế giảm tầm… Kết quả là, Thừa Thiên Huế có thêm một kỳ Festival mang tầm quốc tế thành công, nhiều chương trình nghệ thuật đậm bản sắc văn hóa Huế ghi được dấu ấn tích cực trong lòng khán giả và bạn bè nghệ sĩ gần xa hội tụ về. Tuy nhiên, từ góc độ của người trong cuộc, NSƯT La Thanh Hùng cho rằng, đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của Thừa Thiên Huế sẽ làm tốt hơn nếu được lãnh đạo tỉnh tin tưởng và mạnh dạn giao việc; đồng thời, tạo điều kiện tốt hơn về kinh phí để hoạt động.

Theo NSƯT La Thanh Hùng, trước khi “nhập cuộc” một sự kiện nào đó, lãnh đạo tỉnh chỉ cần thống nhất chủ đề, tư tưởng và đề cương nội dung rồi giao nhiệm vụ để các đạo diễn thực hiện. Khi kiểm duyệt, lãnh đạo tỉnh chỉ cần điều chỉnh những điểm liên quan đến tư tưởng chủ đạo, còn lại tạo cơ hội để anh em nghệ sĩ, diễn viên được thăng hoa trong cảm xúc nghề nghiệp. Liên quan đến vấn đề kinh tế và đời sống của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, NSƯT La Thanh Hùng nói: “Nghệ sĩ thường rất “máu”. Có cảm hứng là thăng hoa, bất kể cuối cùng tiền có nhiều hay ít. Nhưng cuộc sống của anh chị em nghệ sĩ khó khăn lắm, vậy nên rất cần được quan tâm đến đời sống kinh tế. Nếu so một chương trình nghệ thuật sử dụng nhân lực tại chỗ với một chương trình nghệ thuật trong nước về Huế biểu diễn, thì chúng ta sẽ tiết kiệm được hơn nhiều. Tuy nhiên, không vì sự tiết kiệm ấy mà ít quan tâm đến đời sống của anh chị em nghệ sĩ tại chỗ”.

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng

Ngày 28/10, ông Trần Xuân Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức gala thơ nhạc “Chút tình với Huế” thu về 600 triệu đồng nhằm sẻ chia các dự án cộng đồng tại quê hương.

Đêm nhạc “Chút tình với Huế” sẻ chia các dự án cộng đồng
Return to top