ClockThứ Sáu, 10/02/2023 15:39

An nghỉ, không hề dễ dàng

“Hỗ trợ y tế, tinh thần, tâm linh… là mục tiêu của chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân” . Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Cuối năm rồi, tôi lại có dịp sang Singapore dự một hội nghị khoa học thường niên về ung thư sau hai năm bị “khóa chân” vì đại dịch. Kể từ lần đầu tiên cách đây đúng 15 năm nhận được học bổng tu nghiệp, tôi có nhiều dịp trở lại đảo quốc Sư tử, nhưng chuyến đi lần này lại cho tôi một nỗi xốn xang ngậm ngùi: tôi không còn có thể gặp lại cô giáo thân thương, giáo sư Cynthia Goh, nguyên Trưởng khoa Nội Chăm sóc giảm nhẹ tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore. Cô đã mất hồi đầu năm (ngày 13/2/2022) vì ung thư tuyến tụy.

Có thể nói, khoảng thời gian tu nghiệp tại Singapore đã mở ra cho tôi một hướng đi mới, trong một chuyên ngành mới: chăm sóc giảm nhẹ (palliative care). Những trải nghiệm thực tế đã giúp tôi vỡ ra nhiều điều, từ khái niệm cơ bản cho đến những thực hành lâm sàng, để từ đó tôi quay trở lại truyền thụ cho các thế hệ học trò tiếp cận chuyên ngành y học mới mẻ nhưng hết sức nhân văn này.

Trong những ngày trọ học tại Singapore, tôi đã viết nhiều tùy bút về những trải nghiệm học hành nơi các bệnh viện, dưỡng đường trên khắp thành phố Sư tử nước, trong đó có loạt bài “Chết như thế nào”, “Lời nguyện cầu”… đề cập đến những ước muốn, những trông đợi của bệnh nhân và gia đình họ trong hành trình cận tử. Ở đó, lần đầu tiên tôi biết và chia sẻ khái niệm “Chất lượng Chết” (Quality of Death) mà đến nay trở thành một trong những mục tiêu cần đạt được của công việc chăm sóc cuối đời (hospice care), đặc biệt là chăm sóc cuối đời cho bệnh nhân ung thư. Là một phần của chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời là những hoạt động hỗ trợ y tế, tâm lý, tâm linh… diễn ra trong giai đoạn cận tử của bệnh nhân, giúp bệnh nhân có được một cái chết êm dịu, thoải mái và bảo toàn nhân phẩm. Chứng kiến một cái chết có chất lượng của bệnh nhân, sẽ giúp cho người thân của họ không bị ám ảnh, dằn vặt, đau đớn vì mất mát, không để cho người thân trở thành một "bệnh nhân phái sinh” (secondary patient), một “bệnh nhân trong nay mai” (patient in future) vì những khủng hoảng và những chứng bệnh rối loạn do mất mát. Thứ bảy tuần thứ hai của tháng 10 hàng năm được Tổ chức Y tế thế giới chọn là Ngày Quốc tế Chăm sóc giảm nhẹ và Chăm sóc cuối đời.

 Những điều hay ho ý nghĩa và rất mới ấy tôi may mắn được học từ giáo sư Goh, từ cách cô khám bệnh và tư vấn, đi thăm bệnh hàng ngày, và cách cô truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm… cho đồng nghiệp và học trò. Mà đồng nghiệp và học trò của cô thì nhiều vô kể, vì giáo sư Cynthia Goh đồng thời là chủ tịch Mạng lưới Chăm sóc giảm nhẹ - Chăm sóc cuối đời châu Á - Thái Bình Dương (APHN). Năm 2016, nhân Hội nghị phòng, chống ung thư thường niên Huế, tôi ngỏ lời thỉnh cầu và cô đã đồng ý tổ chức cuộc họp lớn của APHN ngay tại Bệnh viện Trung ương Huế nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và ngành y về tầm quan trọng của y học chăm sóc giảm nhẹ tại Việt Nam. Năm đó, gần 20 chuyên gia hàng đầu về chăm sóc giảm nhẹ từ các nước châu Á - Thái Bình Dương đã tề tựu về Huế, để họp, để giảng bài, để báo cáo khoa học. Tôi xem đó là món quà đặc biệt và đến bây giờ vẫn không thôi cảm kích vì tình cảm mà cô Goh đã dành cho cậu học trò Việt Nam là tôi.

 Giáo sư Cynthya Goh đã dành cả cuộc đời mình để phát triển và cung cấp dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ cho Singapore và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cô đã không ngừng theo đuổi, thuyết phục tất cả các đối tượng từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, các bác sĩ, nhân viên y tế, các tổ chức y tế, trường đại học và cả các chính phủ rằng, tất cả chúng ta ai cũng cần được chăm sóc giảm nhẹ tốt. Cô thường tâm sự với chồng là giáo sư Goh Hak Su, một bác sĩ ngoại khoa tiêu hóa: “Trên đời này đã đủ đau khổ cho người sống rồi, chúng ta đâu cần thêm khổ đau cho những người sắp chết?”.

Oái ăm là vòng xoay số phận, cô Cynthia mắc bệnh ung thư tuyến tụy và bản thân phải chăm sóc giảm nhẹ tại nhà trong ba tháng cuối đời. Bạn bè và đồng nghiệp đã không mệt mỏi cung cấp sự điều trị và hỗ trợ tốt nhất có thể để giúp cô tiếp tục làm việc, giảng dạy, tận hưởng thời gian còn lại bên gia đình và sống cuộc sống của mình một cách đàng hoàng mà không sợ hãi hay đau đớn. Tuy vậy, có những lúc cô nói với thầy, rằng “Chết không hề là điều dễ dàng”. Tôi bần thần nhớ lại những ngày thực tập tại Sigapore, trong hồ sơ những bệnh nhân vừa tử vong hôm trước, sau chuỗi ngày dài được chăm sóc một cách chuyên nghiệp và tận tụy, sẽ được ghi chú bên cạnh bằng chữ “R.I.P” thật đơn sơ nhưng thành tâm như một lời nguyện cầu, Rest In Peace (An Nghỉ). Cô Goh ơi, an nghỉ - không hề là điều dễ dàng.

 Để tôn vinh những cống hiến cả đời và tiếp tục di sản của cô, gia đình và đồng nghiệp tại Trung tâm Ung thư Quốc gia Singapore đã xúc tiến thành lập Viện Chăm sóc Giảm nhẹ Toàn cầu Cynthia Goh nhằm xây dựng và thúc đẩy chuyên ngành y học chăm sóc giảm nhẹ thông qua đào tạo, nghiên cứu, hợp tác quốc tế không chỉ tại Singapore mà cả trên quy mô khu vực và toàn cầu, đặc biệt tại các nước thu nhập trung bình và thấp. Và như vậy, hành trình của cô vẫn tiếp diễn, vì vẫn còn nhiều việc phải làm, ngay cả ở Singapore một trong những nước có những dịch vụ y tế tốt nhất khu vực. Tâm hồn quảng đại và tận tụy của giáo sư Cynthia Goh mong muốn ngày càng nhiều người hơn được tiếp cận dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ có chất lượng và quyền được chết một cách tử tế.

Tôi vẫn hằng mong một hệ thống như thế được phát triển ở Việt Nam.

PHẠM NGUYÊN TƯỜNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Singapore tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á năm 2024

Theo Chỉ số Thành phố Thông minh 2024 vừa được Viện Quản lý phát triển quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố, Singapore là thành phố thông minh thứ 5 trên thế giới, tăng 2 bậc so với bảng xếp hạng năm 2023. Đồng thời, đây cũng tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á và là thành phố châu Á duy nhất lọt vào top 10, đánh bại các thành phố như Bắc Kinh, Đài Bắc và Seoul.

Singapore tiếp tục là thành phố thông minh nhất châu Á năm 2024
Return to top