|
Bệnh nhân khám mắt tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
|
Mục tiêu là nhằm từng bước cải thiện phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trong từng giai đoạn, giảm tỷ lệ chi tiền túi cho chăm sóc y tế của người dân… góp phần tạo niềm tin và thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, các tác động tài chính liên quan đến các quy định mới cũng là vấn đề được đặt ra.
Nhiều quyền lợi được mở rộng cho người tham gia
Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) của Bộ Y tế trình Chính phủ mới nhất cho biết, hiện nay một số dịch vụ y tế thuộc phạm vi khám, chữa bệnh chưa được quy định trong phạm vi hưởng bảo hiểm y tế. Đó là những nội dung như: quản lý sức khỏe, khám, chẩn đoán đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe và điều trị sớm một số bệnh, khám sức khỏe định kỳ, điều trị tật khúc xạ, kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, vật tư y tế hỗ trợ trong phục hồi chức năng, dinh dưỡng điều trị…
Theo đó, dự thảo luật đề xuất mở rộng một số quyền lợi và phạm vi chi trả cho người tham gia bảo hiểm y tế như: Bổ sung và điều chỉnh tăng mức hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng cựu sĩ quan công an nhân dân nghỉ hưu (từ 95% theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành lên 100%); mở rộng phạm vi chi trả bảo hiểm y tế đối với chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, tế bào gốc; chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trường hợp từ hơn 6 tuổi đến dưới 18 tuổi (sửa Khoản 7 Điều 23); chi phí chi trả cho chân, tay giả; máy trợ thính (sửa Khoản 8 Điều 23) từ quỹ bảo hiểm y tế lên 100% theo mức hưởng tại Khoản 14 dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi)…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 22 để điều chỉnh phạm vi mức hưởng bảo hiểm y tế phù hợp cấp chuyên môn, kỹ thuật và giảm tỷ lệ chi trả khi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cấp chuyên môn kỹ thuật. Bộ Y tế đề xuất bổ sung quy định người bệnh được chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có chuyên khoa thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn hoặc một số trường hợp cấp dưới không đủ năng lực chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức hưởng quy định.
Bộ Y tế cũng đề xuất quy định mức hưởng bảo hiểm y tế 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với một số trường hợp đặc thù không phải theo trình tự, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp chuyên môn kỹ thuật liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Có thể thấy, việc mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế là mục tiêu mà chính sách đang hướng đến; tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) chưa có đánh giá tác động tài chính đến quỹ bảo hiểm y tế một cách toàn diện, đầy đủ; chưa có số liệu chi tiết về cân đối thu chi quỹ đối với mỗi giải pháp chính sách, đặc biệt là về nội dung mở rộng quyền lợi theo lộ trình dự kiến.
Cần có đánh giá tác động tài chính đến quỹ bảo hiểm y tế
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quỹ bảo hiểm y tế hiện nay có đến 40% nguồn thu là từ ngân sách, việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế để tương đồng với mở rộng phạm vi hưởng bảo hiểm y tế là các quyết định chính sách tác động rất lớn đến ngân sách nhà nước và cần có các quyết định mạnh mẽ của Chính phủ.
Tại văn bản tham gia góp ý kiến thẩm định Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gửi Bộ Tư pháp ngày 4/3/2024 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, các giải pháp của chính sách liên quan mở rộng phạm vi và quyền lợi bảo hiểm y tế sẽ có tác động mạnh đến quỹ bảo hiểm y tế, cho nên để bảo đảm tính khả thi về nguồn lực bảo hiểm y tế và bảo đảm cân bằng giới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị: Việc mở rộng phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế phải được quy định bằng lộ trình cụ thể trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung để từ đó có lộ trình điều chỉnh mức đóng cho phù hợp…
Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế đánh giá tác động tài chính đến quỹ bảo hiểm y tế một cách toàn diện, đầy đủ, có số liệu chi tiết về cân đối thu chi quỹ bảo hiểm y tế đối với mỗi giải pháp chính sách, đặc biệt nội dung mở rộng quyền lợi theo lộ trình dự kiến. Đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung phải được đánh giá đồng thời trong mối tương quan đối với các chính sách khác ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm y tế, như: kết dư quỹ bảo hiểm y tế đến khi luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực (từ ngày 1/1/2025); lộ trình kết cấu chi phí quản lý và chi phí khấu hao vào giá dịch vụ y tế, khả năng điều chỉnh tăng mức đóng…
Cùng với đó, Bộ Y tế cũng cần bổ sung đánh giá tác động của các nội dung chưa có đánh giá, như bổ sung và điều chỉnh tăng mức hưởng bảo hiểm y tế của đối tượng cựu sĩ quan công an nhân dân nghỉ hưu từ 95% theo Luật Bảo hiểm y tế hiện hành lên 100%; đánh giá tác động, đánh giá tính chi phí hiệu quả đối với việc sàng lọc một số bệnh K phổ biến nhất ở nam giới Việt Nam hiện nay để có thêm cơ sở xác định bệnh ung thư cần ưu tiên sàng lọc đưa vào lộ trình điều chỉnh mở rộng quyền lợi bảo hiểm y tế để bảo đảm về cân bằng giới trong mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế...