Thật ra thì chuyện này cũ xì. Có ai mà không biết đâu. Người ta viết chuyện này hoài mãi rồi. Có lẽ vấn đề cần nói ở đây là chúng ta đã phải chịu đựng nhau như thế nào.
Cô bạn của tôi có đêm hình như không ngủ được – là tôi đoán thế vì thấy tin nhắn của bạn lúc 22 giờ 17 phút hỏi là tôi đã ngủ chưa, tiếp theo là một cái i con chun mũi, với lời đi kèm là vì bạn chị mà em không ngủ được. Bạn chị đi nhậu về rồi nằm vật ra ngủ, hơi thở nặng mùi bia và thuốc lá. sáng sau, khi nhìn thấy tin nhắn, tôi vừa buồn cười vừa thấy thương. Biết là cô hết cách với bạn tôi - cũng là chồng cô - rồi mới tìm chỗ cảm thông chứ có ai mà muốn làm phiền người khác lúc đêm.
Tôi cũng là người phải chịu đựng, và không biết có bị bội nhiễm không vì cái thứ khói thuốc ấy nó ở quanh mình, ở nhà, ngoài đường, cơ quan rồi lại về nhà. Tất nhiên là tôi cũng thuộc dạng “hết cách”, nhưng được cái người nhà còn biết điều, người mà dậy mùi quá sau các cuộc trà dư tửu hậu với bạn bè thì tự động ôm gói ra chỗ khác ngủ, trả bình yên cho đối tác thường xuyên. Những nơi khác thì lại phụ thuộc vào sự tự giác và cả tự trọng nữa của những người đồng hành các kiểu với thuốc lá. Có lần, tôi mua mấy chiếc bánh ít nhân trần ngoài chợ, trông nó trắng và ngon nhưng khi đưa lên miệng thì không chịu được vì mùi thuốc. Sau rồi mới nhớ mệ bán bánh có ngậm một điếu Cẩm lệ. Lần khác, ấn tượng đến nỗi tôi còn “thù dai” đến bây giờ, là khi đồng chủ trì một cuộc họp, tôi đã phải quay sang nơi khác, hoặc nghiêng người một góc 45 độ để tránh mùi thuốc lá từ người bên cạnh khi anh hoặc tôi cần trao đổi. Vì cơn cớ của sự nhức đầu chóng mặt đến tận tối mà tôi đã hoang mang thán phục người nhà của anh khi phải đồng hành với thứ mùi đặc trưng ấy hàng chục năm trời. Thấm hơn cái câu khi thương thì củ ấu cũng tròn.
Lại có hôm, tôi bất giác nao hết cả người và nhăn hết cả mặt khi đồng nghiệp khác ghé phòng đưa một văn bản với sự “khuyến mại” hào phóng của mùi thuốc. Cơ quan cũng chẳng còn mấy anh có sẵn thuốc lá trong túi nữa và cũng đã có quy định cụ thể về việc không có khói thuốc nơi làm việc, nên người có chút màu, chút mùi này rất dễ nhận biết. Nhắc hoài, cũng chỉ những người hay hút mới không cảm thấy khó chịu và không tự ái thôi. Mà cứ nhìn mấy ngón tay ám vàng, những cái cười sẫm màu, chắc chả mấy người thấy lòng mình nhẹ...
Một đồng nghiệp khác của tôi cũng kể, anh bỏ thuốc được dăm năm rồi. Khỏe mạnh hẳn và chẳng thấy có gì phải lấn bấn hàng giờ, hàng ngày. Anh cũng bảo, giờ cũng không chịu nổi mùi thuốc và dị ứng với những ngón tay ám vàng, bảo thế mới biết người ta đã phải chịu đựng mình như thế nào.
Tôi thì chỉ mong, mình sẽ gặp được những nụ cười trong và một không gian lành, sạch nơi mình đến và trở về...
Mai Hoa