ClockThứ Năm, 12/10/2017 12:31

Áp lực của bác sĩ trưởng trạm

TTH - Hàng ngày, ngoài công việc khám - chữa bệnh, trực trạm, các bác sĩ còn phải đi họp, đón tiếp các đoàn việc làm việc, thanh tra, kiểm tra… Cường độ làm việc quá nhiều, không có thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, trong khi đó thu nhập chẳng là bao.

Bác sĩ trưởng trạm y tế xã Lộc Bổn - Võ Đại Thuận báo cáo tình hình với đoàn giám sát HĐND tỉnh

Làm việc quá sức

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày một tốt hơn, từ năm 2005, Sở Y tế đã có phương án số 922/PA-SYT ngày 18/3/2005 tăng cường bác sĩ phủ kín cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn của toàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các trạm y tế đều đã có bác sĩ làm trưởng trạm và trực tiếp khám chữa bệnh.

Theo quy định hiện hành, bác sĩ mới là người trực tiếp khám - chữa bệnh và kê đơn, vả lại với chức danh này, hầu hết họ đều đảm trách chức vụ trưởng trạm y tế nên ngoài việc quản lý mọi hoạt động chính của trạm, họ phải trực tiếp khám bệnh, phát thuốc nên cường độ làm việc liên tục từ sáng đến tối khiến cho sức khỏe ngày càng giảm sút. Bác sĩ, Trưởng trạm Y tế xã Phong An (huyện Phong Điền) Trương Thị Mỹ Phúc tâm sự: “Theo quy định của Bộ Y tế, 1 ngày, 1 bác sĩ chỉ khám cho 45 bệnh nhân, nhưng ở xã Phong An dân số đông hơn 12 vạn dân nên trung bình mỗi ngày có đến từ 60 - 70 lượt bệnh nhân đến khám. Có lúc bản thân tôi phải khám cho bệnh nhân quên cả ăn trưa, bên cạnh đó, bản thân là trưởng trạm phải đi họp liên tục ở trung tâm, ở xã nên cường độ làm việc quá nhiều, đôi khi chịu không nổi. Mong huyện, tỉnh có giải pháp giúp đỡ cho chúng tôi”.

Còn BS. CKI Võ Đại Thuận, Trưởng trạm Y tế xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) cho hay: “Cường độ làm việc của bác sĩ trưởng trạm y tế quá sức, bởi ngoài việc chính là khám - chữa bệnh với số lượng lớn (hàng ngày khám trung bình từ 60 - 70 lượt bệnh nhân), chúng tôi còn phải về trung tâm y tế huyện họp để tiếp thu các chủ trương, chính sách mới, rồi phải tham gia vào các liên ngành ở xã do mình là cán bộ chủ chốt địa phương, phải đón các đoàn kiểm tra của tỉnh, của huyện nên chiếm rất nhiều thời gian”.

Thu nhập chưa tương xứng

Với cường độ làm việc rất mệt nhọc, hàng ngày, phải tiếp xúc với một lượng bệnh nhân rất lớn, song thu nhập của cán bộ trạm y tế, trong đó có bác sĩ trưởng trạm vẫn còn quá thấp, chưa tương xứng với công sức bỏ ra.

Qua nắm tình hình thực tế tại các trạm y tế, ngoài đồng lương theo ngạch bậc nhà nước chi trả theo quy định, trạm nào khám nhiều bệnh nhất, hàng năm cũng trên dưới 15 triệu đồng, trong đó trung bình mỗi trạm có từ 7 - 8 nhân viên nên chia ra khoảng 1,8 triệu đồng/người/năm. Đây là điều bất hợp lý đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở.

Một khó khăn nữa đối với trạm y tế là kinh phí hoạt động thường xuyên quá ít. Hàng năm, sở y tế cấp về cho mỗi trạm y tế gần 16 triệu đồng phục vụ cho hoạt động chi thường xuyên như điện, nước, văn phòng phẩm; xã cấp khoảng 18 triệu đồng cho công tác truyền thông và tuyên truyền. Cộng hai khoản này chưa đến 3 triệu/tháng trong khi phải chi trả tiền điện, nước, các chi phí bảo dưỡng máy móc điều trị cùng các khoản chi phí khác.

BS.CKI Võ Đại Thuận nói: “Chúng tôi thiệt thòi vô cùng, bởi bác sĩ ở trạm chỉ khám - chữa bệnh ban đầu, không thể chuyên sâu được bởi mình không có đủ điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện, trong khi đó, phân tuyến kỹ thuật cho trạm cũng đơn giản nhiều nên bác sĩ khó phát huy hết trình độ, năng lực của bản thân. Hơn nữa, thời gian làm việc thì vô cùng nhiều, chiếm hết cả thời gian nghỉ ngơi, trong khi đó thu nhập chủ yếu từ đồng lương quá ít ỏi. Vì vậy, tôi mong nhà nước sớm có chính sách thu hút, đã ngộ đối với các bác sĩ về làm việc tại trạm y tế xã, phường, thị trấn”.

Thực tế làm việc hàng ngày của đội ngũ bác sĩ, trưởng trạm y tế quá lớn, để giảm áp lực cho họ, mong sao, Sở Y tế, Trung tâm y tế cấp huyện sớm tìm ra các giải pháp thực sự có hiệu quả để giúp đội ngũ này yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong hệ thống y tế cơ sở, bởi họ rất quan trọng trong khám chữa bệnh ban đầu nhằm giảm áp lực cho tuyến trên, theo dõi mô hình bệnh tật hiệu quả ở địa phương, giải quyết triệt để công tác phòng chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu y tế quốc gia…

Bài, ảnh: Hoàng Trọng Bửu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

Từ ngày 4 đến ngày 7/11, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Newborn Việt Nam, Hội đồng Hồi sức châu Âu tổ chức hai lớp đào tạo liên tục dành cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng đến từ các đơn vị y tế trong, ngoài tỉnh.

Đào tạo hồi sức sơ sinh cho cán bộ y tế

TIN MỚI

Return to top