Một cơ sở mua bán thuốc tây tại đường Ngô Quyền, TP Huế (ảnh mang tính minh họa)
Từ năm 2005, việc cung ứng thuốc cho các đơn vị trên địa bàn theo hình thức đấu thầu tập trung. Hình thức này được các đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển về Sở Y tế tổng hợp thành danh mục chung của tỉnh để tổ chức đấu thầu. Sau khi có kết quả đấu thầu, các đơn vị tiến hành ký kết hợp đồng với các nhà thầu để được cung cấp thuốc. Công việc này được Sở Y tế thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện những sai phạm sẽ uốn nắn, xử lý kịp thời.
Từ năm 2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư 09/2016/TT-BYT về danh mục thuốc đấu thầu, danh mục đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá, tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập tổ đấu thầu tập trung cấp địa phương do đại diện lãnh đạo tỉnh làm tổ trưởng thực hiện theo danh mục 106 hoạt chất cho các đơn vị y tế đóng trên địa bàn (kể cả các cơ sở y tế trung ương). Ngoài danh mục thuốc đấu thầu tập trung trên, UBND tỉnh giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung tại sở theo nhu cầu thực tế ở các cơ sở y tế.
Vậy, ông nhận định thế nào về hình thức đấu thầu này?
Hình thức này trước hết tiết kiệm được thời gian và chi phí cho việc đấu thầu thuốc. Giá thuốc được thống nhất nên dễ theo dõi và quản lý giá trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm, hình thức đấu thầu tập trung tồn tại hạn chế là Sở Y tế mất quá nhiều thời gian và công sức cho công tác đấu thầu mua thuốc. Thiếu nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ cán bộ có chuyên môn đấu thầu thuốc nên phải điều động thêm nhân lực từ các đơn vị đến tham gia tại sở với thời gian 2-3 tháng/đợt đấu thầu. Ngoài ra, nếu kế hoạch đấu thầu thuốc do các đơn vị tự xây dựng danh mục và số lượng không sát với thực tế sử dụng có thể xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu một số mặt hàng.
Có ý kiến rằng, phương thức đấu thầu tập trung cung ứng thuốc chưa sát thực tế với các đơn vị, có loại thừa, có loại thiếu và chưa sát với giá thị trường.
Ý kiến đó không chính xác. Theo tôi, phương thức này hoàn toàn sát với thực tế vì khi các đơn vị xây dựng kế hoạch đấu thầu phải căn cứ trên mô hình bệnh tật của địa phương, số liệu lịch sử đã sử dụng trong năm vừa qua và các định hướng về kỹ thuật mới sẽ triển khai trong năm tới.
Phương thức này chỉ không sát với thực tế trong trường hợp việc xây dựng kế hoạch của các đơn vị không tốt. Điều này, Sở Y tế luôn theo dõi kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch bài bản, phù hợp thực tế.
Còn giá thuốc đấu thầu tại địa phương được tổ chức đấu rộng rãi, công khai minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Phương thức đấu 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ, phương pháp đánh giá về tài chính không dùng phương pháp giá đánh giá mà dùng phương pháp kết hợp giữa điểm giá và điểm kỹ thuật; đồng thời giá thuốc được lựa chọn trúng thầu không được cao hơn hoặc thấp hơn giá kế hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và không được cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã được công bố trên website của Bộ Y tế.
Mới đây, Chính phủ chỉ đạo đấu thầu thuốc tập trung do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam thực hiện. Ông có thể cho biết vài thông tin về phương thức này và Thừa Thiên Huế đang áp dụng triển khai như thế nào?
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiến hành đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia thí điểm chỉ với 6 danh mục thuốc. Đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam tổ chức thực hiện, Sở Y tế tập hợp nhu cầu sử dụng các loại thuốc trên địa bàn tỉnh gửi BHXH Việt Nam để tổng hợp xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hoàn thành quy trình đấu thầu… để thực hiện mua sắm theo kết quả lựa chọn nhà thầu kể từ ngày 1/1/2018.
Ông nghĩ thế nào về phương thức đấu thầu tập trung do BHXH Việt Nam thực hiện?
Việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia sẽ mang lại những lợi ích thiết thực. Trước đây nhiều đầu mối tổ chức tại nhiều địa phương thì doanh nghiệp muốn tham gia thầu phải có nhiều nhân lực và dành nhiều thời gian cho việc này, thì nay tất cả tập trung vào một đầu mối sẽ giúp giảm đầu mối tổ chức, giảm số lượng người tham gia…
Việc giảm các yếu tố trên cũng có nghĩa là giảm chi phí cho việc đấu thầu thuốc. Thêm nữa, do quy mô của gói thầu lớn nên sẽ góp phần làm giảm giá thuốc trúng thầu vì các nhà thầu cũng tiết kiệm được chi phí, hoạch định được kế hoạch sản xuất, cung ứng thuốc tốt hơn... Tất cả những yếu tố này giúp người bệnh được hưởng lợi thông qua việc giảm tiền thuốc, góp phần quan trọng vào việc giảm giá “gói” chữa bệnh bởi hiện tiền thuốc đang chiếm tỷ trọng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, ở phương thức đấu thầu với quy mô lớn, đơn vị trúng thầu phải cung ứng một số lượng thuốc lớn nên dễ xảy ra nguy cơ không đủ thuốc để cung cấp cho các đơn vị khám chữa bệnh. Hơn nữa, khi các loại thuốc có số lượng ít, nhà thầu không tham gia đấu thầu dẫn đến các cơ sở y tế sẽ thiếu thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Ông có đề xuất gì trong phương thức đấu thầu tập trung sắp đến?
Có thể, Bộ Y tế hay BHXH Việt Nam nên tổ chức đấu thầu thuốc tập trung tất cả các danh mục thuốc, sau đó các đơn vị từ Trung ương đến địa phương căn cứ trên giá đã được phê duyệt trúng thầu để mua.
Cám ơn ông về cuộc trao đổi!
Minh Văn (thực hiện)