Ông Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh
Việc cấp mã số BHXH được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 của ngành BHXH. Mỗi người dân được cấp một mã số BHXH mang lại ý nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý cũng như mang lại nhiều lợi ích quan trọng đối với chính họ.
Người sử dụng thẻ hiểu như thế nào về mã số định danh?
Mã số BHXH được xem như là mã số định danh cá nhân của người tham gia BHXH được cơ quan BHXH cấp và nó gắn liền xuyên suốt với quá trình đóng BHXH, BHYT của mỗi cá nhân. Mã số BHXH là dãy số tự nhiên bao gồm 10 chữ số; trong đó: 02 số đầu là mã tỉnh, 08 số tiếp theo là số tự nhiên, tương ứng với số sổ của sổ BHXH và 10 số cuối của thẻ BHYT.
Mã số ghi trên thẻ BHYT gồm 15 ký tự, trong đó 10 ký tự cuối là mã số BHXH. Riêng 5 ký tự đầu của mã thẻ BHYT sẽ thay đổi khi có sự điều chỉnh về nhóm tham gia, mức quyền lợi tương ứng của người tham gia BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT, thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất. Hai ký tự tiếp theo (ô thứ 3): được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT. Dựa vào các ký tự trên, người dân có thể tự xác định được mình thuộc nhóm đối tượng tham gia nào và quyền lợi của mình khi đi KCB BHYT.
Vậy có tiện ích gì khi sử dụng mã số BHXH, thưa ông?
Khi tham gia vào các giao dịch về BHXH, BHYT, người tham gia chỉ cần cung cấp mã số BHXH của mình để được hưởng các chế độ BHXH, BHYT và tự người tham gia cũng có thể kiểm tra thông tin về quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của mình.
Người tham gia khi khám bệnh BHYT, các cơ sở KCB có thể tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT của người KCB trên cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT và biết được thẻ BHYT có còn giá trị sử dụng hay không.
Đối với đơn vị sử dụng lao động, thông qua mã số BHXH của từng người lao động trong đơn vị, đơn vị sử dụng lao động có thể giảm tải được thời gian khi kê khai, cập nhật thông tin BHXH, BHYT của người lao động, qua đó giải quyết chế độ BHXH, BHYT nhanh chóng hơn, góp phần quan trọng vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Đối với cơ quan BHXH, mã số BHXH được cập nhật trong hệ thống dữ liệu, cơ quan BHXH sẽ quản lý được chặt chẽ quá trình đóng, hưởng BHXH, BHYT của từng cá nhân, dễ dàng kiểm soát được có hay không việc trốn đóng BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động cũng như ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, quỹ BHXH. Có thể cấp lại sổ BHXH, thẻ BHYT tại bất kỳ cơ quan BHXH trên toàn quốc, thủ tục hành chính đơn giản hơn rất nhiều.
Bộ phận giải quyết hồ sơ về BHXH
Người dân không đem thẻ BHYT vẫn khám bệnh được không?
Theo nguyên tắc, khi đi khám bệnh, người bệnh phải mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân có ảnh mới được đăng kí khám chữa bệnh BHYT và được quỹ chi trả theo quy định. Tuy nhiên, với những trường hợp người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh mà cơ sở khám chữa bệnh có số thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó không mang theo thẻ BHYT vẫn được BHXH thanh toán chi phí.
Thời gian tới, khi được Chính phủ đồng ý, BHXH Việt Nam sẽ dùng thẻ BHYT điện tử để quản lý thông tin về khám chữa bệnh. Khi đó, người dân đến khám ở các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội thì chỉ cần dùng đầu đọc thẻ chip là sẽ hiển thị toàn bộ thông tin thẻ.
Liệu đổi thẻ BHYT với quy mô lớn có tạo sự xáo trộn, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT?
Đổi thẻ BHYT hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Bởi, khi cấp số BHXH định danh cá nhân, thông tin cá nhân đã được đồng bộ với thông tin mã hộ gia đình, nên sẽ không làm xáo trộn đến hệ thống cấp thẻ BHYT cho người tham gia. Việc cấp mã số thẻ mới cũng được thực hiện theo lộ trình, những thẻ BHYT đang còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến hết hạn. Đồng thời, việc cấp đổi giúp quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia, từ đó sẽ kiểm soát việc trốn đóng BHXH, BHYT của các đơn vị sử dụng lao động.
Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về tình hình cấp mã số định danh trên địa bàn tỉnh?
Tính đến nay, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng bộ mã số BHXH là 90%. Việc in và đổi thẻ BHYT (mới) theo mã số BHXH cho toàn bộ người tham gia đã có mã số BHXH theo nguyên tắc ưu tiên thẻ BHYT hết giá trị sử dụng trước ngày 31/12/2017. Đối với người tham gia chưa có mã số BHXH in và chuyển danh sách người tham gia BHXH, BHYT chưa có mã số BHXH (mẫu MS1) và tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) theo đơn vị quản lý đối tượng và nhóm đối tượng để bổ sung thông tin còn thiếu. BHXH Việt Nam yêu cầu, chậm nhất đến ngày 30/6/2018, phải thực hiện xong việc in, đổi thẻ BHYT (mới) theo mã số BHXH cho tất cả các đối tượng còn lại. Tuy nhiên, BHXH tỉnh sẽ phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/3/2018.
BHXH tỉnh sẽ tạo điều kiện cho người dân thế nào trong việc cấp mã số định danh?
BHXH sẽ áp dụng quy trình mới rút ngắn thời gian cấp sổ BHXH từ 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Riêng đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày, việc cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong 2 ngày, có thay đổi thông tin không quá 3 ngày.
Sau khi được cấp thẻ BHYT theo mã mới, người lao động phải lưu ý điều gì để bảo vệ được quyền lợi?
Người tham gia có thể thực hiện việc tra cứu thông tin tại Cổng Thông tin của BHXH Việt Nam (địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn) để biết về quá trình tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, trách nhiệm đóng BHXH của người lao động và người sử dụng lao động, chi phí BHYT được hưởng nếu đã KCB BHYT và thông tin giá trị sử dụng của thẻ BHYT.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
HUẾ THU (Thực hiện)