Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì cuộc họp
Tính từ ngày 28/4 đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận 421 ca bệnh COVID-19, trong đó, 83 trường hợp ra viện đã được điều trị. Hiện, còn 2.837 người còn cách ly tập trung và hơn 3.900 trường hợp cách ly tại nhà. Với hơn 94.000 liều vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế phân bổ, Thừa Thiên Huế đã tiêm hết 85% số liều được phân. Số vắc xin chưa tiêm được ngành y tế chủ động dành để tiêm mũi 2 cho những trường hợp đến thời hạn.
Tại cuộc họp, đại diện các ngành/địa phương đã báo cáo BCĐ về công tác giám sát đối tượng hoàn thành thời gian cách ly tập trung tiếp tục được giám sát tại nhà; việc tổ chức nhập dữ liệu tiêm vắc xin trong Sổ sức khỏe điện tử; công tác phối hợp hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; đảm bảo cơ sở hạ tầng tốt hơn cho các chốt kiểm soát liên ngành.
Một số vấn đề khác được báo cáo là tình trạng công dân hoàn thành cách ly tập trung không về nhà mà tự thuê cơ sở lưu trú tiếp tục giám sát; kiểm soát tình trạng lây nhiễm chéo tại các điểm cách ly tập trung; chuẩn bị năm học mới đảm bảo an toàn phòng dịch; ưu tiên vắc xin…
Các ngành, địa phương dự họp trực tuyến
Từ đề xuất và kiến nghị của cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, phải điều chỉnh ngay quy trình giao - nhận người hoàn thành cách ly, quản lý người hoàn thành cách ly tập trung về giám sát tại cộng đồng. Thực tế ca bệnh F0 xuất hiện trong nhóm đối tượng hoàn thành cách ly tập trung, lây lan ra cộng đồng trong thời gian giám sát tại nhà cho thấy công tác giám sát của các địa phương còn quá lỏng lẻo.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các xã phải tự rà soát lại số lượng công dân hoàn thành cách ly tập trung đang thực hiện giám sát tại nhà có đảm bảo tuân thủ các yêu cầu phòng dịch hay không để quản lý chặt chẽ hơn. Điểm cách ly tập trung và các địa phương cũng phải chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về tình trạng để công dân hoàn thành cách ly tập trung tự ý thuê cơ sở lưu trú tự giám sát. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu để lọt F0 ra cộng đồng.
Về công tác hỗ trợ người dân Thừa Thiên Huế tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thống nhất phương án hỗ trợ mỗi hộ gia đình 1 triệu đồng, giao địa phương chủ động triển khai ngay, tỉnh nắm đầu mối quản lý.
Đối với việc đón người dân Thừa Thiên Huế thuộc nhóm yếu thế về địa phương, tỉnh đã sẵn sàng các phương án. Tuy nhiên, hiện nay TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Nam siết chặt các biện pháp phòng chống dịch nên việc tổ chức đón bà con về địa phương sẽ được thực hiện ngay khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam giảm mức độ giãn cách.
Liên quan đến việc nhập dữ liệu vắc xin chậm so với tiến độ tiêm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu Sở Y tế làm đầu mối, phối hợp với các địa phương để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ. Tiến độ nhập dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ phân bổ vắc xin về địa phương nên phải chấn chỉnh và triển khai quyết liệt.
Đồng Văn