ClockThứ Hai, 17/02/2020 13:30

Huỳnh Phúc Minh & "robot" phục vụ bệnh nhân cách ly nghi nhiễm COVID-19

TTH - Âm thầm cống hiến, không muốn kể nhiều về bản thân, nên phải năm lần bảy lượt, cuộc hẹn để hiểu thêm về những đóng góp trên tinh thần đặt lợi ích bệnh nhân và người thăm nuôi lên hàng đầu của ThS. Huỳnh Phúc Minh, Trưởng đơn vị Quản lý dịch vụ buồng bệnh (Bệnh viện Trung ương Huế) mới được anh chấp thuận.

Du lịch Đông Nam Á chịu tổn thất lớn do COVID-19Bộ Y tế: Tiếp tục cách ly 61 người nghi nhiễm Covid-19Nvidia cắt giảm triển vọng doanh thu do Covid-19

ThS. Huỳnh Phúc Minh (trái) trong thời điểm tìm tòi để chế tạo "robot"

Cải tiến xe đồ chơi để phòng, tránh lây nhiễm COVID-19

Trong hơn một tháng, kể từ khi bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona (COVID-19) có chiều hướng diễn biến phức tạp, Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó chủ công là GS.TS. Phạm Như Hiệp đã cùng cấp dưới là ThS. Huỳnh Phúc Minh, Trưởng đơn vị Quản lý dịch vụ buồng bệnh lên ý tưởng và bắt tay vào chế tạo robot có nhiệm vụ đưa thức ăn và thuốc đến từng bệnh nhân bị cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm COVID-19.

Được cải tiến từ xe ô tô đồ chơi điều khiển từ xa của trẻ em, robot này thay thế đội ngũ nhân viên y tế ở công đoạn đưa thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm… giúp họ giảm áp lực khi hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, tránh bị lây nhiễm trong quá trình điều trị cũng như góp phần giảm lây lan COVID-19 ra cộng đồng.

“Gọi robot nghe “hoành tráng” quá, tôi không dám nhận bởi thật ra cấu tạo của nó rất đơn giản. Chúng tôi dùng xe điện tử lắp chíp tự động điều khiển, tận dụng bình điện 12V, lắp thêm hệ thống sạc pin, sau đó tính toán khối lượng sức chứa (60kg), tốc độ (20km/h) và khoảng cách điều khiển từ xa (30m) hợp lý. Với hệ thống thùng chứa 4 ngăn nhỏ gọn, “robot” này có thể “luồn lách” qua cửa các khoa trong bệnh viện”, ThS. Huỳnh Phúc Minh chia sẻ.

Mới nghe qua, ắt nhiều người không đánh giá cao cải tiến này. Nhưng nếu chứng kiến chú robot có thể rẽ trái, phải, quay đầu, luồn qua những lối đi hẹp để đưa thức ăn, thuốc cho bệnh nhân ở một số phòng cách ly do nghi nhiễm COVID-19 với độ linh hoạt, chính xác cao mới thấy, cái gọi là “đơn giản” của ThS. Huỳnh Phúc Minh lại không hề đơn giản chút nào. Và ở góc độ nào đó, nó là kết tinh của trí tuệ, của tìm tòi sáng tạo và tâm ý trong việc chung tay bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Đó không phải là tất cả những gì ThS. Huỳnh Phúc Minh đã và đang đóng góp, cống hiến trong thời gian công tác tại đây.

Những mảng xanh quanh không gian bệnh viện giúp bệnh nhân và người thăm nuôi thoải mái hơn trong thời gian lưu lại bệnh viện

Đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu

Sinh năm 1983, cơ duyên đã kéo chàng trai quê Phú Mậu (Phú Vang) tốt nghiệp Trường trung cấp Du lịch Huế, cử nhân sư phạm tiếng Trung, cử nhân sư phạm tiếng Anh, từng kinh qua vai trò quản lý ở nhiều khách sạn hạng sang ở Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh đến “đầu quân” cho Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2013, công tác tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế. Đến năm 2017, Phúc Minh được đề bạt làm Trưởng Quản lý dịch vụ buồng bệnh. Hoàn thành xong Thạc sĩ Quản lý công năm 2019 cùng việc bổ sung thêm các chứng chỉ, kiến thức trong lĩnh vực y tế cũng là khi Minh được đề bạt làm Trưởng đơn vị này.

Cũng trong thời gian này, những sáng kiến, cải tiến của ThS. Huỳnh Phúc Minh đã góp phần đem đến những thay đổi tích cực nơi anh công tác.

Bệnh viện là nơi chẳng ai muốn đến, nhưng lại khó ai tránh khỏi phải đến cái nơi không muốn đến ấy ít nhất một lần trong đời. Hoặc để khám, điều trị, hoặc để thăm người thân, và dù với tư thế nào thì chẳng mấy ai vui vẻ, tình nguyện, thậm chí còn lo âu… bởi, mùi thuốc sát khuẩn, không gian ngột ngạt, hay quang cảnh phòng bệnh dù sạch sẽ nhưng tuyền một màu trắng vô tình tạo áp lực tâm lý với bệnh nhân và cả người thăm bệnh.

“Đọc” được suy nghĩ, cảm giác trên, Huỳnh Phúc Minh với nghiệp vụ buồng phòng từng học đã mạnh dạn đề xuất với Ban Giám đốc Bệnh viện để rồi từ đó, những vỏ gối, chăn trắng toát được thay thế bằng màu đỏ bordeaux sang trọng, còn trên từng bức tường phía trong lẫn ngoài phòng bệnh là những bức tranh, ảnh nghệ thuật được phóng to treo lên, vừa tạo cảm giác ấm cúng, vừa giúp bệnh nhân, người thăm nuôi cảm thấy gần gũi, quen thuộc như đang ở nhà.

Sau những ngày “lân la” quanh khuôn viên bệnh viện, tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của từng người, Phúc Minh nhận thấy cần thay đổi không gian để giúp mọi người cảm thấy thư thái hơn, lạc quan hơn trong những ngày lưu lại bệnh viện. Nghĩ là làm, chỉ sau thời gian ngắn, cả 3 bệnh viện đều phủ nhiều hơn màu xanh của cây, nhiều hơn những hương, sắc của hoa. “Tính đến hiện tại, Bệnh viện Trung ương Huế (cơ sở 1 và 2) và Bệnh viện quốc tế đã trồng thêm hơn 7.300 cây các loại cùng hơn 500 chậu hoa”, Phúc Minh nói.

Ngoài những thay đổi trong phòng bệnh, tạo thêm không gian xanh, đặt thêm ghế đá quanh khuôn viên bệnh viện giúp bệnh nhân và người nhà nghĩ ngơi thoải mái, Phúc Minh còn hệ thống để từ đó làm gần 2.000 bảng biểu sơ đồ khoa, số phòng, số giường, các loại bảng hướng dẫn… bằng hai thứ tiếng Việt – Anh, mà theo lời Minh là giúp bệnh nhân trong nước và nước ngoài thuận tiện hơn khi đến khám, điều trị.

Áp dụng những gì đã học cộng thêm sáng tạo, Phúc Minh cùng đơn vị được đánh giá cao ở các dịch vụ phục vụ bệnh nhân, như: gội đầu, cắm hoa, kê giường phụ, giặt là, phục vụ suất ăn tận giường…, cũng như đáp ứng được nhu cầu của phòng bệnh cao cấp President và Double Twin ở Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế, cũng như góp công lớn khi Bệnh viện Trung ương Huế đạt danh hiệu bệnh viện “xanh - sạch - đẹp”, chất lượng buồng bệnh tiêu chuẩn tương đương 4 sao cùng giải A tại cuộc thi “Bệnh viện xanh vì sức khỏe cộng đồng” của Bộ Y tế.

Sáng kiến của ThS. Huỳnh Phúc Minh giúp đội ngũ y, bác sĩ giảm áp lực và góp phần hạn chế lây lan virus COVID-19

Vĩ thanh

Lặng lẽ cống hiến, kiệm lời khi nói về bản thân, nhưng với những sáng tạo gắn với nhu cầu thiết thực, đặt lợi ích người bệnh lên hàng đầu khi cải tiến ruột gối để tránh dịch tiết thấm vào nhằm đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, vừa không ảnh hưởng đến giấc ngủ bệnh nhân; sáng chế thùng rác thông minh, xe tưới nước di động; kê thêm giường phụ để bệnh nhân không phải nằm ghép; đáp ứng nhu cầu tối thiểu về giấy vệ sinh, xà phòng rửa tay cho bệnh nhân…, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi Huỳnh Phúc Minh được bệnh nhân và người nhà ghi nhận, được Bộ trưởng Bộ Y tế và Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khen thưởng.

Liên tục từ 2016 - 2019, Huỳnh Phúc Minh vừa đóng vai trò tham gia, vừa là chủ nhiệm các đề tài rất thiết thực để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân và người nhà, như: “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ buồng phòng”, “Cải tiến kỹ thuật kê thêm giường phụ”, “Quản lý đồ vải tập trung”, “Cải tiến kỹ thuật làm sạch (vệ sinh) bệnh viện”, “Chế tạo xe tưới nước di động”, “Thùng rác thông minh”, “Cải tiến giao tiếp ứng xử thông qua khảo sát phiếu đánh giá chất lượng buồng bệnh”…

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Robot thông minh của ngành điện

Nhằm giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của ngành điện, mới đây kỹ sư Hoàng Ngọc Hoài Quang cùng 4 cộng sự ở Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) đã nghiên cứu chế tạo ra robot tự hành điều khiển từ xa, phục vụ công tác giám sát vận hành trạm biến áp 110kV không người trực (KNT). Đây là đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XIV, năm 2024 và đoạt giải Ba.

Robot thông minh của ngành điện
Từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất

Nhiều tuyến đê sông, đầm phá trên địa bàn tỉnh xuống cấp, cao trình đỉnh đê thấp, không đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt khi có triều cường và lũ tiểu mãn. Ngoài trồng rừng ngập mặn “hộ đê”, từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất là yêu cầu cần thiết hiện nay.

Từng bước nâng cấp các tuyến đê phục vụ sản xuất
Return to top