Tuy nhiên việc áp dụng BHYT cứng nhắc sẽ làm cho một số bệnh, đặc biệt là bệnh cơ xương khớp và các người bệnh hậu phẫu có nguy cơ điều trị dưới mức cần thiết, nguy cơ bệnh kéo dài hơn.
Cụ thể trường hợp thứ nhất: nhóm thuốc kháng viêm không có steroide (NSAIDs) cổ điển từ xưa đến nay được dùng cho bệnh lý cơ xương khớp mãn tính và các chấn thương vì các thuốc này đánh đúng vào cơ chế viêm.
Nhưng sau một thời gian dài sử dụng các thuốc NSAIDs cổ điển gây ra các tổn hại lên đường tiêu hóa làm loét, thủng, xuất huyết dạ dày nên các nhà khoa học đã cố gắng tìm ra loại NSAIDs ức chế chọn lọc hay chuyên biệt trên men Cox2 nhằm làm giảm bớt nguy cơ này.
Theo thời gian, các bác sĩ phát hiện ra các loại thuốc này có vai trò quan trọng trong việc giảm đau, ngăn ngừa hiện tượng nhạy cảm hóa ngoại biên.
Tất cả các nghiên cứu giảm đau sau mổ của các bác sĩ đã chỉ ra rằng việc dùng nhóm NSAIDs ức chế men Cox2 trước khi mổ và sau khi mổ làm giảm đau, qua đó ngăn ngừa được hiện tượng rối loạn dinh dưỡng thần kinh sau chấn thương hay sau mổ.
Tuy nhiên theo yêu cầu của BHYT, hiện tại việc dùng các thuốc này sau mổ hay sau chấn thương và nhất là cho uống một giờ trước khi phẫu thuật là không đúng chỉ định so với chỉ định do công ty đề nghị nên sẽ bị xuất toán (không thanh toán).
Tại sao các phác đồ điều trị giảm đau trên thế giới lại không dựa trên chỉ định do các công ty dược đề xuất? Vì đơn giản là công ty dược không thể tự mình làm hết tất cả các nghiên cứu và các ứng dụng của thuốc.
Các nghiên cứu kế tiếp theo dòng thời gian đã làm sáng tỏ thêm nhiều ứng dụng của một loại thuốc và như vậy chỉ định được mở rộng hơn. Việt Nam thực ra chỉ áp dụng các phác đồ điều trị của các nước tiên tiến như Mỹ hay châu Âu mà thôi.
Như vậy có thể thấy việc xuất toán của BHYT trong trường hợp này sẽ khiến người bệnh thiệt thòi: một là nếu dùng loại NSAIDs cổ điển sẽ có nguy cơ viêm loét và xuất huyết dạ dày, hai là nếu các bác sĩ sợ không dùng thuốc để giảm đau theo phác đồ của thế giới thì người bệnh sẽ bị đau nhiều hơn, dẫn tới hiện tượng rối loạn dinh dưỡng thần kinh.
Cả hai trường hợp người bệnh đều phải điều trị thêm rất tốn kém và BHYT sẽ mất thêm tiền.
Trường hợp thứ hai, các loại vít chẹn được các nhà sản xuất tạo ra nhằm cố định dây chằng, thay thế dây chằng chéo trong phẫu thuật, tái tạo dây chằng chéo trước.
Theo thời gian, các bác sĩ nhận thấy ứng dụng này có thể dùng trong việc tái tạo các dây chằng khác trong cơ thể không riêng gì dây chằng chéo và họ đã dùng vít chẹn để cố định dây chằng thay thế nói chung.
Tương tự các loại chỉ neo ban đầu cũng dùng để khâu gân chóp xoay vai nhưng sau đó được mở rộng cho việc khâu đính các loại gân khác.
Các công ty dụng cụ không đưa ra chỉ định cụ thể vì việc phẫu thuật là của bác sĩ. Các bác sĩ đã thực hiện các nghiên cứu độc lập để mở rộng sử dụng. Tuy nhiên tại Việt Nam nếu dùng theo kiểu như vậy sẽ bị xuất toán.
Khi BHYT cứng nhắc trong thanh toán chỉ dựa trên chỉ định ban đầu của các công ty mà không dựa trên các phác đồ do hội đồng khoa học của bệnh viện thông qua (dựa trên các nghiên cứu lâm sàng) thì điều này sẽ khiến người bệnh không được điều trị đúng, bệnh sẽ nặng hơn, kéo dài, chi phí điều trị tăng lên mà kết quả điều trị không tốt.
Chúng tôi đề xuất BHYT ngoài việc chi trả thuốc hay dụng cụ dựa trên chỉ định gốc của công ty sản xuất cần dựa trên các phác đồ điều trị do bệnh viện, sở y tế và các hội chuyên ngành đề ra.
BHYT nên theo dõi và lấy ý kiến của các chuyên gia từ các hội chuyên ngành về việc chỉ định thuốc điều trị thay vì đơn phương ra quy định chi trả.
|
Theo Tuổi trẻ