ClockThứ Tư, 29/09/2021 13:52

Phòng, chống COVID-19: Cuộc chiến giữ vùng an toàn - kỳ II: Cùng ý chí, chung tấm lòng

 

 

Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi địa phương trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc chiến chống COVID-19. Không chỉ chống dịch trực tiếp, họ còn sẻ chia yêu thương cùng đồng bào mình đang gặp khó khăn. Như lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, xã phường trở thành “pháo đài”, người dân trở thành “chiến sĩ” trên mặt trận đẩy lùi COVID-19.

 

Những ngày cuối tháng 8/2021, mùa thu ở Huế không còn bình yên khi tình hình COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Cuộc chiến chống dịch ở Thừa Thiên Huế phát sinh thêm tình huống khi một số trường hợp đang giám sát y tế tại nhà không chấp hành nghiêm, dương tính với SARS-CoV-2, lây lan cho những trường hợp khác, tạo thành ổ dịch mới trong cộng đồng.

Nhiều chốt phong tỏa được thiết lập nhằm kiểm soát nguồn lây

Điển hình là trường hợp P.T.T.T ở Lộc Thủy - Phú Lộc có kết quả xét nghiệm dương tính khi đang cách ly tại nhà, kéo theo 5 ca F0 là người thân trong gia đình cùng 84 F1 trong quá trình ăn giỗ, ghé hàng quán… Liên quan đến ổ dịch này, sáng 15/8, UBND huyện Phú Lộc đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy vì chỉ đạo giám sát y tế tại nhà các trường hợp sau cách ly tập trung không nghiêm.

Tiếp đó là các trường hợp F0 trong thời gian cách ly tại nhà ở huyện Nam Đông, xã Hải Dương, P. Hương Vinh (TP. Huế)… khiến hoạt động phòng chống dịch trong cộng đồng trở nên phức tạp. Từ chủ trương và lời kêu gọi của chính quyền các cấp, nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, đưa làng xã trở thành những "pháo đài" chống dịch.

 

Người dân Nam Đông tiếp tế nhu yếu phẩm cho người nhà cách ly ở các công trình không người ở trên địa bàn

Đó là khu cách ly đặc biệt được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã Phú Thuận - Phú Vang trưng dụng Trung tâm thí nghiệm thực hành của Trường đại học Nông Lâm đóng trên địa bàn. Toàn bộ chi phí cách ly đều miễn phí, từ kêu gọi hỗ trợ. Không chỉ thế, khu cách ly này còn “chia lửa” khi đón một số công dân xã Vinh Hà về nhà cách ly. Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, các công dân vào khu cách ly tập trung hầu hết nhà cửa khó khăn, phòng ốc không bảo đảm các tiêu chí. Sau khi địa phương vận động, nhiều người tự nguyện viết đơn và chấp hành cách ly tập trung.

Siết chặt quản lý, giám sát y tế tại nhà

Tại phường Hương Vân, T.X Hương Trà, nhiều gia đình nhường nhà cho con cái người thân về cách ly. Hàng ngày, người nhà tiếp tế nhu yếu phẩm cho con em theo nhu cầu. Bà Lê Thị Gái, một hộ dân có con trai trở về từ TP. Hồ Chí Minh kể: “Con trai về nhà tiếp tục giám sát y tế 14 ngày, chồng tôi khăn gói qua nhà bà con, vợ chồng hai đứa con đang ở chung cũng chuyển về nhà ngoại tạm thời. Cả nhà ưu tiên cho người cách ly. Tôi lo cơm nước, phục vụ hàng ngày cho cháu. Mình vừa giữ sức khỏe cho cho gia đình vừa phải đảm bảo an toàn cho chòm xóm nên mỗi người chịu khó một xí”.

 

Lực lượng chức năng Hương Vân (T.X Hương Trà) kiểm tra, động viên các trường hợp cách ly tại nhà

Chung tay nhường nhà cho người thân cách ly chống dịch, nhiều hộ dân ở thôn K4, xã Hương Phú huyện Nam Đông chuyển qua ở nhà bà con. Những nhóm người ở chung phòng cách ly còn được bố trí sinh hoạt tập trung tại những công trình Nhà nước hoặc nhà dân. Ở Phong Điền, Quảng Điền, chính quyền địa phương trưng dụng đình làng, nhà văn hóa cộng đồng, trường học... phục vụ cách ly kéo dài cho công dân trở về từ các khung tập trung. Đây là một trong những cách làm sáng tạo, ra đời từ thực tiễn chống dịch ở Huế.

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương hoan nghênh các địa phương linh hoạt bố trí vị trí, khu vực riêng cách ly cho công dân khi trở về nhà. Cách làm này góp phần kiểm soát không để dịch bệnh lây lan.

 

 

Khi chính quyền truyền thông tốt, “Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm”, người dân là chủ thể trong công tác phòng chống dịch.

Nhìn lại chặng đường khống chế dịch không để lây lan, ông Thái Ngọc Thảo, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền khẳng định: “Chính người dân chứ không ai khác đã “đẩy lùi” dịch bệnh. Người dân tự quản, giám sát chặt, ngăn chặn dịch bệnh bên ngoài xâm nhập, lẫn phát tán từ trong ra ngoài. Bà con còn lên “kịch bản”, đề xuất phương án với chính quyền địa phương: Trường hợp xấu hơn sẽ triển khai quản lý theo từng xóm nhỏ. Bằng cách lập các hàng rào ngăn cách lối đi và dùng chung một ổ khóa. Ai đi ra khỏi xóm hay có người muốn vào phải có sự đồng ý và giám sát của tổ tự quản do xóm tin tưởng bầu ra”.

 

Vừa chống dịch, vừa giám sát, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân ở Phong Điền và TP. Huế

Trong 16 ngày thực hiện các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, thị trấn Phong Điền có 46 F1 cách ly y tế tập trung, 462 F2 giám sát y tế tại nhà.  Ngay khi bệnh nhân đầu tiên dương tính, thị trấn kích hoạt 2 tổ phản ứng nhanh, 6 tổ phòng chống dịch cộng đồng (PCDCĐ). Hơn 50 thành viên của 6 tổ cộng đồng liên tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” vận động, nhắc nhở bà con chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

 

Tổ PCDCĐ Phong Điền truyền thông phòng dịch tận các hộ gia đình

Toàn huyện Phong Điền có 138 tổ phòng chống dịch cộng đồng ở các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn 16 xã, thị trấn với hơn 1.000 thành viên. Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nhận định, các tổ phòng chống dịch cộng đồng là cầu nối từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp đến Nhân dân. Họ chính lá chắn từ cộng đồng trong cuộc chiến chống dịch cam go này.

Gánh trên vai trọng trách chống dịch từ cơ sở, tổ PCDCĐ Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc còn nắm kỹ các trường hợp theo dõi y tế tại nhà để lên danh sách phân công giám sát chặt chẽ, ghi nhật ký từng ngày. Anh Đoàn Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ PCDCĐ thôn 3 nói rằng: “Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, tổ phân công trách nhiệm cho từng thành viên như hội viên nông dân, phụ nữ, thanh niên, y tế thôn... đi chợ mua giúp thực phẩm, theo dõi sức khỏe... Có như vậy mới sát sườn, bám dân và hiệu quả”!

 

Chị em phụ nữ huyện Phú Lộc nhắc nhở thực hiện 5K ở các chợ

Rút kinh nghiệm từ cách làm của các địa phương, tại Thừa Thiên Huế, các tổ PCDCĐ trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Khi tình huống dịch xảy ra, mỗi tổ PCDCĐ lại vào cuộc kịp thời, phát huy sức mạnh toàn dân, hỗ trợ hiệu quả công tác kiểm soát dịch bệnh.

 

Kiểm soát chặt chẽ trong các vùng phong tỏa, giãn cách nhằm chặn đứng các nguồn lây

Phường Xuân Phú (TP. Huế) có 4.600 hộ dân, 16.000 khẩu, ở 11 tổ dân phố đều có 11 tổ PCDCĐ. Tổ trưởng tổ PCDCĐ tổ 9, ông Lê Văn Thuận cho hay, tổ có hơn 800 hộ dân nên để kiểm soát tốt phải có “tai mắt” trong dân. “Chúng tôi kết nối các hộ dân trong mỗi kiệt, nhờ Ban quản lý, tổ bảo vệ chung cư nhắc nhở người dân kịp thời loan báo trường hợp đến/về từ địa phương khác vào địa bàn. Nhờ những đầu mối này, tổ PCDCĐ cũng kịp thời nắm bắt thông tin nhanh, chặt chẽ”, ông Lê Văn Thuận kể.

Cũng với cách làm tương tự, chi bộ tổ dân phố 5 phường Xuân Phú phân công mỗi đảng viên phụ trách 10-15 hộ gia đình. Tổ PCDCĐ phối hợp chặt chẽ với chi bộ tổ phát huy vai trò của đảng viên trong phòng, chống dịch, nhất là đối với những trường hợp được theo dõi, cách ly tại nhà và kiểm soát người đến/về địa bàn.

Hỗ trợ thu hoạch, sản xuất vùng phong tỏa - giãn cách

Theo đánh giá chung của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh, nâng cao năng lực phòng chống dịch từ cơ sở là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, trong đó có tổ PCDCĐ. Địa phương nào làm tốt việc tổ chức hoạt động của tổ PCDCĐ thì nơi đó sẽ chủ động trong công tác phòng chống dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (thứ hai bên phải) thăm, động viên lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế

“Để tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, lực lượng này phải hỗ trợ đầy đủ các phương tiện an toàn phòng dịch, được cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến phòng, chống dịch, được tập huấn nâng cao năng lực hoạt động và quan trọng nữa là phải có quy chế hoạt động cụ thể”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhấn mạnh.

 

Khi lực lượng chức năng xông pha vào tuyến đầu, nơi hậu phương, thanh niên, phụ nữ, nông dân, người già... đều góp sức chống dịch.

 

Chăm lo bữa ăn cho hàng ngàn công dân tại khung cách ly T6

 

Những khu bếp nơi các khung, các điểm cách ly tập trung là nơi tình nguyện viên tiếp sức lo bữa ăn cho công dân. Theo thống kê của Bộ CHQS tỉnh, cao điểm có ngày 600 tình nguyện viên vào bếp hỗ trợ cùng lực lượng quân đội trong khâu nấu nướng. Họ được gọi dí dỏm là “đội quân tóc dài” - thành viên các Hội LHPN, “đội quân tóc ngắn” -  giáo viên, hội nông dân..., “đội áo xanh” - đoàn viên thanh niên các địa phương. Đâu đâu cũng thấy lời hiệu triệu sẻ chia tiếp sức. Có thể cơm không đủ ngon, canh không đủ ngọt, song đó là lòng nhiệt huyết và tinh thần vì cộng đồng của hàng chục ngàn lượt tình nguyện viên gác lại việc mưu sinh hàng ngày, mang yêu thương vào những bữa ăn.

 

Người dân, các tổ chức đoàn thể tình nguyện vào bếp tại các khung, điểm cách ly trong toàn tỉnh

 

Nơi khung T6, chị Đỗ Thị Thúy cùng con dâu Nguyễn Thị Kim Liên đến từ xã  Phong An - Phong Điền đều đặn có mặt lúc 3h sáng. Ròng rã nửa tháng trời rời nhà từ 12h đêm hoặc 1h sáng, hai mẹ con chị gác lại việc riêng “góp sức chống dịch” một cách lặng thầm như thế. Đội ngũ bếp chuyên nghiệp nhà hàng Bê Vàng của chị chủ Trần Thị Ly (TP. Huế) cũng bám trụ ở các khung và bếp tập trung gần hai tháng trời. Ngoài góp sức, doanh nghiệp còn trưng dụng dụng cụ nấu ăn phục vụ các bếp. “Cũng là phục vụ đồng bào mình cả. Khi khó khăn càng cần đoàn kết sẻ chia. Chỉ mong cộng đồng đoàn kết vượt qua dịch là mình thấy vui rồi”, chị Ly cho hay.

Tiếp sức cho khung cách ly, các tổ chức, cá nhân, đơn vị gửi đến Bộ CHQS tỉnh nhiều nhu yếu phẩm. Tại các khu cách ly tập trung cấp tỉnh đã tiếp nhận gần 176 triệu tiền mặt và 17 tấn gạo, hơn 200 ngàn cân rau củ. Cảm động hơn, cụ bà Nguyễn Thị Chanh 75 tuổi ở phường Thuận Lộc, TP, Huế không ngần ngại “mổ heo” tiết kiệm để lấy tiền mua 1 tấn gạo ủng hộ khu cách ly tập trung Hương Sơ (TP. Huế). “Tôi chẳng suy nghĩ chi nhiều, chỉ mong góp chút lòng để “tiếp sức” cho các lực lượng thêm vững vàng nơi tuyến đầu chống dịch và bà con cũng yên tâm hơn khi tham gia cách ly”, cụ Chanh trải lòng.

 

Gạo, mì, rau củ các địa phương gửi tiếp sức cho các khung cách ly tại Bộ CHQS tỉnh

Đáng quý hơn, nơi miền quê sóng nước, chị Đặng Ngọc Bội Ngọc (ở Tân An Hải, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) cho địa phương trưng dụng khu nhà nghỉ gia đình với 29 phòng làm điểm cách ly công dân. “Lực lượng trên tuyến đầu rất vất vả, làm được việc nhỏ góp sức vào công tác phòng, chống dịch COVID -19 gia đình tôi rất sẵn lòng”, người phụ nữ có tấm lòng vàng nghĩ giản dị. Người dân Tân An Hải từ lo ngại dịch bệnh, kỳ thị đã chuyển sang góp của góp sức cùng gia đình chị Ngọc hỗ trợ thiết lập điểm cách ly an toàn.

 

 

 

Trong gian khó mới thấy tình người luôn nồng ấm, dù ở đâu cũng đều là đồng bào máu đỏ da vàng. Khi chứng kiến hàng ngàn người dân đổ về quê tránh dịch phải đi đường dài liên tục, chính quyền thị xã Hương Trà thiết lập trạm dừng chân dã chiến ngay tại trục đường tránh Huế giao nhau với Quốc lộ 1A qua địa bàn phường Hương Văn. Gần 1 tuần, trạm đã tiếp sức khoảng 10.000 người dân nghỉ ngơi, đổ xăng, nhu yếu phẩm… trên hành trình về nhà. Bình quân mỗi người còn nhận được 1-3 phần quà, tổng trị giá huy động cho trạm khoảng 1 tỷ đồng. Anh Nguyễn Xuân Chinh, Chủ tịch UBND phường Hương Văn nhớ lại: “Vô vàn lời cảm ơn bà con gửi lại. Họ nói cảm nhận được tình người ấm áp và không còn đơn độc trên đường về gian nan. Điều đó là động lực để đội ngũ phục vụ 17 người trực ngày canh đêm cho bà con nghỉ ngơi, chợp mắt”.

 

Người dân ngoại tỉnh nghỉ ngơi, nhận nhu yếu phẩm tại trạm dừng chân ở T.X Hương Trà

T.S Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý – Giáo dục Trường ĐH Sư phạm ĐH Huế nhìn nhận: “Văn hóa ứng xử của Việt Nam nặng chữ tình và nghĩa. Dưới góc độ tâm lý, xã hội học, thời điểm khó khăn, sự giúp đỡ tương trợ có ý nghĩa đặc biệt. Cho dù là người giàu có hay nghèo khổ, người Việt vẫn sẵn lòng chìa tay cưu mang người hoạn nạn. Sự sẻ chia ấy có ý nghĩa to lớn và là động lực giúp chúng ta cùng đồng hành vượt qua khó khăn trong mùa dịch”. 

 
 

 

 

 

>> Phòng, chống COVID-19: Cuộc chiến giữ vùng an toàn - kỳ I: Lá chắn tuyến đầu

Nội dung: Nhóm PV

Hình ảnh: Nhóm PV - CTV

Thiết kế: Nguyễn Quân

Concept: Minh Hà - Tuệ Ninh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng

Trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 20 ca sốt phát ban nghi sởi và 10 ca mắc bệnh sởi xác định. Điều kiện thời tiết hiện nay là môi trường thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát triển; dự báo các ca bệnh sẽ tăng trong những ngày tới.

Kiểm soát bệnh sởi, khuyến khích tiêm vắc-xin dự phòng
​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân

Hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới 14/11, Đoàn Thanh niên Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp cùng Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tổ chức chương trình “Tầm soát miễn phí đái tháo đường cho người dân toàn tỉnh”.

​Tầm soát miễn phí bệnh đái tháo đường cho người dân
Return to top