ClockThứ Năm, 06/08/2020 15:14

Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá - kỳ 2: Khai phá di sản từ cơ chế đặc thù

TTH - Văn hóa Huế được làm giàu bởi các dòng văn hóa đô thị - văn hóa làng và văn hóa cung đình - văn hóa dân gian, nhưng không có sự đối lập, loại trừ. Do vậy, bên cạnh mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản, việc xây dựng các tiêu chí nhận diện đô thị có tính chất đặc thù là cơ sở để đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, định hướng phát triển để Thừa Thiên Huế trở thành Thành phố di sản trực thuộc Trung ương.

Xây dựng Thành phố di sản & những kỳ vọng đột phá - Kỳ 1: “Đánh thức” di sản

Ca Huế - di sản phi vật thể đặc trưng của Huế

Hình hài đô thị di sản

Thành phố di sản chỉ dừng ở mức khái niệm, Luật Di sản văn hóa cũng như trong các quy định về đô thị ở Việt Nam chưa có bộ tiêu chí nào quy định dẫu ở Việt Nam không chỉ Huế được nhắc đến là Thành phố di sản.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đô thị di sản sẽ được cấu thành từ những bộ phận như: môi trường, cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên được con người thích nghi, khai thác để tạo lập môi trường nhân tạo là thành phố và các khu dân cư; ý tưởng quy hoạch ban đầu xác định thái độ và khả năng thích ứng của con người với tự nhiên và các ý tưởng mới trong quá trình điều chỉnh quy hoạch đô thị; quỹ kiến trúc đô thị; lối sống, phong tục tập quán – di sản văn hóa phi vật thể quan trọng làm nên sắc thái văn hóa đô thị.

Trùng tu lầu Kiến Trung - Đại Nội Huế

Khi xuất hiện khái niệm đô thị di sản thì việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản phải theo xu hướng mới, nó phải đặt trong mối quan hệ mật thiết với khung cảnh, các cấu trúc và không gian cấu thành một đô thị hoàn chỉnh.

Qua quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng từ thực tiễn, chính quyền tỉnh nhận diện 5 tiêu chí về đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản. Đó là, vai trò lịch sử và yếu tố di sản trong chức năng đô thị; số lượng, quy mô di sản, di tích; yếu tố truyền thống trong đô thị; vai trò của di sản trong phát triển kinh tế đô thị; công tác quản lý, bảo tồn di sản. Xét trên những tiêu chí đó, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, Thừa Thiên Huế là đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản với số điểm đạt được khá cao.

“Bên cạnh kiến trúc đặc trưng về các công trình cung đình, lăng mộ, Huế còn lưu giữ được các kiến trúc nhà rường, nhà vườn truyền thống. Đô thị Thừa Thiên Huế thể hiện sự kết hợp hài hòa, nên thơ giữa các yếu tố con người, kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên của vùng đất sông Hương núi Ngự. Ngoài 7 di sản thế giới được UNESCO công nhận, đủ cả 3 loại hình, Thừa Thiên Huế cũng có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt và hơn 500 lễ hội, 88 làng nghề. Đô thị Thừa Thiên Huế lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể như: Ca Huế, lễ hội văn hóa, lễ hội dân gian, lễ hội tôn giáo, ẩm thực, trang phục,… Di sản cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Thừa Thiên Huế. Tỉnh đã thành lập cơ quan chuyên trách về bảo tồn di sản từ năm 1982 và tổ chức thực hiện Quy hoạch bảo tồn di sản, di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phân tích.

Trùng tu, khôi phục vẽ rồng thếp vàng tại các trụ của lầu Ngũ Phụng

Xây dựng cơ chế đặc thù nói cho cùng cũng nhằm bảo vệ và phát huy những giá trị đặc sắc của Cố đô di sản. Huế có nền tảng, thế mạnh từ lịch sử, song ngoài công tác bảo tồn cần tạo ra sự gắn kết hơn nữa giữa văn hóa di sản với du lịch. “Không phủ nhận những nỗ lực của Huế trong việc tôn tạo, trùng tu, gìn giữ, nhưng để di sản hái ra tiền thì cần phát triển du lịch. Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho hoạt động bảo tồn các di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có Huế”, GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia góp ý.

Mở ra hướng đi mới

“Đối với Bộ tiêu chí Thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế, phạm vi đánh giá các tiêu chí nội thành, nội thị sẽ gồm các phường của TP. Huế mở rộng, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy. Tiêu chí về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu chí về mật độ dân số không áp dụng điểm liệt. Mô hình đô thị gồm có 9 đơn vị hành chính là TP. Huế (mở rộng), thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và 5 huyện. Không xem xét tiêu chuẩn về tỷ lệ số quận trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện... Đó là điểm chính về bộ tiêu chí xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương bên cạnh các tiêu chí nhận diện đô thị có tính chất đặc thù về văn hóa đặc sắc và di sản mà Thừa Thiên Huế đang định hướng triển khai, đồng thời kiến nghị đến Quốc hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ thông tin.

Năm 2009, tại Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2020 Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng bây giờ vẫn chỉ là niềm mơ ước của chính quyền lẫn người dân Cố đô.

Bên cạnh những thành quả đạt được, đánh giá tại buổi làm việc giữa Bộ Chính trị với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, Tờ trình do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn chỉ rõ, Thừa Thiên Huế phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ; hệ thống đô thị phát triển chậm; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ; chưa đạt được mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị Quyết 54, vẫn là định hướng xây dựng mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Sau nhiều hội thảo, buổi họp, các Ủy viên Bộ Chính trị khẳng định: Nếu áp dụng bộ tiêu chí xét công nhận thành phố trực thuộc Trung ương cho Thừa Thiên Huế như hiện nay không còn phù hợp. Huế cần xây dựng mô hình đô thị nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Tính chất di sản của Huế là kinh đô triều Nguyễn, song Huế còn là thành phố theo hình thái kiến trúc đô thị phương Tây sớm nhất Việt Nam, tạo nên một đô thị độc đáo. Nhiều chuyên gia, nhà kinh tế cho rằng, đô thị Huế cần phát triển thành vùng lõi của đô thị di sản Thừa Thiên Huế trong tương lai; nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch; khai thác hiệu quả vùng đầm phá Tam Giang cầu Hai; phát triển các dịch vụ đô thị thông minh…; quan tâm đích đáng cho việc bảo tồn văn hóa phi vật thể và cảnh quan thiên nhiên. Các yếu tố đó có vai trò quan trọng tạo nên “trục quy hoạch” quyết định sự hình thành và phát triển di sản đô thị Huế trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Tại hội thảo xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, GS.TS. Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia góp ý: “Từ những nền tảng, giá trị của Huế cần xây dựng và thực hiện những cơ chế đặc thù cho các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản. Nghiên cứu xây dựng và thực hiện chiến lược khai thác kinh tế di sản; khuyến khích việc thực hiện mô hình hợp tác công tư nhằm khai thác giá trị cho kho tàng di sản theo hướng phát triển bền vững, song cần phân biệt rạch ròi giữa khai thác di sản và quản lý Nhà nước về di sản”.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải, tiến trình xây dựng đô thị di sản Huế sẽ bao gồm nhiều loại hình di sản khác nhau. Song, trọng tâm là Quần thể di tích Cố đô Huế gắn liền với sông Hương, từ thượng nguồn đến khu vực trung tâm thành phố, kéo dài đến phố cổ Bao Vinh. “Chính quyền lẫn người dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước với công tác bảo tồn di sản văn hóa. Tập trung nguồn lực trùng tu các công trình, kiến trúc trọng điểm, đối với những công trình khó phục hồi sẽ tiến hành dựng biển giới thiệu điểm đến. Tiến hành kiểm kê, số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể để vừa giữ gìn vừa phát huy giá trị. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng hồ sơ di sản ca Huế, di sản ẩm thực Huế đệ trình UNESCO di sản phi vật thể đại diện cho nhân loại… Tất cả những điều đó nhằm xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản đặc thù trực thuộc Trung ương”, ông Hải cho biết.

Bài: Lê Thọ - Ảnh: Đăng Tuyên

Kỳ 3: Nắm bắt thời cơ “vàng”

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

TIN MỚI

Return to top