Nhân viên trực chốt tại tổ dân phố 2, thị trấn A Lưới
Sáng 15/8, UBND huyện Phú Lộc ra quyết định tạm đình chỉ công tác Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký. Quyết định này được đưa ra chưa đầy 12h sau khi lực lượng phản ứng nhanh của huyện “bắt được” trường hợp giao UBND xã Lộc Thủy giám sát cách ly y tế tại nhà nhưng lại ra khỏi nhà, ăn giỗ với 22 người khác. Sau khi có kết quả test nhanh dương tính với SARS - CoV - 2 của trường hợp này, cơ quan chức năng lấy mẫu và xác định 5 người khác trong cùng gia đình có kết quả test nhanh dương tính với SARS - CoV - 2, trong đó có cả em bé sinh năm 2021. Xét tính chất sự việc, UBND huyện đã ra quyết định tạm thời đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy vì chỉ đạo công tác giám sát y tế tại nhà các trường hợp sau cách li tập trung không nghiêm, để xảy ra nguy cơ lây lan dịch COVID - 19 ra cộng đồng.
Còn tại A Lưới, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID - 19 tỉnh buộc phải ra quyết định thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 với tổ dân phố 2 và giãn cách theo Chỉ thị 15 đối với toàn bộ thị trấn. Nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng giãn cách là do trên địa bàn xuất hiện ca F0 trong cộng đồng. Ca này vốn là nhân viên y tế phục vụ tại khung cách ly tập trung của Trường Dân tộc nội trú huyện A Lưới. Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID - 19 huyện A Lưới, ngày 4/8, khu cách ly tại Trường Dân tộc nội trú huyện tiếp nhận một trường hợp trở về từ TP. Hồ Chí Minh. Kết quả xét nghiệm ngày 13/8, trường hợp này dương tính với SARS - CoV - 2. Xét nghiệm những người từng tiếp xúc với người này tại khu cách ly, lực lượng chứng năng xác định nhân viên y tế phục vụ khung cách ly cũng có kết quả dương tính. Qua điều tra, truy vết, ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID - 19 huyện A Lưới “tá hỏa” vì sau khi hết ca, rời khu cách ly, nhân viên y tế này đã đến trạm y tế xã A Ngo để làm việc, ngoài ra cũng thường xuyên ghé đến một quán cà phê trên địa bàn để chơi cờ tướng.
Nói về nhân viên y tế không giữ mình sau khi rời khu cách ly, BSCK II Lê Quang Phú, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện A Lưới thừa nhận mặc dù đã nhắc nhở nhân viên thường xuyên giám sát sức khỏe, nhưng người này vẫn đi cà phê. Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ. Tuy nhiên trong đó có cả trách nhiệm của trung tâm y tế trong việc giám sát cán bộ của mình.
Vậy nhưng, nói vậy là không đủ. Trong các văn bản hướng dẫn của Bộ y tế và cả của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID - 19 về việc xây dựng, vận hành khung cách ly đều đã nói rõ, các cán bộ, nhân viên được huy động làm việc tại khung cách ly cũng phải được cách ly trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ. Nói như vậy, mỗi đợt cách ly công dân kéo dài 14 ngày thì số cán bộ của khung, cũng phải được cách ly 14 ngày. Nhưng tại A Lưới, Trung tâm y tế huyện lại tham mưu thực hiện phương án cán bộ y tế trực theo “tour”, mỗi “tour” 2- 3 ngày. Sau ca trực, cán bộ được về nhà, sinh hoạt và đi làm như bình thường.
Với cách làm này, có thể nhìn nhận Trung tâm y tế huyện A Lưới mà cụ thể là giám đốc trung tâm đã không đánh giá hết mức độ nguy hiểm của bệnh dịch. Hoặc có vấn đề về việc đọc, hiểu, chấp hành cách chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên. Các lý do về thiếu cán bộ, nhận thức lúc này khó có thể chấp nhận vì với sự chểnh mảng, “khó hiểu” của Trung tâm y tế, Ban chỉ đạo phòng dịch COVID - 19 huyện A Lưới mà 240 người dân thuộc 67 hộ tổ 4, tổ dân phố 2 bị phong tỏa theo Chỉ thị 16, hơn 7.000 người dân thị trấn A Lưới phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15.
Nói về sự chểnh mảng, lại nhớ thời điểm chúng tôi đến làm việc tại khu cách ly T5, khi thấy hai dân quân tự vệ lo lắng, ngại việc, lãnh đạo khung đã gọi lên giữa hàng quân đề nghị báo cáo để được thay người. Khi đã xác định dịch COVID - 19 rất nguy hiểm, toàn Đảng, toàn dân đang đối phó như một cuộc chiến thì trong đội quân phải là những người nhiệt huyết, dám nhận trách nhiệm, xông pha, chấp nhận hy sinh, lúc đó, dịch bệnh mới được đẩy lùi, cuộc chiến với bệnh dịch mới giành thắng lợi.
Bài, ảnh: Dương Quang Nhật