ClockThứ Năm, 31/10/2019 13:45

Bảo hiểm y tế gặp khó ở vùng bãi ngang

TTH - Nhiều xã bãi ngang đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đã không còn được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT). Mất đi “bầu sữa bao cấp”, tỷ lệ người dân tham gia BHYT nơi đây giảm mạnh.

Bảo hiểm y tế sinh viên: Khó đạt, nếu bắt buộc tự nguyệnBảo hiểm y tế toàn dân: “Hiểu rõ để tự nguyện”

Khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở. Ảnh: VĂN MINH

Lỗi tại... nông thôn mới?

Cuối năm 2018, sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, xã Vinh Hiền (Phú Lộc) được công nhận nông thôn mới. Trước đây, khi còn xã bãi ngang, toàn xã có 8.519 người có thẻ BHYT. Thế nhưng, chỉ qua  6 tháng năm 2019, con số đó chỉ còn  là 7.482 thẻ (bao gồm cả thẻ được hỗ trợ của môi trường biển), giảm hơn 1.000 thẻ.

Cũng trong năm 2018, số người tham gia BHYT ở Quảng Điền là 90.717/92.651 người (chiếm 97,91% dân số). Chín tháng đầu năm 2019, chỉ còn lại 89.228 người. Tỷ lệ tham gia BHYT ở địa phương giảm được xác định là do xã bãi ngang như Quảng Công đạt chuẩn nông thôn mới, thoát khỏi xã nghèo bãi ngang, nên người dân tham gia giảm đáng kể.

Vinh Hiền hay Quảng Công, Quảng Phước (cùng với Phú An và Lộc Trì) là 5 xã bãi ngang của Thừa Thiên Huế, 100% người dân trên địa bàn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tham gia BHYT. Từ năm 2018, do đã đạt chuẩn NTM, người dân không còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tham gia BHYT theo chính sách của xã bãi ngang nữa. Như đứa bé bị mất "bầu sữa mẹ", số lượng người dân tham gia BHYT giảm được xem như một chuyện đương nhiên.

Vẻ mặt đầy suy tư, ông Lê Ánh ở xã Quảng Công (Quảng Điền) chia sẻ: “Ngư dân cứ như con rái cá chỉ biết lặn ngụp, ngày nối ngày ra khơi đánh bắt. Thỉnh thoảng, có ốm đau thì tạt qua đâu đó mua thuốc uống cho qua. Từ khi được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí, chúng tôi yên tâm. Chừ phải mua thẻ BHYT, vợ chồng tôi chần chừ…”.

Bà Cao Thị Thanh Hồng, Phó Giám đốc BHXH huyện Quảng Điền cho hay, xã Quảng Công có 5.836/ 6.986 người tham gia BHYT (đạt 83%). Đáng chú ý có 2.430 hộ gia đình đã được hỗ trợ do ảnh hưởng sự cố môi trường biển; 576 học sinh, 112 hộ cận nghèo, còn số tự đóng là 630 người. Còn Quảng Phước đến hết tháng 12/2019 sẽ không còn được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Con số này có nguy cơ giảm trong năm 2020. Tấm thẻ BHYT được cấp từ chuyện đền bù và hỗ trợ của Nhà nước khó có thể tồn tại lâu bền!

Nỗi khó của xã bãi ngang lên nông thôn mới!

Tôi hiểu lo lắng của ông Lê Ánh khi biết rằng, dẫu đã lên nông thôn mới nhưng nhà nào cũng đông con, ít nhất cũng 5 - 6 người nên việc bỏ ra bạc triệu để mua thẻ BHYT không dễ. Ngư dân như ông Lê Ánh thường quen với những chuyến đi dài lênh đênh trên biển. Ăn uống thất thường, làm việc quá sức, lại phải thức đêm, thức hôm nên sức khỏe giảm sút. Hơn nữa, trình độ dân trí thấp, có người không biết chữ nên hễ nói đến các thủ tục khám - chữa bệnh là ngại.

Ngư dân xã bãi ngang phải mua BHYT sau khi lên nông thôn mới (ảnh minh họa). Ảnh: Lê Thọ

Tôi có dịp nhiều lần về xã Vinh Hiền. Nằm ở vùng ven biển, Vinh Hiền còn nghèo lắm, người dân lo cái ăn và cái mặc hằng ngày đã toát cả mồ hôi nên lấy đâu ra tiền mua BHYT để phòng thân? Vinh Hiền hiện còn rất nhiều hộ cận nghèo. Các hộ này do vừa thoát nghèo nên kinh tế còn khó khăn, vì vậy, để một lúc chi tiền để mua BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình thì quả là một khó khăn lớn.

Không chỉ đơn thuần là chuyện nghèo khổ. Một khó khăn mang tính đặc thù của địa phương vùng biển như Vinh Hiền là có một số lượng lớn lao động làm nghề biển. Số lao động này thường xuyên không có nhà, nên việc gặp gỡ, vận động họ tham gia BHYT hết sức khó khăn. Chưa kể, trong xã hiện có hàng trăm người đi làm người làm ăn xa, theo quy định số hộ này vẫn được tính vào chỉ tiêu của xã về tham gia BHYT, trong khi gần như họ không hề sinh sống tại quê nhà, vì vậy để nắm bắt và vận động đối tượng tham gia BHYT gặp nhiều trở ngại.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế nhận xét, BHYT ở các xã bãi ngang lên nông thôn mới gặp trở ngại do lao động địa phương đi làm ăn xa, nên việc vận động để tham gia BHYT đối với những đối tượng này gặp khó khăn. Một số hộ dân là đối tượng vừa thoát nghèo, kinh tế vẫn chưa ổn định, trong khi không còn cơ chế hỗ trợ, nên còn e dè, ngần ngại chưa quyết định tham gia mua BHYT. Bên cạnh đó, một số người dân tuy đã được tuyên truyền, vận động, song do chủ quan đối với sức khỏe nên không mặn mà với việc tham gia BHYT.

Người thật và việc thật

Xã Phú An (Phú Vang) có 9.581 người và có 8.740 người tham gia BHYT do BHXH huyện quản lý. Số 841 người còn lại đi làm ăn xa, cũng có thẻ BHYT khá nhiều. Trước khi lên nông thôn mới, người dân ở các xã bãi ngang vẫn tiếp tục sử dụng thẻ BHYT cho đến hết năm 2018. Do có thời gian chuẩn bị trong vòng 3 tháng, nên nhiều đại lý thu đã về từng nhà để vận động. Ngồi ở đâu cũng nói đến chuyện sức khỏe để bà con mua thẻ BHYT. Thậm chí, nhiều phụ nữ còn bỏ heo đất để mua thẻ BHYT cho chồng con.

Cũng tương tự là chuyện ghi ở xã Lộc Trì (Phú Lộc), địa phương vẫn còn được hưởng chính sách BHYT do Nhà nước cấp dẫu đã được công nhận nông thôn mới. Chuẩn bị cho từ tháng 1/2020, một nhóm đối tượng phải mua thẻ BHYT, các đại lý ở các xã đã thông báo trên loa truyền thanh địa phương. Nhiều nhân viên đại lý còn ra tận đầm Cầu Hai từ sớm để vận động. Không chỉ tuyên truyền mua mà còn cần mua đúng thời điểm để không bị "lủng" thẻ BHYT.

Chị Hồ Thị Xuân, nhân viên đại lý thu BHYT Lộc Trì, cho hay: Thời điểm còn 3 tháng nữa phải mua lại thẻ BHYT nên chúng tôi phải bám dân để tuyên truyền. Có chị bán bún, bán bánh canh mỗi ngày cũng bỏ ra hai tô quy thành tiền để tích lũy mua thẻ BHYT. Thậm chí, chúng tôi chia thành nhiều gói nhỏ, cứ mỗi tháng đến thu BHYT từ 1 - 2 người trong gia đình để người dân được hưởng chính sách miễn giảm, lại dễ tham gia”.

Từ thực tế ở Phú Vang, ông Lê Quang Tuấn, Giám đốc BHXH huyện khẳng định “như đinh đóng cột”, không có cách vận động nào hiệu quả hơn khi để bà con thấy rõ việc không mua thẻ BHYT sẽ khó khăn khi nằm viện; thậm chí, phải bán nhà để chữa bệnh. Chỉ cần các đại lý thu nêu người thật việc thật trong xã khiến người dân thay đổi nhận thức. Vấn đề còn lại là kinh phí mua thẻ. Đây phụ thuộc vào tài khéo léo của các đại lý, khi có người hạch toán chi tiêu cho người dân để họ mua thẻ BHYT cho tất cả các thành viên trong gia đình.

Ông Nguyễn Xuân Tiếu cho rằng, từ việc người dân được hưởng bao cấp đến phải trả tiền BHYT nên nhiều người chưa tham gia là điều bình thường. Tuy nhiên, có xã thì vẫn giữ được chỉ tiêu, có xã sụt giảm nhưng ở một giai đoạn nhất định. Hơn nữa, số các xã bãi ngang lên nông thôn mới hàng năm không nhiều, lại được hưởng chế độ BHYT hết năm nên các địa phương phải có sự chuẩn bị. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các địa phương.

Để BHYT thực sự hấp dẫn và người dân một thời vùng bãi ngang được hỗ trợ 100% tự nguyện tham gia thì hệ thống khám chữa bệnh từ tuyến xã đến tỉnh phải được nâng cao chất lượng. Tại trạm y tế ở các xã bãi ngang ở Thừa Thiên Huế đã có bác sĩ phục vụ công tác khám chữa bệnh 100%. Các trang thiết bị hiện đại được đầu tư nên giải quyết gần 50% tổng số bệnh nhân điều trị ngoại trú. Thừa Thiên Huế cũng đã có những bệnh viện tuyến huyện mà tiêu biểu Bệnh viện hạng II Phú Vang là địa chỉ y tế đáng tin cậy.

Rõ ràng, thái độ phục vụ tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ và điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt ở ngay tuyến cơ sở sẽ giúp người dân tự tin khi tiếp cận với các dịch vụ y tế và thiết nghĩ, đó là cách vận động tốt nhất người dân các xã bãi ngang được công nhận nông thôn mới tự nguyện đến với tấm thẻ BHYT lâu dài và bền vững.

Tháng 10/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1980/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020, thay thế cho Quyết định số 491/QĐ - TTg, ngày 16 - 4 - 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) tại các xã đạt chuẩn NTM được quy định tăng từ 70% lên 85% trở lên.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

Chẳng may đau ốm, bệnh tật... khiến nhiều phụ nữ rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhưng, họ chưa bao giờ bị “bỏ lại phía sau”, bởi bên cạnh họ luôn có sự giúp đỡ, chăm lo của các cấp hội phụ nữ.

Hỗ trợ, chăm lo cho phụ nữ đơn thân, yếu thế

TIN MỚI

Return to top