Tư vấn bảo vệ sức khỏe cho đồng bào Thượng Quảng (Nam Đông)
Thầy mo hết đất sống
Bác sĩ Lê Tấn Dũng, Trưởng trạm Y tế Thượng Long, người gắn bó với ngành y tế Nam Đông hơn 20 năm, say sưa kể những chuyện khi hồi đầu lên công tác. Hồi đó, bất cứ bệnh gì, kể cả do tai nạn lao động, người dân đều tin rằng là do “con ma rừng” quở trách. Phải giết gà, giết ngỗng, nhang khói cúng bái mới hết bệnh. Thực tế là tiền mất tật mang. Cách đây hơn 10 năm, có một ca viêm ruột cấp ở tận bản Cha Ke, xã Thượng Long. Người nhà không đưa đến trạm dù các thầy mo trong làng đã giở hết phép. Thông tin từ cơ sở, bác sĩ Dũng đoán ra bệnh. Gạt mọi công việc, bác sĩ Dũng tìm về bản. Đến nơi, bác sĩ Dũng biết bệnh nhân bị viêm ruột ở mức độ nhẹ nên cho thuốc và dặn dò người nhà chăm sóc. Vài hôm sau, bác sĩ Dũng cùng anh em ở trạm vào kiểm tra thấy bệnh nhân khỏe hẳn. Từ đó, ý nghĩ “tài chữa bệnh của bác sĩ hơn các thầy mo trong làng” dần hình thành, bác sĩ Dũng kể.
Loại trừ các hủ tục, cúng bái trừ “con ma rừng” là việc làm lâu nay của cán bộ y tế ở vùng cao. Những câu chuyện mãi ám ảnh mà ngay chính đồng bào, khi được tiếp cận với kiến thức y học mới thấy những hủ tục của dân làng nơi mình đang sống thực đáng sợ. Bác sĩ Võ Văn Trình, 53 tuổi, Trưởng trạm Y tế thị trấn Khe Tre, nhớ lại những ngày cắm chốt ở Trạm Y tế xã Thượng Quảng mà trăn trở với những cái chết đau buồn chỉ vì bà con nghe theo lời thầy mo. Phương cách của các thầy mo cúng chữa bệnh là hú và “thổi”. Thời gian cúng là vào chập choạng tối. Bệnh đau chỗ nào là “thổi” vào chỗ đó. Để chữa trị, thầy mo mang trang phục áo quần, khăn bịt trán màu đỏ tay cầm đuốc và tay cầm nhang rực lửa lướt vào chỗ đau và đọc lầm rầm điều gì đó không ai hiểu.
Hơn 10 năm trước, bác sĩ Trình “cứu sống” nhiều trường hợp khi về bản để vận động người nhà đưa những ca bệnh quai bị, tiêu chảy, sốt xuất huyết... sau khi người nhà đã mời thầy mo cúng bái mà không khỏi. Bác sĩ Trình kể, năm 1994, ở vùng xa thôn 7, Thượng Quảng có một thanh niên đi rừng trở về phát sốt nằm mấy ngày liền không khỏi. Người nhà bảo do “con ma rừng” ám, khiến cho bệnh nhân nóng lạnh thất thường. Lúc đó, dù đang trực ở trạm nhưng bác sĩ Trình tức tốc vào bản để khám. Do mấy ngày bệnh nhân không ăn uống, khiến người mệt lả, tụt huyết áp, bác sĩ Trình phải sơ cứu, chuyển ra Trung tâm Y tế huyện điều trị, 2 ngày sau bệnh nhân trở lại bình thường.
Đau là đến trạm
Anh Nguyễn Hữu Trung, cán bộ quân y Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An (Phú Vang), người có nhiều năm gắn bó ở Đồn cửa khẩu A Đớt (A Lưới), địa bàn giáp biên giới Lào kể, năm 2000, Trung mới được điều lên công tác, ở khu vực cạnh Đồn biên phòng A Đớt có người đàn ông đau bụng hai ngày liền, nhưng vợ và con nghĩ đó là do đắc tội với ma rừng nên bị bắt mang theo Giàng. Vậy là cúng bái để cầu khẩn. Nghe tiếng hú của thầy mo vọng từ xa, anh Trung tìm đến giải thích, yêu cầu người nhà đưa bệnh nhân đến trạm y tế. Vận động mãi, người nhà không nghe, anh nói; “Tôi là bác sĩ chữa bệnh, cứu người. Nếu không nghe lời tôi người bệnh sẽ chết”. Từ lời nói ấy, trong nhà mời anh ở lại hỏi chuyện. Anh khuyên gia đình nấu cháo trắng cho bệnh nhân ăn, rồi cho uống mấy viên thuốc Beberin. Chỉ nửa giờ sau, khuôn mặt người bệnh tươi hẳn. Sau đó, anh tư vấn, vận động đưa bệnh nhân đến Trạm Y tế xã điều trị.
Không lâu sau đó, trường hợp khác là ông Hồ Văn Tè, thôn Ba rít đi rừng kiếm củi bị rắn cắn, mấy ngày sau bị sưng hạch to đùng ở háng nhưng cứ cho rằng bị ma ở cây củi đó phạt nên mời thầy về “thổi”. Khi anh Trung tìm đến, hạch sưng to, người bệnh đờ đẫn. Lúc đó không thể đoán chắc là có thể kháng lại chất độc do rắn hay không, vì thời điểm người bị rắn cắn đã khá lâu. Cuối cùng, anh “dụ ngọt”, thuyết phục người nhà đồng ý cùng cán bộ quân y Đồn biên phòng A Đớt cõng ông Tè ra điều trị tại trạm y tế xã. “Những ai cùng ăn, ở với bà con dân tộc mới hiểu. Muốn nói cho họ nghe, làm theo điều gì thì phải chứng minh cụ thể. Chuyện bà con ốm đau, vận động uống thuốc là một chuyện, nhưng để họ tin mới là khó. Phải chữa được những bệnh mà thầy mo không chữa khỏi thì bà con mới tin vào y học, tin vào bác sĩ”, anh Trung nói.
Bác sĩ Hồ Thị Thanh Hoa, Trưởng trạm Y tế xã A Đớt, người mặc blouse trắng ở xã A Đớt hơn 16 năm nay cho rằng, là bác sĩ không thể để bà con quanh mình chết vì không hiểu biết. Dù trong hoàn cảnh nào, hễ nghe, phát hiện chuyện đau ốm điều trị bằng lễ cúng bái, “thổi”, chị đều tìm đến giải thích vận động với lời lẽ, bằng chứng cụ thể. Những chiến dịch phòng dịch bệnh, tiêm chủng... ở địa bàn hiếm khi chị vắng mặt. Nhiều trường hợp khó khăn, ca bệnh nặng ở bản xa, chị không nề hà tìm đến hỗ trợ khám điều trị. Việc làm thành tâm của bác sĩ Hoa dần dần làm thay đổi cách suy nghĩ của bà con. Theo bác sĩ Hoa, hiện tại, bà con không còn nghĩ đến hủ tục cúng bái. Khi bà con đau là tìm đến Trạm Y tế xã. Hiện trung bình, mỗi ngày trạm y tế đón từ 30 - 40 bệnh nhân khám, điều trị, lấy thuốc. Nhiều trường hợp được bác sĩ khám, tư vấn, phát hiện bệnh nặng chuyển tuyến điều trị kịp thời...
Mới đây ghé thăm Bệnh viện huyện A Lưới, gặp Hồ Văn Xá ở xã Nhâm vừa lấy thuốc từ phòng khám chia sẻ: “Mình bị đau cái bụng. Vào khám, bác sĩ bảo rối loạn tiêu hóa rồi cho thuốc. Bác sĩ khuyên phải ăn uống điều độ, không ăn bậy bạ và phải bỏ rượu”. Bác sĩ CK II Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới chia sẻ, hiện cơ sở hạ tầng y tế xã đã nâng cấp, tầng hóa, 100% trạm có bác sĩ và cán bộ y tế phụ trách các phòng chức năng... đã giúp bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa tiếp được các dịch vụ y tế, khám chữa bệnh. Đó là điều kiện để đuổi “con ma rừng” bao năm đã ăn sâu vào tiềm thức của đồng bào vùng cao.
Bài, ảnh: Minh Văn