ClockThứ Sáu, 24/01/2014 11:08

Vó ngựa trong tôi

TTH - Lần đầu tiên đặt chân vào Hoàng thành Huế, tôi bị mê hoặc bởi cung điện, lâu đài... nhưng lại có một cảm giác hẫng hụt. Nó lạ lắm, lúc đầu không lý giải được. Cái tuổi thơ đằng đẵng ở chốn làng quê, ít có dịp tiếp xúc và đi lại đó đây, nghiền ngẫm với những cuốn truyện xưa, tôi như bị hớp hồn bởi bóng dáng của những người hùng rạp mình trên mình ngựa tung vó, để lại đằng sau lớp bụi mịt mù là hình ảnh của bao thành quách và cả bóng dáng giai nhân. Lại nữa là sự si mê đến ám ảnh giai điệu bi hùng “Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời/ Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời/ Ngựa phi như điên cuồng...” của khúc hoang ca “Vết thù trên lưng ngựa hoang” của Phạm Duy. Vậy mà Kinh thành Huế của tôi, nơi có cả trăm năm là kinh đô của nước Việt, vẫn nguyên vẹn như xưa, lại không có dáng hình của kỵ binh cùng những con ngựa hùng dũng và bất kham để cho tôi, một thằng trẻ nít nhiều mơ mộng được một lần diện kiến nhằm thỏa nguyện bao nỗi ước mong.

Ngựa được đưa vào phục vụ lễ hội Nam Giao tại các kỳ Festival Huế. Ảnh: Huy Khánh

Cũng may mắn hơn bao kẻ cùng trang lứa, trước khi biết đọc, để rồi thèm thuồng ngấu nghiến những cuốn truyện xưa kiếm hiệp, tôi cũng đã biết đến con ngựa trong hình bóng của những chiếc xe thổ mộ, một cách gọi lạ về loại xe do ngựa kéo. Dạo còn bé xíu, tôi sống ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng mạ vẫn hay cho đi đây đó có tý công chuyện bằng xe ngựa. Khéo khen cho ai đã đặt tên xe thổ mộ, nghe nó cứ bàng bạc và mênh mang. Có kẻ bảo với tôi rằng, đơn giản vì cái mui xe khum giống hình ngôi mộ, được dùng để chở quan tài ra mộ chôn, nên gọi là xe thổ mộ. Nghe kinh và sợ quá. Lại có người cho rằng, thổ mộ là tên gọi trại từ xe thảo mã của Trung Quốc, tiếng Quảng Đông là xe độc mả. Tôi không thích, nó quá xa lạ và cũng thật hãi hùng. Còn không vừa lòng, thôi thì nghe theo kiểu giải thích rất Nam Bộ, rằng đó là cách nói nhanh địa danh Thủ Dầu Một, nơi được cho là xuất xứ của chiếc xe thổ mộ, nổi tiếng trong câu vè: “Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một/ Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu...”.

Nhớ lại những lần được đi xe thổ mộ ngày xưa ấy. Trong cái thùng xe to tướng, khách đủ hạng người ngồi trên chiếc chiếu bông đâu mặt vào nhau, chân co về một phía, guốc dép móc vào hai cọc sắt phía sau góc thùng. Xe có cặp bánh to đùng. Mỗi khi chuyển bánh lại vang lên tiếng kêu lách cách. Gặp phải đoạn đường bằng phẳng không có cảm giác chi lạ, nhưng rơi vào chỗ gồ ghề với bao thứ ổ gà, ổ voi thì ngồi trên xe, bị xóc và người bần bật, có khi va cả vào nhau í ới. Ngồi trong thùng xe, an lành bên vòng tay của mạ, tôi mơ được ra phía trước, nơi chỗ gã xà ích đang chễm chệ để được cầm chiếc roi vung lên vụt xuống, điều khiển con ngựa bất kham và cả một cỗ xe với bao người. Cái cảm giác đó cứ dai dẳng trong tôi qua nhiều năm tháng, nhất là khi sau này lớn lên một tý, xem phim bắt gặp những cỗ xe song mã thấp thoáng bóng dáng của bao kẻ anh hùng và giai nhân rong ruổi trên những dặm đường dài. Những con ngựa đầu tiên trong cuộc đời tôi tiếp xúc không kiêu hãnh và oai hùng, nó chỉ là vật mưu sinh trong đời sống hàng ngày lam lũ, ấy thế mà thân thương đến lạ.

Huế Cố đô không còn nữa rồi hình ảnh những con tuấn mã và gã kỵ binh oai phong, nhưng vẫn còn đó dấu tích của một ngày xưa ấy. Có dịp đi về chốn xưa phủ cũ Phước Yên, Bác Vọng hay Kim Long, tôi lại bồi hồi bắt gặp những dấu tích về những trại voi, trại ngựa... Để rồi, nó gợi lại trong tâm trí của một kẻ thường hay mơ mộng như tôi nhiều suy tư, tơ tưởng. Mà cũng chẳng đâu xa ở ngay thành đô Huế còn lại một địa danh vô cùng nổi tiếng là cửa Thượng Tứ. Chuyện rằng Kinh thành xưa (tồn tại đến bây chừ) có 8 cửa ra vào. Gần cửa Đông Nam (Hán tự là Đông Nam Môn) có một khu vườn nuôi ngựa để kéo xe cho vua. Xưa gọi là Viện Thượng Tứ, nghe đâu nằm ở bên trong cửa thành Đông Nam, khoảng nơi xeo xéo, có cái không gian là lạ là Trường tiểu học Trần Quốc Toản nay. “Thượng” có nghĩa thuộc về của vua, còn “Tứ” là xe bốn bánh do ngựa kéo, chẳng có chi khó hiểu có điều lâu nay tôi đây lại chẳng hiểu. Vì Đông Nam Môn ở gần khu vực nuôi ngựa kia nên dân Huế ta gọi luôn cho tiện là cửa Thượng Tứ và rồi lâu dần, không ai để ý nữa đến ba chữ Đông Nam Môn ghi trên vọng lâu nữa. Còn những con ngựa được chăn giữ ở Viện Thượng Tứ, tôi nghe kể thường dữ dằn, phải do đội phi kỵ vệ và khinh kỵ vệ nuôi dạy, huấn luyện cho ngựa trở nên thuần. Người đàn bà dữ dằn lúc nào cũng lồng lên như ngựa chứng, sợ lắm, không chơi được thì ở cái xứ Huế này gọi là đồ “ngựa Thượng Tứ”. Nó từa tựa danh xưng “sư tử Hà Đông” ở xứ Bắc Kỳ.

Ai đời, ở xứ sở của ngựa mà vắng bóng ngựa nên mới có chuyện vào những năm 80 của thế kỷ trước có kẻ thích làm ngông tậu một con ngựa thồ dành cho trẻ nhỏ. Chiếc xe ngựa kỳ lạ kia thường đậu ở trước rạp xi nê Đông Ba, không xa cửa Thượng Tứ. Con ngựa màu nâu ốm o, còm cõi, bẩn thỉu có chiếc bờm vàng hoe. Gã xà ích cũng gầy nhom chơi lạ, tết cho nó thêm những giải tua bằng vải đủ màu để kéo chiếc xe cũng màu sắc lòe lẹt, để rồi đu đưa, tung tăng chở lũ trẻ ham vui khắp phố, thu những đồng tiền lẻ. Lúc đầu nghe Huế mình có ngựa tôi cũng hăm hở chờ xem. Thế nhưng rồi, nhìn con ngựa, báu vật của lòng mình sao mà nhỏ thó, trơ xương, xấu xí, chạy lóc cóc như con chó còi, tôi đâm chán. Lại nghe bảo xứ mình có tiết trời và thổ nhưỡng không hạp với giống ngựa nên chúng bé tý, người ngồi lên thân ngựa cứ lủng la lủng lẳng như mấy gã hề, chứ đâu oai hùng như người ta ở xứ họ, nên thần tượng tuấn mã oai hùng cũng theo đó mà phôi phai trong tâm trí tôi. Nó lại càng được củng cố hơn khi xem phim Việt mình, thấy diễn viên phi cưỡi những chú mã cũng còi cọc, có hơn chi mô con ngựa trên đường phố Huế kia.

Bỏ lại đằng sau mặc cảm và thất vọng là khi lần đầu tôi bắt gặp ngựa xuất hiện trong Festival Huế, tận mắt thấy những con tuấn mã và những cỗ xe ngựa sang trọng trên đường phố Huế. Với ý tưởng khát khao làm sống lại một không gian lễ hội xưa, tại Festival 2004, lần đầu tiên một phần của lễ tế Nam Giao xưa, đoàn ngự đạo hồi cung, được phục dựng y chang 53 năm trước đó với đủ lễ nghi, phẩm tiết, voi ngựa rập rình. Tuổi khá lớn rồi, tôi vẫn như đứa trẻ nhỏ háo hức chờ đợi. Nhìn những con ngựa đẹp xuất hiện bên cạnh mấy bác lão tượng, trong tôi một cảm giác lâng lâng, là lạ. Cũng nhớ rồi, hình như năm đó, bất chợt thấy xuất hiện trên đường phố Huế những cổ xe ngựa, phỏng theo phong cách Đà Lạt bon bon chở khách đến các điểm di tích. Những chú ngựa cao to, đẹp mã và tôi nhớ, đội xe ngựa lúc đó có 4 chiếc, 2 chiếc loại 2 chỗ ngồi và 2 chiếc có 4 chỗ ngồi nhìn khá sang trọng. Nó là sản phẩm du lịch khá mới lạ của Công ty Du lịch Hương Giang và được xem là khởi đầu cho sự trở lại của những con ngựa ở đất Cố đô. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sau đó cũng nhập cuộc. Có điều, không chỉ riêng ngựa là mà còn có cả xe điện, các loại thuyền và cả voi nữa. Vào Đại Nội, thấy bây chừ rập rờn là cảnh ngựa xe nhộn nhịp. Còn nhiều lần lên ngã ba Tuần quanh co, qua các khu nghĩa trang của Huế hay lên tận Kim Long đi trên con đường rợp bóng cây xanh và cũng thật ngoằn nghèo, tôi bất chợt bắt gặp những cỗ xe ngựa thong dong, rảo bánh lại chạnh lòng, bàng bạc nhớ đến cảnh tượng chị em Thúy Kiều trong tiết thanh minh mơ màng đã gặp chàng Kim Trọng. Đại thi hào Nguyễn Du có một thời gian sống và làm quan ở Huế, nghe đâu Truyện Kiều bất hủ được viết ra trong thời kỳ này. Tôi đã nghĩ tới cái tứ cốt của Truyện Kiều lấy từ nước Tàu, nhưng cảm xúc sáng tác thì hình như bắt nguồn từ chính cảnh trí và con người nơi miền núi Ngự sông Hương.

Mới đây thôi, vào năm ngoái tôi có dịp du lịch Mã Lai. Chương trình tham quan có điểm đến là Hoàng cung Mã Lai. Hăm hở lắm, vậy nhưng tới nơi mới biết chỉ được đứng bên ngoài nhìn vọng vào và tưởng tượng mà thôi. Hoàng cung của người Mã vẫn đang làm việc. Hình như không muốn để khách du lịch từ phương xa tới phải thất vọng, người Mã đã bố trí một vài dịch vụ ở bên ngoài, trong đó có dịch vụ chụp ảnh với mấy gã lính gác cỡi ngựa ở trước cổng thành. Nhìn mấy chú ngựa to đùng với đầy đủ đai yên oai phong lẫm liệt, thiệt đã con mắt. Ấn tượng nhất là mấy chú ngựa bị gò bó và có lắm kẻ xăm xoi nên tỏ ra cáu gắt, thỉnh thoảng lắc mạnh bờm giận dữ hay tung ra cú đá hậu đến khiếp. Bất chợt lại nghĩ về ngựa ở Kinh thành Huế hiện tại. Được chọn lọc để mua về nên cao to và phong độ là chuyện miễn bàn nhưng sao vẫn cảm thấy nó xa lạ khi thắng vào cỗ xe có phong cách hiện đại mang dáng dấp châu Âu và cả mấy gã xà ích nữa, từ dáng hình, trang phục đến cách ứng xử xem ra không đúng với tâm thế cần có. Lạ thiệt, đã nghĩ đến chiếc thuyền rồng sao người đời lại không nghĩ tiếp đến chuyện phục dựng lại cỗ xe ngựa mang dáng hình Việt vào thuở ngày xưa cho du khách từ xa đến một lần đi là nhớ mãi.

Lại nữa, răng không tái hiện hình ảnh những kỵ binh xưa vào buổi ban mai hay chiều tà khi hoàng hôn buông xuống trong bước tuần tra nơi kinh thành cho du khách mục kích và tưởng tượng như người Mã kia đang làm. Đó là tôi đã nghĩ đến cách làm du lịch bắt đầu từ di tích xưa và con tuấn mã trong hình ảnh “gập ghềnh vó ngựa” như một điểm nhấn đặc biệt mang nhiều suy tưởng và lãng mạn của ai đó trong câu ca nhiều gợi mở “Thượng Tứ còn đây, cửa hướng Nam”…  

Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Vũ điệu thời gian”

Là chủ đề của chương trình nghệ thuật do Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc biểu diễn tối 22/11, tại sân khấu Nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại Nội Huế. Chương trình trong khuôn khổ Festival Huế Mùa Đông 2024 và chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.

“Vũ điệu thời gian”
Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh châu Á diễn ra từ ngày 22 - 24/11 tại TP. Huế, do Trường cao đẳng Huế phối hợp với Trường đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức.

Xã hội và văn hóa ở châu Á trong thời kỳ công nghệ số
Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng

Trong năm 2024, có 6 cá nhân tặng hiện vật và 9 cơ sở, cá nhân sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống Huế hỗ trợ cho Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trong công tác trưng bày, triển lãm nhằm quảng bá di sản văn hóa Huế đến với công chúng, khách tham quan.

Tôn vinh nhiều cá nhân hiến tặng hiện vật cho bảo tàng
Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Return to top