ClockChủ Nhật, 15/12/2019 06:36

“Cứu tinh” của những bệnh nhân đột quỵ

TTH - Thạc sĩ, bác sĩ trẻ Lê Vũ Huỳnh, người đang chiếm được nhiều thiện cảm của đồng nghiệp và là “ân nhân” cứu sống hàng trăm bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế.

Chỉ cần bệnh nhân tin là đủTận tình với bệnh nhân nhi

Bác sĩ Lê Vũ Huỳnh

Duyên nghề

Tôi gặp bác sĩ Huỳnh tại BV Trung ương Huế vào một ngày cập kề sang năm mới. Bác sĩ Huỳnh cẩn trọng từ lời nói, chia sẻ thông tin về nghề đang theo đuổi. Qua những câu chuyện, tôi cảm nhận rõ về anh, người khiêm tốn ngại nói về mình nhưng đầy nhiệt huyết, ấp ủ nhiều chương trình, kế hoạch mang chuông đi đánh xứ người về "Những điều tốt nhất cho bệnh nhân đột quỵ" ở tầm quốc tế.

Sống ở ngoại ô thành phố Huế, tuổi thơ anh chất dày khó nhọc vì thường trải qua những ngày dài ốm đau. Đau ốm dường như thường trực trong anh đến nỗi bố mẹ đưa con đến viện chữa trị đều "nhẵn mặt" với các y, bác sĩ. Bù khuyết về sức khỏe, anh là một cậu bé sáng dạ, ham học.

Tốt nghiệp Trường THPT Quốc Học Huế năm 2005, anh thi đỗ vào 3 trường đại học danh tiếng ở Việt Nam và anh đã chọn vào Trường đại học Y dược Huế. Anh nói: "Chỉ là duyên, theo nghề tôi không lựa chọn, bố mẹ cũng không áp đặt. Khi vào giảng đường đại học, thấu hiểu được nghề cao quý, rồi đam mê thôi thúc tôi nỗ lực nhiều để khẳng định bản thân".

Nhận bằng bác sĩ đa khoa vào năm 2011, anh tiếp tục thi đỗ khóa học bác sĩ nội trú chuyên lĩnh vực ngoại thần kinh, các bệnh lý mạch máu não. Bước ngoặt này nhiều bạn bè bảo rằng anh liều lĩnh vì dính vào lĩnh vực phức tạp, luôn đứng giữa làn ranh mong manh sống - chết của bệnh nhân. Thế nhưng anh vẫn kiên định.

Bác sĩ Huỳnh theo dõi diễn biến bệnh lý tại Khoa Đột quỵ

Hoàn thành khóa học bác sĩ nội trú, anh chính thức vào công tác tại Khoa Nội tiết, thần kinh, hô hấp - BV Trung ương Huế vào năm 2014 theo chương trình tuyển mộ nhân tài của BV ngày đó. Những ngày đầu vào nghề, anh chịu sức ép từ công việc khá lớn bởi môi trường ở khoa luôn tiếp nhận tần suất bệnh nhiều, bệnh lý phức tạp liên quan đến thần kinh, sọ não... Chính nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân đặc biệt tại khoa, anh càng ý thức chuyên tâm hơn với nghề, chịu khó nghiên cứu, trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp đi trước bồi đắp những yếu khuyết của bản thân. Không chỉ thế, anh mạnh dạn tiếp cận, tham gia các khóa học ngắn dài hạn từ chuyên gia hàng đầu nước ngoài đến Việt Nam... để hoàn thiện kỹ năng, chuyên môn xử lý tốt các bệnh lý liên quan cơ chế đột quỵ, mạch máu não.

Từ dịp này, anh nhìn nhận nếu có lòng đam mê và môi trường thuận lợi, bác sĩ Việt Nam không những có khả năng hòa nhập với sự phát triển của y học thế giới mà còn có thể tìm ra hướng đi mới, đóng góp cho sự phát triển của ngành thần kinh, mạch máu não thế giới và của nước nhà.

Đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in ca bệnh khó thách thức đội ngũ y bác sĩ bệnh viện vào khoảng đầu năm 2014. Đó là ca bệnh của một thanh niên 36 tuổi ở Phong Điền bị đột quỵ do bị dị dạng mạch máu não bẩm sinh. Ban đầu nhận bệnh, cả ê kíp chỉ biết nghĩ cách để giải tỏa tâm lý cho người nhà bệnh nhân, vì tỷ lệ cứu sống bệnh lý này trước đó ở Việt Nam hầu như bằng 0.

Tuy nhiên, với kỹ năng, nhạy bén nghề nghiệp, anh cùng các đồng nghiệp "xin lệnh" lãnh đạo tiến hành can thiệp phẫu thuật "bịt và nối" lại các mạch máu não. Sau một tuần theo dõi, các chỉ số sống còn của bệnh nhân đã trở lại. Đây là kỳ tích không chỉ đối với ê kíp y bác sĩ mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình người bệnh.

Góp hạnh phúc cho nhiều người

Tên tuổi bác sĩ Huỳnh được đồng nghiệp, bệnh nhân biết đến nhiều hơn khi BV Trung ương Huế thành lập Khoa Đột quỵ vào năm 2015. Thời điểm này, anh được lãnh đạo "chọn" vào ê kíp chính cấp cứu điều trị bệnh nhân đột quỵ não. Không tránh né việc khó, ngay sau đó, anh đã tham vấn lãnh đạo đầu tư thêm cơ sở vật chất trong khoa; đồng thời phối hợp xây dựng quy trình "kích hoạt" cấp cứu đột quỵ não theo tiêu chuẩn mô hình trung tâm toàn diện. Mục đích để bệnh nhân bị đột quỵ được cứu chữa kịp thời đúng trong "giờ vàng", đúng địa chỉ và được áp dụng các biện pháp cấp cứu kịp thời để hạn chế tỷ lệ tử vong và các di chứng khi hồi phục ("giờ vàng" theo cơ chế bệnh lý đột quỵ cho phép từ 3-3,5 giờ). Khi tôi muốn hiểu thêm về "giờ vàng", bác sĩ Huỳnh diễn giải, nếu chậm trong giờ vàng này, việc cứu sống bệnh nhân đột quỵ rất thấp vì tắc mạch máu ở trong não, mỗi phút qua đi, bệnh nhân sẽ mất đi hơn 2 triệu tế bào thần kinh không thể tái tạo được.

Bác sĩ Huỳnh theo dõi ca bệnh trong tình trạng "thập tử nhất sinh" 

Chỉ sau một thời gian ngắn, "bản đồ điều trị" Khoa Đột quỵ BV Trung ương Huế đã hoàn thiện "mặc định" để cấp cứu cho bệnh nhân. Từ lúc nhập viện đến khi bệnh nhân được hội chẩn hoặc chọc kim truyền thuốc làm tiêu sợi huyết hay can thiệp tái thông mạch máu thời gian trung bình chừng 60 phút. Sau đó, "quy trình" trên tại BV Trung ương Huế được bác sĩ Huỳnh nghiên cứu rút ngắn còn 30 phút; trong khi đó, Hiệp hội Đột quỵ quốc tế cho phép từ 60-80 phút. Nhờ "quy trình" này, mỗi năm BV Trung ương Huế tiếp nhận không dưới 1 nghìn trường hợp bệnh nhân đột quỵ; trong đó hơn 90% ca bệnh giữa lằn ranh sinh-tử đã cấp cứu điều trị thành công, chất lượng sống tốt.

Mới đây, anh Trần Văn Q., 23 tuổi ở Quảng Bình vào cấp cứu tại Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế trong tình trạng rối loạn ý thức, liệt nửa người bên trái, tính mạng bị đe dọa. Sau khi chụp CT và MRI, xác định Q. bị tắc động mạch máu não bên phải. Bệnh nhân nhanh chóng được bác sĩ Huỳnh can thiệp, chọc kim tái thông mạch máu lớn trong vòng 30 phút kể từ thời gian bắt đầu vào viện. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân Q. tỉnh táo, đi lại bình thường. Chị L.T.B., người thân của bệnh nhân Q. chia sẻ, khi nhập viện người thân trong gia đình không dám tin chắc Q. sẽ qua khỏi. Không ngờ như "phép màu", bác sĩ  Huỳnh đã giúp Q. "cải tử", trở lại bình thường trong niềm vui hạnh phúc của gia đình.

Tuy tuổi nghề của bác sĩ Huỳnh chưa nhiều, nhưng anh được đồng nghiệp mệnh danh là ân nhân cứu mạng của hàng trăm bệnh nhân ở Khoa Đột quỵ. Điều này giúp anh vững tin, nhiệt huyết với nghề để bệnh nhân đột quỵ não không còn là nỗi ám ảnh.

GS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV Trung ương Huế nhận xét: Lê Vũ Huỳnh là một bác sĩ trẻ có năng lực, vững chuyên môn, mạnh dạn nghiên cứu lĩnh vực mới. Điều đáng quý ở bác sĩ Huỳnh là sự tận tâm, đạo đức với công việc, hết lòng với bệnh nhân trong mọi hoàn cảnh... đáng để đồng nghiệp nêu gương học tập.  Hiện nay, bác sĩ Huỳnh được tín nhiệm giữ Phó Trưởng Khoa Đột quỵ, BV Trung ương Huế.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến

Trái tim của một chàng trai 24 tuổi đã vượt chặng đường hơn 600km từ Hà Nội vào Huế, “thắp” lên sự sống cho một thanh niên đồng trang lứa suy tim nặng. Đây là ca ghép tim thứ 14 tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 13 của đơn vị.

Thanh niên suy tim hồi sinh nhờ tạng hiến
Y tế kỹ thuật cao: Tạo đà bứt phá, vươn tầm

Năm 2023, Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị tiêu biểu xuất sắc trong các đơn vị y tế của cả nước về phát triển các kỹ thuật cao: Ghép tạng, ghép tế bào gốc tạo máu tự thân, lĩnh vực ung thư, đột quỵ, tim mạch...

Y tế kỹ thuật cao Tạo đà bứt phá, vươn tầm
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

TIN MỚI

Return to top