ClockThứ Sáu, 01/05/2015 07:21

Xem danh họa Lê Bá Đảng vẽ về chiến tranh

TTH.VN - Khi cả nước đang nao nức hướng về 40 năm giải phóng đất nước, triển lãm “Chiến tranh trong nghệ thuật Lê Bá Đảng” được trưng bày tại Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng từ ngày 24/4 đến 20/5 như là sự ghi nhận tấm lòng của một họa sĩ tài danh luôn đau đáu nhớ về quê hương.

Với hơn 70 tác phẩm vẽ về đề tài chiến tranh được họa sĩ Lê Bá Đảng thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, như: tranh sơn dầu, điêu khắc trên gốm, gỗ, xác máy bay B52, người xem có thể cảm nhận được sự đau thương, mất mát và tàn khốc của chiến tranh cũng như tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc Việt Nam để giành độc lập chủ quyền.


Tác phẩm “Tiến vào Điện Biên Phủ”.

Xem “Chiến tranh trong nghệ thuật Lê Bá Đảng”, có thể thấy quê hương luôn là nỗi niềm day dứt và là nguồn cảm hứng chủ đạo trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Lê Bá Đảng. Khi quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh, họa sĩ đã dùng cây cọ làm vũ khí chống giặc, để “lột tả” nỗi niềm yêu nước sâu sắc của một nghệ sĩ xa quê luôn hướng về Tổ quốc. Những nỗi đau, sự hy sinh mất mát, sự tàn khốc của chiến tranh cũng như tinh thần chiến đấu bất khuất, lạc quan, tràn đầy niềm tin chiến thắng của dân tộc Việt Nam được ông thể hiện qua các chủ đề, như: Hậu quả chiến tranh, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hạt gạo Trường Sơn, Đường mòn Hồ Chí Minh, Bàn chân Giao Chỉ…

Dù chỉ vẽ bằng trí tưởng tượng nhưng họa sĩ Lê Bá Đảng đã khắc họa con đường huyền thoại Hồ Chí Minh chân thực, sống động qua những bức tranh trong bộ sưu tập “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Hầu như với bất cứ bức tranh nào thuộc chủ đề này, bên những đường nét khúc khuỷu, hiểm trở, chông gai của địa hình Trường Sơn được thể hiện qua sắc màu đen – trắng, họa sĩ kẻ một đường đỏ thắm xuyên qua. Đường chỉ đỏ chính là con đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, con đường huyết mạch để tìm cách sống, chiến thắng kẻ thù.

Điểm độc đáo của bộ sưu tập “Đường mòn Hồ Chí Minh” là họa sĩ Lê Bá Đảng vẽ rất nhiều tác phẩm (riêng ở Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng đã có 70 tác phẩm) như là một bản trường ca vẽ mãi vẫn không kết thúc. Điều đó cho thấy nỗi niềm yêu nước luôn đau đáu trong lòng họa sĩ.


Tác phẩm “Đường mòn Hồ Chí Minh”


Danh họa Lê Bá Đảng từng tâm sự rằng: “Đồng bào tôi mở ra con đường mòn từ Bắc đến Nam với tài trí sức lực để tìm lẽ sống. Tôi đắp con đường với màu sắc, với mỹ thuật để tỏ lòng kính trọng những ai đã không tiếc máu xương với con đường này. Tôi đưa vào đấy tất cả tâm hồn, tài nghệ và tấm lòng cao hãnh, kính trọng những con người không chịu khuất phục”.

Với bộ sưu tập “Chiến thắng Điện Biên Phủ” gồm 12 tác phẩm được vẽ bằng mực tàu, họa sĩ đã vẽ cảnh quân và dân ta đang chiến đấu, ăn mừng chiến thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hoặc với tác phẩm “Thời đại Hùng Vương đến Hồ Chí Minh”, họa sĩ đã thể hiện quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta…

Dù ở bất cứ thể loại hay chất liệu nào, những tác phẩm về đề tài chiến tranh đã được họa sĩ Lê Bá Đảng thể hiện rất riêng với những gam màu hiện hữu đầy tâm trạng của một người nặng lòng với quê hương. Đó chính là cái tài tình, độc đáo của Lê Bá Đảng; là vẻ đẹp đầy bản sắc dân tộc, tình yêu quê hương trong nghệ thuật Lê Bá Đảng, bà Đinh Thị Hoài Trai, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng chia sẻ.

Vẽ tranh chưa đủ thể hiện tất cả những điều nung nấu trong lòng, họa sĩ Lê Bá Đảng đã dùng xác máy bay B52 của Mỹ bị quân dân ta bắn rơi khi đang oanh tạc trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972 (được đồng chí Xuân Thủy – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam – mang sang Pháp tặng) để tạo hình nên tác phẩm độc đáo “Châu chấu đá voi”. Hai câu thơ: “Nực cười châu chấu đá voi / Tưởng là chấu ngã ai ngờ voi nghiêng” được họa sĩ viết trên tác phẩm càng khẳng định tinh thần quyết chiến quyết thắng, đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam không chịu lùi bước trước thế lực hùng mạnh.

Được sáng tác năm 1974, ngoài giá trị về nghệ thuật, tác phẩm trên mang đậm ý nghĩa lịch sử và đã được triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, đem lại tiếng vang rất lớn vào thời điểm ấy. Ngoài ra, họa sĩ Lê Bá Đảng đã cùng với những họa sĩ nổi tiếng thế giới, như: Picasso, Matta… kêu gọi các văn nghệ sĩ, trí thức trên thế giới tham gia vào “Ngày vì trí thức Việt Nam”, ký vào văn bản để đấu tranh vì hòa bình và chống chiến tranh ở Việt Nam.


Tác phẩm “Châu chấu đá voi”.

Xem triển lãm, họa sĩ Võ Xuân Huy, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế cảm nhận: “Tôi như khám phá lại Lê Bá Đảng một lần nữa và ngày càng quý trọng ông hơn. Họa sĩ Lê Bá Đảng đã làm tròn nhiệm vụ của một người nghệ sĩ, người con xa quê hương. Không thể trực tiếp cầm súng ra chiến trường, ông chính là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, hành động cụ thể bằng nghề nghiệp của mình để phản đối chiến tranh và thực sự hiệu quả vì thời điểm ấy Hội nghị Paris diễn ra ở Pháp. Trong nghệ thuật, họa sĩ Lê Bá Đảng đã cập nhật được các trào lưu đương đại thời bấy giờ, ví như việc kết hợp giữa chữ và hình vẽ hay dùng mảnh vỡ của máy bay để sáng tác vào năm 1974 là rất mới mẻ”.

Là người đã làm bộ phim tài liệu về họa sĩ Lê Bá Đảng, NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Họa sĩ Lê Bá Đảng là người xa quê hương rất lâu nhưng luôn gắn bó với đất nước, đặc biệt là trong thời gian chiến tranh. Dù không có mặt ở đây nhưng tâm hồn ông luôn sống với những khổ đau, với cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân. Từ đó, ông sáng tác nhiều tác phẩm về chủ đề này rất xúc động. Trong phim có đoạn ông kể, một tháng sau khi đất nước thống nhất, ông đã xin phép được đi trên đường mòn Hồ Chí Minh. Chuyến đi đó mang lại cho họa sĩ Lê Bá Đảng nhiều cảm xúc để vẽ nên những bức tranh về đề tài chiến tranh”.

Trang Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”

Buổi Tọa đàm ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” với sự tham gia của tác giả, diễn giả Amandine Dabat - TS. Lịch sử Nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi, diễn ra ngày 5/11, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Đại Nội Huế.

Ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”
Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh

Họa sĩ xứ Huế - Trần Vĩnh Thịnh đã đưa triển lãm “Một mùa thu chưa xa” của mình đến với công chúng yêu nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh. Triển lãm khai mạc chiều 3/11 tại không gian Maii Art Space (72/7 Trần Quốc Toản, quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Có “Một mùa thu chưa xa” rất riêng của Trần Vĩnh Thịnh
Bên ngoài ô cửa có mây bay

Cơn đau bất ngờ ập đến khiến cả người Trúc toát hết mồ hôi lạnh. Cô đưa tay giật chiếc khăn trùm vướng víu trên đầu. Từng giọt mồ hôi túa ra như hạt đậu trên chiếc đầu không còn một sợi tóc của Trúc.

Bên ngoài ô cửa có mây bay
Đóa quỳnh hương của ca Huế

Đã thành thông lệ, vào mỗi tối thứ ba hàng tuần tại Câu lạc bộ (CLB) Ca Huế thính phòng 25 Lê Lợi thuộc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thừa Thiên Huế, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Quỳnh Hoa lại đến sớm để xông một lư trầm nhỏ trên vuông chiếu thính phòng trước giờ biểu diễn. Đó là hình ảnh thân thương và quen thuộc của NNƯT Quỳnh Hoa trong lòng những thành viên CLB và khách tri âm.

Đóa quỳnh hương của ca Huế

TIN MỚI

Return to top