|
Vẫn thói quen uống cà phê hút thuốc lá hiện nay ở lứa tuổi thanh niên |
Hôm trước khi đưa con đi chơi ở siêu thị GO! Huế, tôi thấy một người thanh niên một tay bế con, tay kia cầm điếu thuốc lá, miệng vô tư nhả khói. Nhìn hình ảnh đó bỗng dưng tôi thấy nhoi nhói lòng. Thế nhưng không hiểu sao mẹ cháu bé đứng cạnh vẫn không tỏ thái độ hay nói năng gì để bảo vệ lá phổi non của con mình, mà để mặc cho cháu hứng trọn khói thuốc phả ra từ người bố. Tôi nghĩ có thể chị kia đã từng phản đối nhưng có lẽ không mang lại kết quả, vì thói quen hút thuốc lá của người chồng đã “thắng” mối lo ngại cho sức khỏe của mẹ con chị. Hoặc chị ấy chưa hiểu hết những tác hại sức khỏe khi hút thuốc lá và người bên cạnh hít phải khói thuốc lá thụ động nên đã xem đó là chuyện thường.
Không ít lần đến sân bay hoặc vào ga tàu, tôi vẫn thường thấy nhiều thanh niên vô tư hút thuốc, thậm chí khi ngồi cạnh phụ nữ, trẻ em họ vẫn vô tư nhả khói. Có lần tại phòng đợi khách tại bến xe phía nam TP. Huế, tôi thấy một phụ nữ bịt khẩu trang, một tay ôm con một tay quạt cho khói thuốc lá bay đi bởi người đàn ông ngồi cạnh liên tục rít thuốc. Chị dường như chỉ biết tự bảo vệ con mình khỏi khói thuốc lá, nhưng vẫn không phản đối. Đến khi có nhân viên bán vé nhắc nhở, người đàn ông mới cười nhẹ xin lỗi và dập thuốc.
Thông thường ở các không gian văn phòng, hoặc các điểm giao dịch đông người khi có ai đó hút thuốc lá thì người bên cạnh phải vô thế ngửi khói thuốc đến một cách khó chịu ngột ngạt. Quan sát phần lớn các bến xe, tàu hiện nay đều dán biển “cấm hút thuốc lá” và các nhân viên quản trị, người có trách nhiệm nơi đây cũng thường nhắc nhở các trường hợp hút thuốc ở khu vực đông người, trên phương tiện xe tàu để bảo vệ hành khách… Nhưng tình trạng này thực sự chưa giảm.
Nhiều nghiên cứu trong y học gần đây đã chỉ ra rằng, bạn chỉ cần ở trong phòng có người hút thuốc lá 1 giờ đồng hồ thì số hóa chất độc hại được cơ thể tiếp nhận tương đương với việc hút 10 điếu thuốc/ngày. Thực tế khói thuốc nhả ra môi trường còn độc hại hơn cả khói thuốc được người hút hít vào. Những người hít khói thuốc thụ động từ người khác đang hút cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Vậy nên mới xảy ra trường hợp nhiều người không hút thuốc nhưng vẫn mắc các bệnh mãn tính về phổi, gan… chỉ vì trong gia đình có người thường xuyên hút thuốc lá.
Hiện nay, số người bị ảnh hưởng tình trạng hút thuốc lá thụ động nhiều nhất có lẽ ở công sở, tại các buổi tiệc đông người và thậm chí là ngay ở gia đình. Tuy nhiên có người cho rằng, dù không chịu nổi mùi thuốc lá nhưng mỗi khi bày tỏ sự phản đối, không những không nhận được sự đồng ý của đồng nghiệp, người thân, mà đôi khi còn gây căng thẳng các mối quan hệ nên đành chấp nhận. Lâu dần nhiều người xem việc ngửi khói thuốc lá là chuyện bình thường.
Một khi người hút thuốc lá vô tư nơi công cộng, để tự bảo vệ sức khỏe của mình và con cái, những người hút thuốc thụ động cần phản đối, đừng để “sống chung” với khói thuốc lá. Khi bị hít phải khói thuốc thụ động hãy lên tiếng, phản đối, hy vọng số người hút thuốc lá sẽ giảm đi, góp phần làm trong sạch môi trường sống, hạn chế tác hại đến sức khỏe.