ClockThứ Năm, 09/03/2017 05:51

Vực dậy nghề biển

TTH - Sử dụng tiền bồi thường sự cố môi trường biển đúng mục đích đã vực dậy các làng nghề truyền thống sau sự cố môi trường biển.

Khai thác thủy sản gần bờ đang dần hồi phục

Khôi phục nghề chế biến nước mắm

Làng nghề chế biến nước mắm Phú Thuận (Phú Vang) có đến 115 cơ sở chế biến nước mắm với hàng trăm lao động thường xuyên; nức tiếng không chỉ thơm ngon, tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu sang các nước Mỹ, Úc, Canada. Từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, làng nghề rơi vào khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngừng trệ do khó tiêu thụ.

Anh Trần Quốc Tín, chủ cơ sở chế biến nước mắm Quốc Tín chia sẻ: “Ảnh hưởng sự cố môi trường biển nên tàu thuyền nằm bờ,  nguyên liệu chế biến hầu như không có. Cơ sở có khoảng 20 lu chậu chứa mắm thì một nửa bỏ không vì thiếu nguyên liệu; số còn lại tuy có nguyên liệu nhưng lại “trùm chăn” vì chế biến ra bán chẳng ai mua”.

Người dân Phú Thuận đầu tư khôi phục làng nghề nước mắm    

 Với sự vào cuộc của các cấp, ban ngành trong việc tuyên truyền, vận động, lấy lại niềm tin cho người dân trong việc sản suất, tiêu thụ sản phẩm, làng nghề chế biến nước mắm sớm phục hồi. “Nhận tiền bồi thường mấy chục triệu đồng, tui đầu tư hết vào việc mua cá ủ mắm. Một số lu chậu, thiết bị chế biến hư hỏng, xuống cấp đều được thay mới. Sản phẩm đã tiêu thụ trở lại bình thường, mỗi tháng đến hàng ngàn lít nước mắm”, anh Tín chia sẻ.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận thông tin, đền bù đợt  1, người dân xã Phú Thuận nhận gần 14 tỷ đồng tiền bồi thường. Người dân dồn hết số tiền này vào việc mua nguyên liệu, cải tạo, nâng cấp lu chậu, các thiết bị chế biến nước mắm. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ mạnh trên địa bàn tỉnh mà còn xuất đi nhiều thị trường trong cả nước.

Ông Đoàn Thao, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Vang thông tin, không riêng ở Phú Thuận, phần lớn người dân trên địa bàn huyện Phú Vang sau khi nhận được tiền bồi thường đều sử dụng đúng mục đích. Trong đó, các làng nghề chế biến biến nước mắm truyền thống ở Thuận An, Phú Hải, Phú Diên... được người dân quan tâm khôi phục, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Đầu tư ngư lưới cụ

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong đợt 1, toàn tỉnh có khoảng 18 ngàn đối tượng bị thiệt hại được chi trả với số tiền 316,6 tỷ đồng. Trong đợt 2, Chính phủ tạm cấp cho tỉnh 200 tỷ đồng để chi trả bồi thường cho người dân. Công tác chi trả đợt 2 đang được tiến hành. Qua kiểm tra tình hình, sau khi nhận tiền bồi thường đợt 1, người dân chủ yếu mua sắm ngư cụ, khôi phục các ngành nghề truyền thống...

Khi người dân nhận tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, ngành nông nghiệp và các địa phương lồng ghép tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân sử dụng tiền đúng mục đích, mua sắm ngư lưới cụ, khôi phục sản xuất.

Anh Nguyễn Cư ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ: “Anh em tui nhận hơn 17 triệu đồng tiền bồi thường đợt 1, vừa mua sắm thêm lưới trích, nục, bạc má, cá khoai... Đây là các loại cá sống tầng nổi, người dân tiêu thụ bình thường”.

Trước đây, thuyền của anh Cư chỉ có 5 tay lưới, chiều cao khoảng 3-4 mét, mới đây anh mua thêm 5 tay, mở rộng chiều cao lên gấp đôi, hiệu quả thấy rõ. Anh Cư cho biết, trước đây chủ yếu đánh cá nục, trích, từ khi mở rộng lưới còn đánh bắt thêm cá khoai và nhiều loại cá tầng nổi khác. Ngoài các nghề đánh bắt vào mùa biển lặng, anh Cư cũng như nhiều hộ dân ở Phong Hải còn mua sắm thêm nghề đánh bắt mùa biển động, như lưới “chạy vét”, “lưới buôi”, câu cá ong...

Anh Trần Hiền ở thôn 11, xã Điền Hòa cho biết, từ khi xảy ra sự cố môi trường biển, thuyền nằm bờ, phơi nắng nên hư hỏng, xuống cấp trầm trọng. Nhận hơn 8 triệu đồng tiền bồi thường đợt 1, anh đều dành cho việc sửa chữa lại thuyền, mua thêm 3 tay lưới và sắm nghề câu cá ong gần bờ. Tuy những ngày mưa lạnh, biển động nhưng anh Hiền vẫn có thu nhập đều.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, xã có hai thôn vùng biển, đời sống người dân chủ yếu dựa vào đánh bắt gần bờ. Quá trình chi trả tiền bồi thường thiệt hại, chính quyền địa phương vận động người dân đầu tư mua sắm, nâng cấp lưới cụ để khai thác có hiệu quả. Qua kiểm tra, hầu hết người dân đều sử dụng kinh phí bồi thường đúng mục đích, có hiệu quả.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nương nhờ con nước

Bãi bờ gió lạnh rạt từng cơn, lưa thưa vài chiếc thuyền nan tựa lưng vào rặng dương liễu. Những ngày sau tết, con nước vẫn lớn, mưa lất phất bay, ông Ái đi dọc bờ biển mà ngó. Dường như ông đang nguyện cầu một điều gì đó…

Nương nhờ con nước
Tạo sự ràng buộc trong khâu tiêu thụ

Những cơn bão ập đến cùng là lúc hành trình vươn khơi tạm ngưng. Lúc này, đội tàu hậu cần nghề cá các địa phương cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ đông. Nhìn lại mùa biển gian khó, ở đâu đó còn nỗi âu lo.

Tạo sự ràng buộc trong khâu tiêu thụ

TIN MỚI

Return to top