ClockChủ Nhật, 31/12/2017 10:25

Xét tuyển kết hợp với thi vào đầu cấp: Các trường top trên hào hứng

Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp hằng năm luôn là tâm điểm chú ý của dư luận. Ngay ở thời điểm cuối năm 2017, những sửa đổi, bổ sung trong Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông khiến chính người trong ngành giáo dục - đào tạo cũng không khỏi băn khoăn.

Trường “hot” hào hứng với đề xuất “nới lỏng”

Tròn 3 năm sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) siết chặt việc thi tuyển đầu cấp, hình thức đánh giá năng lực vừa được đề xuất như một hình thức nới lỏng các tiêu chí đánh giá đầu vào học sinh của các trường trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT).

Thi tuyển đầu cấp giúp nhà trường tuyển được học sinh có chất lượng và nắm bắt được trình độ của các em để có cách dạy học hiệu quả nhất. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Cụ thể, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa được công bố lấy ý kiến hoàn thiện, dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh học sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì không thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, Bộ GD - ĐT nhấn mạnh quy định: Việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến tuyển sinh được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.

Như vậy, với nhiều trường “hot” về tuyển sinh tại các thành phố lớn hiện nay, đây được xem là hình thức “nới lỏng”, rộng cửa cho các phương án tự chủ tuyển sinh. 

Trước đó, các trường chất lượng tốt của Hà Nội như: Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Tiểu học Thực nghiệm, THPT liên cấp Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu... đều đã phải loay hoay đưa ra rất nhiều tiêu chí phụ để có thể xét tuyển được vài trăm học sinh phù hợp trong số hàng nghìn bộ hồ sơ “điểm tốt”. 

Đơn cử như trường THPT Lương Thế Vinh có chỉ tiêu tuyển sinh 600 học sinh vào lớp 6 năm học 2017 - 2018, nhưng số lượng hồ sơ bán ra tới 4.000 bộ. Trong đó thậm chí có tới 1.000 hồ sơ toàn điểm 10. Để có thể chọn lựa được học sinh đầu cấp, trường đã phải đưa ra rất nhiều tiêu chí cộng điểm ưu tiên, trong đó thậm chí có cả thành tích trong các cuộc thi thể thao, văn nghệ, mỹ thuật hay tiêu chí có bố mẹ, anh chị em ruột là học sinh cũ của trường. Chính vì lẽ đó, Lương Thế Vinh cũng là trường ủng hộ dự thảo đánh giá năng lực với học sinh đầu cấp. Theo thầy Phạm Trung Dũng - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, cách đánh giá này sẽ đảm bảo tính chính xác và công bằng hơn khi tuyển sinh vào các trường có hồ sơ nhiều hơn so với chỉ tiêu.

Theo thầy Dũng, với bài thi đánh giá năng lực, dù hiện tại chưa có hướng dẫn chính thức, nhà trường có thể sử dụng phương thức cũ từng áp dụng các hình thức như phỏng vấn, kiểm tra trắc nghiệm. Về mức kiến thức trong đánh giá năng lực cũng có thể là các kiến thức xã hội, các kiến thức vệ tinh xoay quanh các kiến thức bậc tiểu học sẽ giúp các em học sinh không phải học thêm.

Cũng ở mùa tuyển sinh 2017 - 2018, trường THCS Nguyễn Siêu có bài khảo sát gần như bài phỏng vấn nhưng kiến thức tổng hợp viết bằng tiếng Anh, đây cũng được cho là hình thức tuyển sinh gần như triệt tiêu việc dạy thêm, học thêm các môn văn hóa bậc tiểu học.

Như vậy, có thể thấy, các trường vẫn rất cần các văn bản hướng dẫn quy định cách thức xét tuyển năng lực cụ thể trong năm học tới.

Đánh giá năng lực có làm loạn thi cử? 

Trước ý kiến cho rằng nếu cho phép đánh giá năng lực, có thể tái diễn chuyện ôn thi, luyện thi, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD - ĐT) nhìn nhận chuyện này vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, các trường đặc thù nên tuyển sinh bằng phương án làm bài kiểm tra đánh giá năng lực kiến thức tổng hợp vì kết quả ít phụ thuộc vào chuyện học thêm. Theo ông, qua 3 năm triển khai Thông tư số 11/2014/TT - BGD - ĐT về quy chế tuyển sinh đầu cấp THCS và THPT đã tạo điều kiện cho các sở GD - ĐT và các cơ sở giáo dục tự chủ trong tuyển sinh khá nhiều.

Giải thích rõ hơn về khái niệm “đánh giá năng lực”, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD - ĐT) chia sẻ: "Đánh giá năng lực học sinh hoàn toàn khác so với đánh giá kiến thức bởi kiến thức là nguyên liệu để hình thành nên năng lực. Như vậy, đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh thu nạp được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể".

Theo ông Thành, khi thực hiện bài đánh giá năng lực, điều quan trọng nhất, đó là không phải giao cho học sinh làm một bài toán, một bài thi ngôn ngữ mà cần kiểm tra cách các em sử dụng những tri thức học được trên ghế nhà trường vào trong bài thi của mình. Do đó, các thầy các cô không nên chỉ chú trọng tới việc trang bị kiến thức cho học sinh mà phải làm sao để học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống phù hợp.

"Năng lực không thể nào hình thành và phát triển trong một giai đoạn ngắn. Chính vì vậy, theo quy định của Bộ, các thầy cô giáo cần chú trọng tới việc phát triển năng lực của các em trong suốt quá trình dạy học", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Trao đổi bên lề Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2017 - 2018 về giáo dục thường xuyên, ông Phạm Văn Đại - Phó GĐ Sở GD - ĐT Hà Nội chia sẻ, Sở đồng tình với phương án tổ chức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực. Theo đó, Sở GD - ĐT Hà Nội sẽ tính toán phương án phù hợp nhất khi Bộ có văn bản quy định chính thức về việc này. 

Theo ông Đại, trên thực tế, việc học cần kết hợp với thi để tăng hiệu quả học tập. Trước lo ngại việc ôn thi, luyện thi sẽ tái diễn khi Bộ GD - ĐT “nới lỏng” việc đánh giá năng lực đầu vào, ông Đại khẳng định ngay cả khi chỉ xét tuyển thì các trung tâm luyện thi tại Hà Nội vẫn hoạt động bình thường  bởi nhu cầu học của học sinh và nguyện vọng cho con đi học là thường xuyên. Vì vậy, quan trọng hơn cả là phương án tuyển sinh. Ngay khi Bộ cho phép khảo sát thì Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể tới các trường trung học trên địa bàn không để mỗi trường đề xuất một đề án riêng.

Đề xuất xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực vào lớp 6 cùng với yêu cầu tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh, không được sử dụng thành tích của học sinh trong các cuộc thi do Sở GD - ĐT chủ trì hoặc Sở cử tham gia cuộc thi quốc tế vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh từ năm học 2017 - 2018, tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp học từ năm học 2018 - 2019 là những bước đi rành mạch tiến tới một kỳ tuyển sinh chính xác, hiệu quả và công bằng.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ: Đảm bảo công bằng cho thí sinh

Bước sang mùa tuyển sinh năm 2024, các trường đại học tốp đầu trên cả nước có xu hướng giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ, thậm chí một số trường đã bỏ phương án này trong Đề án tuyển sinh. Nhiều chuyên gia giáo dục bày tỏ sự đồng tình với quyết định này, nhằm đảm bảo sự công bằng và chất lượng trong xét tuyển.

Giảm dần chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ Đảm bảo công bằng cho thí sinh
Return to top