ClockThứ Bảy, 05/06/2021 06:45

Xác định nội dung bốn bài thơ chạm khắc trên điện Cần Chánh qua 2 tấm ảnh cũ

TTH - Điện Cần Chánh là nơi làm việc hàng ngày của hoàng đế, là nơi tổ chức lễ thường triều vào các ngày mồng 5, 10, 20, 25 âm lịch hằng tháng, cũng là nơi tiếp sứ hoặc làm lễ bái mạng, phục mạng của các quan, đồng thời cũng là nơi tổ chức các nghi lễ và yến tiệc của hoàng gia trong những dịp khánh hỷ.

Nội thất và thơ khắc trên điện Cần Chánh

Xây dựng từ năm 1804, hoàn thành vào năm 1805, điện Cần Chánh là một tòa cung điện quy mô, lộng lẫy có cấu trúc bằng gỗ, chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Đặc biệt, các liên ba gỗ ở nội thất, ngoại thất cũng như các ô hộc pháp lam ở cổ diềm, bờ nóc phần mái điện cũng được thiết kế theo mô típ nhất thi nhất họa với hàng trăm ô hộc nhỏ chạm khắc thơ chữ Hán. Đáng tiếc là sự cố binh lửa vào tháng 2/1947 đã làm cho ngôi điện này bị thiêu rụi hoàn toàn.

Ý tưởng phục hồi Điện Cần Chánh đã được đặt ra từ giai đoạn 1995 - 2000, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, những nỗ lực trong nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và đơn vị hợp tác là Đại học Waseda (Nhật Bản) vẫn chưa giải quyết được nhiều vấn đề tồn nghi đối với các yếu tố liên quan đến giải pháp phục hồi, nhất là những chi tiết kiến trúc trên các cấu kiện gỗ cũng như trên bộ mái đồ sộ của công trình.  

Căn cứ vào các bức ảnh tư liệu lưu trữ lâu nay có thể thấy có sự xuất hiện dày đặc các bài thơ chạm khắc trên liên ba của điện Cần Chánh. Nhưng cụ thể nội dung của chúng thì đến nay vẫn còn mơ hồ, chưa tạo nên được cơ sở thuyết phục. Gần đây, tình cờ qua internet, tôi tìm được 2 bức ảnh bức ảnh chụp nội thất và có thể đọc được 4 bài thơ chữ Hán được khắc trên đó.

Ở tấm ảnh thứ nhất, hình ảnh tương đối rõ, tại vị trí liên ba gian tả nhị, hàng cột 2 phần chính điện, đọc được 2 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có nội dung như sau:

Bài 1:

Ngũ bách xương kỳ thiên khởi lân,

Trùng hưng thịnh hội mệnh duy tân.

Vạn cơ căng nghiệp tồn thời trợ,

Thứ chính tuân tư đạt dạ phân.

Dịch thơ:

Muôn năm vận hội nối trời xanh,

Mệnh mới thịnh hưng dấy tiếp phần.

Gặp vận thời cơ luôn cố gắng,

Xét suy lớn nhỏ việc thâu canh.

Bài 2:                                              

Điểu cách huy hoàng phù húc nhật,

Loan kỳ cẩm lược dẫn hòa phong.

Thái bình nghi vệ quy mô đại,

Chiêm ngưỡng phu thiên suất thổ đồng.

Dịch thơ:

Rực rỡ mái loan nắng sớm lên. 

Phấp phơ cờ phụng gió hòa xinh.

Thái bình nghi vệ quy mô lớn,

Phô giữa trời cao rộng dáng hình.

Ở tấm ảnh thứ hai, tại vị trí liên ba vách, hàng cột 2 phần chính điện, chất lượng không được rõ so với ảnh trên, nhưng cũng có thể đọc được 2 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt có nội dung như sau:

Bài 3:

Vạn lý sơn hà quy hộ dũ,

Cửu thiên tinh đẩu kỳ lâu đài.

Quang minh chính đại tâm như hiện,

Khoát tịch trùng môn tứ diện khai.

Dịch thơ:

Muôn dặm sơn hà về một mối,

Nghìn cao bắc đẩu rạng lâu đài.

Quang minh chính đại lòng dường thấy,

Bốn hướng tỏa quanh rộng mở khai.

Bài 4: Bài này một số chữ mờ, nên không chắc xác định chính xác nội dung, nhưng cơ bản ngữ nghĩa và nội dung, chủ đề vẫn trong cùng “trường nghĩa” và “trường biểu cảm” với các bài trên. Do vậy, ở đây, tôi xin tạm xác định nội dung như sau:

Trần dã uy dương thần võ lục,

Nhật thăng chính bố thánh văn tuy.

Thái hòa vũ trụ quang huy đán,

Nhẫm tịch quần phương quốc tộ hi.

Đại ý là:

Thần Võ uy nghi lưu địa cuộc,

Thánh Văn rạng rỡ sáng bao la.

Thái hòa chói lọi khắp muôn cõi,

An lạc muôn phương nước rộng xa.

Việc xác định được cụ thể nội dung 4 bài thơ này ngoài việc bổ khuyết về tư liệu khi nghiên cứu điện Cần Chánh còn có ý nghĩa định hướng cho việc nghiên cứu thơ trên điện Cần Chánh một khi có ý định phục hồi công trình này. So sánh với điện Thái Hòa, có thể thấy thơ trên điện Cần Chánh xuất hiện các bài thất ngôn tứ tuyệt (4 câu 7 chữ), trong lúc mà điện Thái Hòa hầu hết đều tồn tại dưới dạng ngũ ngôn tứ tuyệt (4 câu, 5 chữ). Cũng ở điện Thái Hòa có chạm khắc 12 cặp câu loại 7 chữ (nhiều người vẫn cho là câu đối) ở 12 ô phần hậu điện, tuyệt nhiên không có một bài thất ngôn tứ tuyệt nào được chạm khắc một cách trọn vẹn trong cùng một ô thơ như ở điện Cần Chánh. Nếu căn cứ vào các bức ảnh chụp ở các góc nghiêng, hắt từ dưới lên, chúng ta cũng dễ dàng phát hiện hàng loạt các bài thơ có số lượng chữ phân bố với mật độ mang hình thức của một bài thất ngôn tứ tuyệt. Do vậy, điểm khác biệt có thể là cơ bản giữa thể thơ được chọn để chạm khắc trên điện Thái Hòa và điện Cần Chánh chính là loại thể: điện Thái Hòa chọn thể 5 chữ 4 câu là chủ yếu; điện Cần Chánh chọn thể 7 chữ 4 câu là chủ yếu. Đó là một định hướng quan trọng để nghiên cứu và lựa chọn thơ khi đưa ra giải pháp phục hồi chi tiết trang trí cấu kiện gỗ đối với điện Cần Chánh trong tương lai.

Về nội dung, bốn bài thơ khắc trên điện Cần Chánh đều chung trường nghĩa với những bài thơ trên điện Thái Hòa. Nghệ thuật ngôn từ đều cùng mô típ thẩm mỹ gắn với các lối diễn đạt giống nhau, tư duy hình tượng qua các điển cố, điển tích giống nhau, gần nhau. Cách sử dụng từ ngữ trong bốn bài thơ ở điện Cần Chánh gần gũi với hệ thống từ ngữ xuất hiện phổ biến trong thơ trên điện Thái Hòa, ví dụ như: thịnh hội, duy tân, vạn cơ, thái bình, nghi vệ, quy mô, chiêm ngưỡng, phu thiên, suất thổ, cửu thiên, tinh đẩu, khoát tịch, trùng môn, vũ trụ, quang huy, nhẫm tịch, quần phương... Đó là những từ ngữ có cùng một trường nghĩa miêu tả sự thịnh vượng và quy củ của triều đại. Việc lựa chọn ngôn ngữ gắn với những suy tư về thời đại này đã nói lên một chỉnh thể ngôn ngữ có hệ thống, tạo thành đặc điểm ngôn ngữ chung của dòng thi ca nghi thức trên các cung điện có tính nghi thức của triều Nguyễn.

Việc xác định nội dung các bài thơ khắc trên điện Cần Chánh và qua một số phân tích, đối sánh đã góp phần cung cấp một số cơ sở nhất định về đặc điểm thơ được chạm khắc trên đó. Từ đặc điểm nội dung này sẽ tạo nên một lập luận có hướng khi nghiên cứu nội dung thơ chữ Hán nhằm phục hồi chi tiết trang trí trên ngôi điện đặc biệt quan trọng này.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế

Được xem là đơn vị đi đầu cả nước và là hình mẫu về công tác bảo tồn, trùng tu di tích, nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung đã có những chia sẻ thú vị với Thừa Thiên Huế Cuối tuần về hành trình phục hồi và phát triển các giá trị di sản để góp phần đưa Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế
Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”

Sau hơn 60 năm nghiên cứu, di tích điện Cần Chánh (Đại Nội) - một trong ba ngôi điện quan trọng mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn sẽ được triển khai tu bổ, phục hồi đúng dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 năm nay.

Đếm ngược ngày điện Cần Chánh được “hồi sinh”
Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (Chương trình MTQG 1719), huyện A Lưới đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ di sản vô cùng quý báu này.

Bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 9/11, Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy phối hợp với Trường TH&THCS Dương Hòa (TX. Hương Thủy) tổ chức chương trình truyền thông với chủ đề Hội thi tìm hiểu kiến thức về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho học sinh nhà trường năm 2024.

Truyền thông bảo tồn đa dạng sinh học
Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

Vùng đất phía tây Thừa Thiên Huế không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn nhờ vào sự đa dạng về văn hóa và nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô đã trở thành một biểu tượng đặc sắc, mang trong mình những giá trị lịch sử và tâm linh. Giữa dòng chảy của thời gian, ông Cu Đài, một nghệ nhân điêu khắc gỗ đã nỗ lực hết mình để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này.

Giữ nghề chạm khắc gỗ của đồng bào Pa Cô

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top