Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra cơ sở vật chất tại Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền
Ngay khi có thông tin về cơn bão Noru và công điện khẩn của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Bệnh viện Trung ương Huế đã phân công trách nhiệm cho các trung tâm, khoa, phòng và triển khai thực hiện các phần việc ứng phó với bão Noru và mưa lớn. Trong đó, phân công trách nhiệm, công việc cụ thể cho từng cán bộ trong đơn vị, đảm bảo về nhân lực, thuốc và trang thiết bị y tế phục vụ công tác chăm sóc, chữa trị, bảo vệ sức khỏe của người bệnh, cũng như của Nhân dân khi có bão lụt xảy ra.
Các khoa, phòng không để gián đoạn trong cấp cứu và phục vụ bệnh nhân. Bảo đảm đầy đủ về nhân lực, lương thực, thực phẩm, thuốc, hóa chất và phương tiện vận chuyển, trang thiết bị y tế. Sẵn sàng huy động lực lượng để tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân hàng loạt khi có tình huống xảy ra. Sẵn sàng ứng cứu cho các cơ sở y tế bị cô lập bởi nước lũ, hoặc không đủ điều kiện để vận chuyển an toàn bệnh nhân lên tuyến trên.
Ngoài bộ phận cấp cứu tại viện, Bệnh viện cũng tổ chức tổ cấp cứu lưu động ngoại viện. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ địa phương khi có lệnh điều động.
Tại các đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế, để hạn chế đến mức thấp nhất do bão Noru, PGS.TS. Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế đã tổ chức các đoàn công tác của Sở đi kiểm tra công tác phòng chống bão Noru của các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở ở vùng xung yếu, có nguy cơ cao bị ngập lụt, chia cắt để có phương án đảm bảo an toàn cho người bệnh và người dân.
Tại các đơn vị, Sở Y tế yêu cầu cần đảm bảo các nội dung: Tổ chức thường trực cấp cứu, 24/24 và chỉ đạo các khoa, phòng, trạm y tế thực hiện nghiêm việc trực ca, đảm bảo thông tin liên lạc và tuyệt đối không chủ quan. Thứ hai, thành lập các tổ cấp cứu lưu động, sẵn sàng ứng cứu cho các vùng bị chia cắt. Các đơn vị cũng sẵn sàng phương án di chuyển bệnh nhân khi bão vào và nước lên.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát các cơ số về thuốc, cơ sở vật chất và trang thiết bị; nắm chắc thông tin về số phụ nữ mang thai gần ngày sinh, có nguy cơ cao, người khuyết tật, trẻ em và người có bệnh hiểm nghèo trên địa bàn. Tính đến trưa 27/9, các trung tâm y tế cấp huyện đều đã có thông tin về các nhóm người có bệnh, có yếu tố nguy cơ cao để hỗ trợ đưa đến nơi an toàn.
Các cơ sở y tế cũng chuẩn bị đầy đủ máy nổ dự phòng, phòng trường hợp mất điện thì phải có nguồn điện thay thế để phẫu thuật cấp cứu, hỗ trợ thở oxy, thở phí dung… Đồng thời, chuẩn bị cơ số lương thực để hỗ trợ, chăm sóc người bệnh phòng trường hợp cơ sở y tế bị cô lập với bên ngoài.
Đồng Văn