|
Khám sức khỏe sàng lọc cho người cao tuổi Nam Đông |
Nỗ lực ở vùng cao
Buổi khám sức khỏe cho NCT tại xã Hương Sơn, Thượng Lộ (Nam Đông) thu hút rất nhiều người dân, có người đến từ sớm chờ đợi. Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch truyền thông, lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT, do Chi cục Dân số tỉnh triển khai. Sau khi làm xét nghiệm đường máu, đo huyết áp, lập hồ sơ sức khỏe, nhiều người cảm thấy an tâm vì được tư vấn phương pháp điều trị cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Ông A Ria, xã Thượng Lộ nói: “Tôi cảm thấy đây là sự quan tâm của các cấp ngành dành cho NCT ở vùng cao. Chúng tôi tin tưởng vào trạm y tế, nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng là nơi khám, chữa bệnh thường xuyên đối với người già”.
Theo BS. Bùi Thị Huyền Trang, Trưởng trạm Y tế Hương Sơn, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, dẫn đến việc ăn uống của NCT chưa đảm bảo dinh dưỡng. Những đợt khám sàng lọc như thế này mang lại nhiều hiệu quả trong cảnh báo yếu tố nguy cơ, giúp Trạm lập hồ sơ quản lý theo dõi thường xuyên các bệnh không lây nhiễm. Tại Nam Đông, đã có 675 trong tổng số hơn 1.200 NCT toàn huyện được khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp.
Ông Nguyễn Ngọc Thích, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Nam Đông cho hay: “Những đợt khám sàng lọc cho NCT, lãnh đạo TTYT huyện về cơ sở phối hợp cùng cán bộ y tế địa phương triển khai từ công tác chuẩn bị cho đến các khâu khám, kiểm tra sức khỏe. Tuy mới bước đầu triển khai các hoạt động, nhưng cơ bản đã góp phần phát hiện bệnh tiềm ẩn cho người dân. Qua đó truyền thông về các loại bệnh phổ biến, giúp người dân điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý”.
|
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi cần sự chung tay của cộng đồng |
Tại huyện A Lưới, thời gian qua, TTYT huyện triển khai nhiều hoạt động truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc bệnh thường gặp ở NCT. Tuy nhiên, số NCT được khám sức khỏe định kỳ đạt tỷ lệ thấp. BSCKII. Hồ Bách Thắng, Giám đốc TTYT huyện A Lưới thông tin: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để NCT hiểu về tầm quan trọng của khám sức khỏe, phát hiện bệnh lý, nhằm có lộ trình điều trị, tái khám phù hợp”.
Với đặc thù vùng cao còn nhiều thách thức, khó khăn, ngành dân số tỉnh đã phối hợp chính quyền các cấp đổi mới phương thức vận động, truyền thông trong công tác chăm sóc sức khỏe NCT nhằm kêu gọi các gia đình và cộng đồng chung tay chăm sóc NCT. Bên cạnh đó, được sự tham mưu, quan tâm của chính quyền các cấp, hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho NCT được củng cố, phát triển ở nhiều nơi. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số của các địa phương vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nội dung 2 “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi” thuộc Dự án 7 - Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đối tượng này.
Để người cao tuổi sống vui, sống khỏe
Với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên ở mức 10,3%, toàn tỉnh chính thức già hóa dân số. Hiện, NCT chiếm tỷ lệ 15,9% dân số; 8/9 huyện, thị xã, thành phố cùng với tỉnh đang ở giai đoạn già hóa dân số. Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 với mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe NCT bảo đảm thích ứng với già hóa dân số.
Theo đánh giá chung, lĩnh vực chăm sóc NCT còn nhiều khó khăn. Xu hướng gia đình hạt nhân, di cư trẻ dẫn đến nhiều người lớn tuổi phải sống một mình. Tỷ lệ NCT không có bảo hiểm xã hội chiếm gần 70% trong khi độ tuổi này thường mắc các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD, ung thư, đột quỵ… chi phí điều trị gấp 7-10 lần so với người trẻ, cuộc sống lệ thuộc vào người nhà/nhân viên y tế, tạo nên gánh nặng xã hội.
Chăm sóc sức khỏe NCT là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Tạo điều kiện cho NCT sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội thể hiện tính nhân văn cũng như truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm cũng như tầm quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe NCT.
Từ đầu năm đến nay, Chi Cục dân số tỉnh phối hợp với Ban đại diện Hội NCT tỉnh tổ chức hai lớp tập huấn cung cấp kiến thức về chăm sóc và nâng cao sức khỏe NCT thích ứng với già hóa dân số. Hội NCT tỉnh và các huyện phối hợp với ngành y tế, Bệnh viện Mắt tỉnh tổ chức chương trình “Mắt sáng cho NCT”, khám mắt cho NCT tại 30 điểm thuộc 4 huyện Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang. Có 6.070 NCT được khám mắt, trong đó, 2.736 NCT bị ĐTTT được phẫu thuật. Ông Hồ Viết Lễ, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi khẳng định: “Các cấp hội trong tỉnh lấy chủ đề "Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ" làm nhiệm vụ quan trọng, do đó, Hội sẽ đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì NCT Việt Nam”.
Ông Phan Đăng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho rằng: “Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT cần sự chung tay của hệ thống chính trị cũng như phát triển đồng bộ kinh tế, xã hội. Chúng tôi sẽ rà soát, tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh các chính sách liên quan nhằm đảm bảo quy mô dân số hợp lý, kéo dài thời gian già hóa và cơ cấu dân số vàng. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường truyền thông, để các ban, ngành, đoàn thể, xã hội quan tâm, cùng chung tay nâng cao chất lượng cuộc sống NCT”.