ClockThứ Năm, 12/10/2017 13:41

Bác sĩ Trường & Giải thưởng Eye Health Heroes

TTH - Gần 30 năm công tác trong lĩnh vực nhãn khoa, bác sĩ CK II Phạm Minh Trường, Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt Huế được dân yêu, đồng nghiệp mến. Cuối tháng 9 vừa qua, ông là người đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Quốc tế phòng chống mù lòa (IAPB) vinh danh “Eye Health Heroes” tại Kathmandu, Nepal.

Ngoài công tác quản lý, bác sĩ Phạm Minh Trường tham gia khám điều trị mắt cho bệnh nhân

Nặng tình với cộng đồng

Quê ở tỉnh Quảng Trị, năm 1988, tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Huế, ông về công tác tại Trạm Mắt tỉnh Bình Trị Thiên cũ. Năm 1991, ông tiếp tục học chuyên khoa 1 tại Hà Nội, rồi lần lượt được bổ nhiệm Trưởng trạm Mắt, Giám đốc Trung tâm Phòng chống mù lòa; Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh tật xã hội tỉnh. Năm 2005, BV Mắt Huế hình thành, ông được giao trọng trách làm người đứng mũi chịu sào.

Hồi ấy, BV mới ra đời cơ sở vật chất còn tạm bợ, đội ngũ cán bộ ít, công tác khám, điều trị các bệnh về mắt khó khăn. Năng động, nhạy bén với công việc, ông không chỉ làm tròn vai của người lãnh đạo, mà còn trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân; tiên phong tham gia vào các chiến dịch phòng, chống mù lòa ở vùng sâu, vùng xa, miền núi…

Đi nhiều, chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm, nhất là cụ già, các em nhỏ đồng bào huyện A Lưới, Nam Đông bị bệnh tật về mắt, như đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, glocom bẩm sinh, lác... sống thu mình trong cảnh tối tăm, nghèo khó, ông tự điều tra, nắm bắt tỷ lệ trẻ em, người già bệnh tật về mắt; đồng thời dành thời gian đi “đối ngoại” kết nối, kêu gọi các tổ chức, nhà từ thiện triển khai các chiến dịch mang lại ánh sáng cho người mù ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ thấy được những người thân yêu, hòa nhập cộng đồng. Ông từng nhiều lần đề xuất lãnh đạo xây dựng mạng lưới chăm sóc mắt tuyến dưới, đưa dịch vụ thăm khám, chăm sóc mắt đến với cộng đồng nhưng do nguồn lực hạn chế nên bất tòng tâm. 

Quyết tâm hành động

Năm 2006, thông qua những người bạn, ông tiếp cận các tổ chức phi chính phủ, như tổ chức CBM (Đức), Quỹ Fred Hollows-FHF (Úc) và Orbis (Hoa Kỳ). Những tổ chức trở thành người bạn đồng hành với ông hơn một thập niên qua, không chỉ hỗ trợ cho BV Mắt Huế cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế mà chú trọng đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chất lượng.

Thông qua những đề xuất của ông, mỗi năm, FHF và Orbis hỗ trợ từ 2 - 4 cán bộ của BV Mắt Huế nâng cao chuyên môn ngoài nước để làm chủ công nghệ hiện đại chữa các bệnh khó về mắt mà trước đây bệnh nhân phải ra Hà Nội hoặc vào TP. Hồ Chí Minh điều trị. Từ năm 2010-2013, tổ chức Orbis hỗ trợ xây dựng một trung tâm nhãn nhi chuyên nghiệp thân thiện thuộc BV Mắt Huế, nhằm khám, điều trị mắt cho trẻ ở khu vực miền Trung. Đến nay, bình quân mỗi năm, trung tâm vừa đẩy mạnh công tác truyền thông chăm sóc mắt, vừa khám, phẫu thuật miễn phí 200-250 em bệnh khó về mắt trong ở khu vực, như sụp mi, lé, lác lé, mờ thủy tinh thể… Cùng thời điểm này, ông phối hợp cùng dự án FHF đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc mắt cho cộng đồng, nhất là người già. Bình quân mỗi năm, BV Mắt Huế mổ thủy tinh thể miễn phí 2.000-2.200 trường hợp…

Ngoài những cái “bắt tay” với các tổ chức trên, ông Trường còn xây dựng thành công dịch vụ chăm sóc mắt cho trẻ em tại BV, mở ra một mạng lưới chăm sóc mắt liên hoàn, kết nối từ cộng đồng ở khu vực. Điều ông mong ước lâu nay đã trở thành hiện thực là thành lập các trung tâm khúc xạ tuyến huyện, thị xã mang dịch vụ chăm sóc mắt đến gần hơn với cộng đồng, giúp mọi người dân được khám mắt định kỳ và điều trị kịp thời. Ông trở thành cố vấn cao cấp tư vấn cho các tỉnh bạn nhằm cải thiện chăm sóc mắt trẻ em ở Việt Nam.

Bác sĩ Trường được Nhà nước vinh danh Thầy thuốc ưu tú vào năm 2008, được nhiều đồng nghiệp đánh giá là người lãnh đạo có tâm, tài, xây dựng đội ngũ cán bộ trong đơn vị đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện, BV Mắt Huế trở thành một trong ba thương hiệu uy tín khám chữa bệnh về mắt của cả nước. Là một BV công lập nhưng đây là đơn vị đầu tiên ở Thừa Thiên Huế mạnh dạn hướng đến xây dựng mô hình hoạt động tự chủ.

"Eye Health Heroes” là giải thưởng thường niên của Tổ chức Phòng chống mù lòa Thế giới IAPB. Giải thưởng nhằm ghi nhận và vinh danh những cá nhân có những đóng góp trong lĩnh vực mắt, tạo ra được khác biệt thực sự trong việc khôi phục thị lực đến cộng đồng. Bác sĩ CKII Phạm Minh Trường là người đầu tiên của Việt Nam được vinh dự nhận giải thưởng này.

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vừa thành lập một giải thưởng do Hàn Quốc đề xuất, nhằm công nhận những nỗ lực trong việc nuôi dưỡng giáo dục về các vấn đề toàn cầu, như nhân quyền, tính bền vững và tính đa dạng, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 23/10 cho biết.

UNESCO thành lập giải thưởng về giáo dục công dân toàn cầu
Bà Lê Thị Hồng Thanh được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định

Ngày 8/10, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Bà Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh là một trong 30 cán bộ hội được nhận Giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ Nhất năm 2024, đại diện cho gần 15 ngàn cán bộ hội trên cả nước.

Bà Lê Thị Hồng Thanh được trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định

TIN MỚI

Return to top