Giữa bao bận rộn của những ngày cuối năm, ở các triển lãm tranh vẫn thấy đông đảo người xem. Họ đến để ngắm nhìn, xem năm nay tranh Huế có chi mới hay điều gì lạ. Còn với họa sĩ Huế, phòng tranh ngày tết là dịp để “khoe tài”và để sẻ chia những thành quả của cả một năm lao động nghệ thuật sáng tạo của mình. Tôi cũng vậy, một cảm giác chờ mong, háo hức…
Gần Tết Đinh Dậu vừa qua, cùng thời điểm ông Táo về trời, có 2 triển lãm về con giáp được mở ra. Một là triển lãm “Mùa xuân và con giáp” tại số 25 Lê Lợi, TP. Huế và một tại Art Gallery Sông Như (số 14/7 Nguyễn Công Trứ) với phòng tranh có chủ đề “Gà Đinh Dậu, đậu nóc dinh”. Nét hay là 2 phòng tranh con giáp đã tồn tại song song từ nhiều năm nay. Nếu như triển lãm tại 25 Lê Lợi với một chủ đề định sẵn “Mùa Xuân và con giáp” thì ở 14/7 Nguyễn Công Trứ, nó được đặt tên theo con vật năm tuổi. Ví như năm 2016, là phòng tranh “Thân con khỉ”, hay trước đó vào năm 2015 là triển lãm tranh con giáp “Ê dê dê, con dê chín mùi”, nghe thật hóm hỉnh. Có lẽ trong cả nước, chỉ duy nhất ở Huế có các phòng triển lãm tranh con giáp mỗi khi tết đến, xuân về.
Phòng tranh con giáp gắn liền với họa sĩ Đặng Mậu Tựu. Art Gallery Sông Như hay Cà phê Sông Như là tư gia của anh. Nhà thơ Ngô Minh kể, mùa đông năm 1998, mấy anh em văn nghệ uống cà phê đàm đạo về con tò he bán ngoài chợ tết, nhà thơ Võ Quê (Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế lúc đó) đề xuất ý tưởng “chơi” phòng tranh con giáp. Tâm đầu và ý hợp, vậy là Đặng Mậu Tựu lao ngay vào cuộc, kéo dài cho đến tận nay. Hôm rồi, tôi tình cờ đọc được một bài viết đăng trên Báo Khánh Hòa, bàn về họa sĩ vẽ tranh con giáp. Kết thúc, tác giả viết với cả nỗi niềm, ở Huế giới họa sĩ đón tết bằng những bức tranh vẽ con giáp. Cuộc chơi phát triển đến mức ban tổ chức phải tách riêng thành một triển lãm. Hy vọng, Khánh Hòa sẽ có những sân chơi thú vị như thế.
Đã nhiều năm rồi, phòng tranh con giáp được xếp vào danh mục triển lãm hội họa chính thức của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chào Xuân Mậu Tuất 2018, Thừa Thiên Huế mở cửa hai phòng tranh đón khách. Hai trong số đó tiếp tục là phòng tranh về con giáp và năm nay hình ảnh về chú cẩu mến thương. Hôm rồi gặp họa sĩ Đặng Mậu Tựu, hỏi về phòng tranh con giáp ở Art Gallery Sông Như dịp Tết Mậu Tuất này. Anh cười vui, có chứ và xin mời. Cách nay đúng chẵn một con giáp vào năm Bính Tuất 2006, phòng tranh của họa sĩ Tựu và đồng nghiệp mang cái tên khá ngộ nghĩnh “Cây Còn - Con Cầy”. Còn năm nay, vài ngày nữa sẽ bật mí, xin hãy chờ đợi.
Nhân chuyện phòng tranh đón Tết ở Huế, tôi lại nhớ về làng tranh làng Sình, nơi ngã ba Sình mà người Huế rất tự hào với khoảng 400 năm tồn tại và phát triển. Đã thành lệ, cứ vào dịp cuối năm, đặc biệt là thời gian giáp tết, không khí làm tranh ở làng Sình lại nhộn nhịp. Xưa kia, sau thời vụ nông nghiệp, các gia đình ở làng Sình dồn sức vào việc làm tranh để đáp ứng nhu cầu của bà con trong việc thờ cúng và tết về là lúc cao điểm. Mọi người mua tranh cúng là để cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi… Ngày nay, bên cạnh nhu cầu mưu sinh đối với người làm tranh Sình, đó còn là khát khao gìn giữ, lưu truyền và hướng đến đáp ứng nhu cầu trải nghiệm và thưởng ngoạn của khách du lịch.
Tết về, vẽ tranh để bán như một món hàng xuân. Cũng tết về, mở triển lãm tranh mùa xuân, tranh con giáp để góp vui với đời và gửi tới cuộc sống những thông điệp yêu thương, xem ra cũng là một cách ứng xử, một nét văn hóa đáng yêu của người Huế mình.
ĐAN DUY