ClockThứ Hai, 29/01/2024 06:30

Sỹ Thiên và niềm đam mê nhạc cụ truyền thống

TTH - Yêu thích và đam mê thổi sáo từ những ngày còn bé, chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên (sinh năm 1999) đã miệt mài gắn bó với loại nhạc cụ truyền thống này của dân tộc hơn 5 năm nay. Tiếng sáo du dương, bay bổng của Thiên đã để lại nhiều dấu ấn ngọt ngào trong cảm xúc người nghe.

Người gìn giữ điệu dân ca dân vũ Cơ TuBắt buộc đeo khẩu trang ở phiên chợ vùng caoLan tỏa đam mê với nhạc cụ truyền thống

Đào Bá Sỹ Thiên với niềm đam mê sáo trúc 

Tốt nghiệp THPT, Sỹ Thiên thi vào Trường đại học kinh tế Huế, nhưng rồi tình yêu tiếng sáo đã thôi thúc chàng trai rẽ ngang sang con đường nghệ thuật. Tự tìm tòi, mày mò để rồi Thiên thi đỗ vào ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành Sáo trúc của Học viện Âm nhạc Huế.

Sáo trúc là nhạc cụ gần gũi, quen thuộc mang âm sắc vừa dân dã vừa độc đáo. Không phải ai cũng có thể sử dụng được. Với tình yêu và niềm say mê học hỏi cộng với những tố chất vốn có, từ một người thổi sáo theo bản năng, được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp, chàng trai trẻ đã không ngừng tiến bộ và ngày càng điêu luyện hơn về kỹ thuật cũng như phong thái biểu diễn.

Tưởng thì đơn giản, song để tiếng sáo lay động cảm xúc thì người thổi phải biết chọn ống sáo phù hợp, tư thế cầm, bấm ngón chuẩn và thổi sáo đúng cách, nghệ thuật lấy hơi khi thổi và vững vàng về kiến thức nhạc lý. Đó là cả quá trình khổ luyện. Thiên cho biết: “Khó nhất khi sử dụng loại nhạc cụ này là kỹ thuật dùng hơi và lưỡi. Muốn có tiếng sáo hay và đẹp thì phần hơi phải đều, giữ được độ dài. Người chơi phải điêu luyện trong cách rung hơi, đánh lưỡi, tạo khẩu hình…”.

Theo đuổi bài bản bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong nhịp sống hối hả hiện nay, dẫu gặp không ít khó khăn, song chàng trai trẻ Đào Bá Sỹ Thiên vẫn không hề nao núng. Với cây sáo bên mình, được thỏa sức theo đuổi, thả hồn mình thăng hoa vào tiếng sáo trúc du dương, với Thiên, đó là niềm hạnh phúc lớn. Thầy Bùi Ngọc Nhiệm, giảng viên Học viện Âm nhạc rất tự hào khi nói về cậu sinh viên của mình: “Sáo trúc là loại nhạc cụ khó. Với sự đam mê, kiên trì, chịu khó, Thiên đã tiếp thu nhanh những kỹ thuật, bài giảng mà thầy, cô truyền đạt để không ngừng hoàn thiện, phát triển năng khiếu bản thân”.

Sau những tháng ngày nỗ lực học tập, rèn luyện, Sỹ Thiên trở thành một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu, tiềm năng nối tiếp các thế hệ đi trước khi đến với loại nhạc cụ truyền thống dân tộc của Học viện Âm nhạc Huế. Hằng ngày, Thiên dày công luyện tập những tác phẩm mới viết riêng cho sáo trúc, bởi đây là thử thách đối với người thổi sáo chuyên nghiệp. Những tác phẩm viết riêng cho sáo như Mùa xuân biên phòng; Cánh chim tự do; Tiếng sáo trên nương hay những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng dân ca như Về quê, Mưa chiều miền Trung… được chàng trai trẻ thể hiện tinh tế với âm sắc tiếng sáo trúc khi thì vui tươi, khi thì da diết, lắng sâu, thật sự để lại ấn tượng đẹp trong lòng người thưởng thức.

Trải nghiệm để không ngừng nâng cao kỹ thuật nhạc lý, Sỹ Thiên đã tích cực tham gia biểu diễn ở nhiều nơi. Cùng sinh viên trong Khoa Âm nhạc Di sản truyền thống của Học viện Âm nhạc Huế đi biểu diễn ở phố đi bộ, nhà hát sông Hương; các trường tiểu học, mầm non; tham dự Hội thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tại Nha Trang năm 2023…

Với khát vọng chia sẻ, lan tỏa tình yêu đối với cây sáo trúc đến với mọi người, Thiên đã tham gia giao lưu, sinh hoạt tại các câu lạc bộ Sáo trúc ở Huế và Quảng Trị. Với những gì mà mình có được, chàng trai trẻ nhiệt tâm hướng dẫn, thắp lửa đam mê cho những bạn trẻ quan tâm và yêu thích sáo trúc. Giữa nhịp sống hiện đại với bao điều mới mẻ, sôi động thu hút giới trẻ, Đào Bá Sỹ Thiên vẫn lặng lẽ dồn niềm đam mê, gắn bó với nhạc cụ truyền thống dân tộc quả thật đáng trân trọng. Sỹ Thiên mong muốn giới trẻ ngày càng tìm đến sáo trúc nói riêng, nhạc cụ truyền thống nói chung nhiều hơn để góp phần gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc.

Bài, ảnh: Hương Đồng
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi

Tại bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông có một người đặc biệt luôn lặng lẽ, tận tụy giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đó là ông Pơloong Chướch, một nghệ nhân cao tuổi đã dành cả cuộc đời để gắn bó với nghề đan lát.

Giữ nghề gắn với phát triển du lịch ở bản Dỗi
Xứng đáng với truyền thống hào hùng

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân về truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân - dân và truyền thống tốt đẹp của BĐBP tỉnh trong sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển.

Xứng đáng với truyền thống hào hùng
Triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng

Chiều 13/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống BĐBP tỉnh, chủ trì.

Triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng
Trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống Huế

Tối 8/9, Sở Du lịch phối hợp cùng Tạp chí Vietnam Travel và các đơn vị đồng hành tổ chức chương trình “Trải nghiệm Tết trung thu truyền thống Huế”. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện diễn ra trong bốn mùa của Festival Huế 2024, nhằm hưởng ứng lễ hội mùa thu - “Huế vào thu” của Festival Huế 2024.

Trải nghiệm Tết Trung thu truyền thống Huế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top