|
Cô cá Dory, nhân vật phụ được yêu thích nhất từ khi “Finding Nemo” được công chiếu. Ảnh: Screenrant
|
Lấy cảm hứng từ “Finding Nemo”, bộ phim xoay quanh chuyến phiêu lưu của ông bố Marlin xuyên qua đại dương tìm lại đứa con Nemo thất lạc, “Finding Dory” là chuyến phiêu lưu của cô cá Dory để tìm lại gia đình của mình. Dù mắc chứng mất trí nhớ ngắn hạn (short-term memory loss) nhưng đến một ngày, Dory bỗng nhớ được nơi mình sinh ra và cô biết rằng gia đình đang chờ cô quay trở về. Vậy là chuyến hành trình của Dory bắt đầu cùng với sự giúp đỡ của Marlin và Nemo, họ tìm đến Viện Hải dương học (Marine Life Institue) – nơi Dory được sinh ra. Từ đây, Dory bắt đầu lắp ghép những mảnh kí ức mà cô đã đánh mất từ thuở nhỏ và tự mình tìm đường về với gia đình.
Mang tiếng cười đến các bạn nhỏ
Với tạo hình các loài sinh vật biển, “Finding Dory” đem đến cho các bạn nhỏ trải nghiệm thú vị dưới lòng đại dương với chú cá hề Nemo, ông bạch tuộc Hank, hay cô cá mập voi Destiny-người bạn thời thơ ấu của Dory…
Không chỉ dừng lại ở tạo hình, mỗi sinh vật đều có những hành động đặc trưng riêng, mà khi bắt đầu thể hiện, chắc chắn sẽ mang lại những tràng cười sảng khoái cho các bạn nhỏ. Đó là anh bạn cá voi trắng Bailey với khả năng định vị bằng sóng âm, cô bạn Destiny bị cận thị luôn bơi đụng tường, ông bạch tuộc Hank với khả năng ngụy trang thành bất cứ thứ gì …
|
Ngài bạch tuộc Hank chuẩn bị bước vào một cuộc phiêu lưu không tính trước. Ảnh: Collider
|
Để người lớn lắng đọng
“Finding Dory” chính là phần tiếp theo của bộ phim “Finding Nemo”, tuy nhiên với những fan trung thành của hãng phim hoạt hình nổi tiếng Pixar, họ luôn hy vọng vào một sản phẩm sáng tạo và đột phá, chứ không phải ăn theo lối mòn như các bộ phim “phần 2” gần đây, như “Cars 2”, “Monster University”. Và lần này, họ đã không thất vọng.
Đầu tiên phải kể đến việc tạo ra một nhân vật phụ mới – ngài bạch tuộc Hank. Hank ở “Finding Dory” cũng có vai trò giống như chính Dory trong “Finding Nemo”, một trợ thủ đắc lực, người bạn đồng hành đáng tin cậy, thậm chí là linh hồn của bộ phim. Ngài Hank ngẫu nhiên bị cuốn vào cuộc phiêu lưu của Dory ở Viện Hải dương học vì 1 tấm thẻ “nghỉ hưu” được vô tình gắn vào cô cá của chúng ta. Từ đó, Hank với khả năng ngụy trang tuyệt vời hết lòng giúp đỡ Dory tìm lại gia đình, tìm lại những mảnh ghép kí ức đã mất từ lâu. Nhờ Hank, bộ phim trở nên mượt mà và lôi cuốn người xem cho đến những phút cuối cùng.
“Finding Dory” còn là bài học về gia đình, mỗi người đều có 1 gia đình và chúng ta có thể làm tất cả để trở về, để đoàn tụ. Nếu “Finding Nemo” là chuyến phiêu lưu của Marlin để mang Nemo trở về, thì “Finding Dory” là chuyến phiêu lưu của mỗi nhân vật với mong muốn tìm về gia đình. Ông bạch tuộc Hank giúp Dory tìm về nhà và cũng chính Dory đã giúp Hank tìm thấy số phận của mình, không phải chỉ trốn trong chiếc bể nhỏ, mà là một đại dương rộng lớn.
12 năm là quãng thời gian thực sự dài để làm tiếp một bộ phim kế nhiệm. Vì vậy, “Finding Dory” mắc phải cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm. 30 phút đầu phim, các câu thoại khơi gợi lại phần phim trước và lặp lại các trò đùa đã cũ. Ý đồ muốn gợi lại những ký ức ngày xưa của người xem “Finding Nemo” đã thất bại, khi các câu thoại thậm chí không gây được ấn tượng cho người lớn mà còn làm các bạn nhỏ không hiểu và mất tập trung vào bộ phim. Đây thực sự là một điểm trừ lớn cho bộ phim, khi cả 2 đối tượng mà bộ phim hướng đến đều có khả năng thất vọng với những phút đầu phim. Thế nhưng, xét về tổng thể, “Finding Dory” vẫn là một bộ phim hoạt hình đáng xem, là sự lựa chọn thích hợp cho các gia đình để mở đầu cho mùa phim hè năm nay.
Hãy đưa các em nhỏ đến đúng giờ chiếu phim để có thể thưởng thức thêm bộ phim ngắn mới của Pixar có tên “Piper”. Còn đối với các fan hâm mộ lâu năm, hãy để phù thủy cảm xúc Pixar thực hiện công việc của họ. Biết đâu đấy, “Finding Dory” chính là sự khởi đầu của chuyến hành trình tìm về bản sắc của Pixar: sáng tạo và nguyên bản.
Trailer bộ phim “Finding Dory”. Nguồn: Youtube
Lê Thảo