Nhiều cơ sở y tế loay hoay vì thiếu thuốc điều trị cho người bệnh. Ảnh: TTXVN
Bệnh viện xoay đủ cách
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, hiện các bác sĩ tại đây đang “đau đầu” vì phải thêm nhiệm vụ là làm thế nào chọn được loại thuốc phù hợp nhất, có thể thay thế những thuốc đang dùng bị thiếu, khan hiếm; đặc biệt là thuốc gây tê, loại thuốc cực kỳ quan trọng với một cơ sở điều trị về răng hàm mặt.
Chia sẻ về tình trạng thiếu thuốc tại Bệnh viện, TS.BS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết: “Dự kiến khoảng 2 tuần nữa Bệnh viện sẽ hết thuốc gây tê. Trong khi đó, thuốc gây tê rất quan trọng với các cơ sở điều trị răng hàm mặt. Lượng bệnh nhân ngoại trú của chúng tôi hiện nay khoảng 1.000 lượt/ngày, trong đó tới 2/3 dịch vụ phải sử dụng thuốc tê, chưa kể cả bệnh nhân nội trú cũng phải sử dụng nhiều”.
Đặc biệt, loại thuốc tê Bệnh viện đang sử dụng là thuốc nhập khẩu của Pháp; hiện Việt Nam chưa sản xuất được thuốc tê nha khoa, nên không thể chủ động nguồn thuốc thay thế trong nước.
Theo TS.BS Phạm Thanh Hà, xảy ra tình trạng thiếu thuốc gây tê như vừa qua là do vấn đề giấy phép nhập khẩu cho thuốc tê chưa được gia hạn, các công ty cung ứng thuốc cũng đã hết hàng.
Việc thiếu thuốc trước đây chỉ xảy ra các cơ sở y tế công lập là chính, khối tư nhân vẫn có thể mua được; nhưng hiện nay, kể cả các cơ sở tư nhân cũng đang bị thiếu vì dự báo nguồn cung sắp tới rất khó khăn.
Trong tình huống nguy cơ thiếu thuốc tê, để sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bệnh viện có thể thay thế bằng một số thuốc có tính năng tương tự, nhưng điều này không thể đảm bảo chất lượng tốt như những loại được chọn lựa.
“Một số loại thuốc tê có thể sử dụng với người bình thường, nhưng với những người có bệnh lý cao huyết áp, tim mạch thì không thể; điều này có nghĩa là cơ hội điều trị của bệnh nhân sẽ giảm đi. Về phía cơ sở điều trị, cũng như nhiều bệnh viện nói chung, chúng tôi cố gắng nâng cao y đức, chuyên môn, nghiệp vụ để lựa chọn các phương án tốt nhất, phù hợp nhất, an toàn nhất với người bệnh, đảm bảo chất lượng điều trị”, TS.BS Phạm Thanh Hà chia sẻ.
Cũng theo TS.BS Phạm Thanh Hà, riêng về thuốc tê, thời gian từ khi công ty đăng ký nhập khẩu đến khi về Việt Nam phải mất ít nhất 3- 4 tháng vì các nhà máy sản xuất đều yêu cầu phải có kế hoạch đặt hàng trước.
Tương tự, Bệnh viện Bạch Mai cũng đang bị thiếu nhiều loại thuốc giải độc, kể cả những thuốc cơ bản nhất, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị, nhiều bệnh nhân nằm “thấp thỏm” chờ thuốc. Không chỉ thiếu thuốc giải độc, tại đây cũng bị thiếu những vật tư y tế quan trọng như quả lọc máu thải độc cho bệnh nhân.
Trước thực trạng các thuốc đặc hiệu đang rất thiếu, các bác sĩ phải sử dụng tất cả các biện pháp có thể để cứu chữa cho bệnh nhân, nhưng hiệu quả rất hạn chế, vì rất cần có thuốc giải độc đặc hiệu cho người bệnh.
Theo đó, nếu trước đây khi có bệnh nhân bị ngộ độc cấp, nặng nề, khẩn cấp, Bệnh viện Bạch Mai có thể mua, chỉ định thầu một gói rất nhỏ để giúp bệnh nhân, nhưng hiện nay thì không thể làm được như vậy khi phải đầy đủ các thủ tục đấu thầu, việc chờ đợi các thủ tục ảnh hưởng rất lớn đến người bệnh.
Hiện tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế vẫn đang xảy ra ở nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các tuyến, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi khám chữa bệnh, thậm chí tính mạng của người bệnh. Dù đã có nhiều phản ánh, khắc phục nhưng tình trạng này vẫn còn đang xảy ra, nguyên nhân đa số vẫn là những vướng mắc từ giấy tờ, thủ tục chưa kịp thời. Ngoài nguyên nhân từ chậm gia hạn giấy đăng ký thuốc và ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 vừa qua, còn có nguyên nhân từ quy trình đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư y tế, tác động lớn đến nguồn cung ứng thuốc phục vụ cho khám chữa bệnh.
“Chúng tôi rất mong có giải pháp để tháo gỡ vấn đề thủ tục, giấy tờ trong nhập khẩu, mua sắm thuốc sớm, đảm bảo công tác điều trị cho người bệnh”, TS.BS Phạm Thanh Hà đề xuất.
Cần những giải pháp nhanh chóng, linh động
Theo Bộ Y tế, hiện các thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm chậm tiếp cận thuốc của người dân, thậm chí còn có nơi phát sinh thiếu thuốc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh...
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định: Về việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, chúng ta cần phải làm ngay, do có hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc sẽ hết hạn vào ngày 31/12. Nếu không thì chắc chắn sẽ thiếu thuốc trong thời gian tới.
Năm 2021, Bộ Y tế đã gia hạn được hơn 10.000 giấy đăng ký lưu hành thuốc; tuy nhiên, các giấy này chỉ được gia hạn đến 31/12/2022. Bên cạnh đó, các giấy đăng ký lưu hành hết hạn vẫn cần được gia hạn theo quy định. Nếu không kịp có cơ chế cho các giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc tiếp tục có hiệu lực thì sẽ không bảo đảm cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân, tình trạng thiếu thuốc là hiện hữu... Bên cạnh đó, các vấn đề cấp phép xuất nhập khẩu đối với vaccine, bổ sung quy định GMP đối với nguyên liệu làm thuốc từ một số nước… đang gây rất bức xúc đối với các doanh nghiệp, bệnh viện, người dân cũng cần phải được xem xét để khẩn trương sửa đổi.
Theo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), hiện còn nhiều bất cập trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Đơn cử như quy định thủ tục gia hạn, hồ sơ gia hạn còn phức tạp, thời gian thẩm định hồ sơ bị kéo dài. Điều này dẫn tới gián đoạn sản xuất, lưu hành và cung ứng thuốc do thuốc hết hạn giấy đăng ký lưu hành.
Cục Quản lý Dược cũng đề xuất sửa các quy định về gia hạn thuốc theo hướng Bộ Y tế thực hiện gia hạn giấy đăng ký lưu hành mà không yêu cầu thẩm định trình Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành, tiến tới gia hạn theo cơ chế tự động mà một số nước đã áp dụng. Thủ tục gia hạn chỉ yêu cầu doanh nghiệp nộp đơn đề nghị gồm các thông tin tối thiểu, công ty cam kết và chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật về các thông tin khai nộp. Đặc biệt, cần bổ sung các quy định về điều kiện đăng ký lưu hành thuốc trong trường hợp cấp bách...
Để khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp, xem xét xem việc mua thuốc vướng mắc chỗ nào để có giải pháp tháo gỡ. Đề nghị ứng dụng công nghệ để việc đấu thầu, đấu giá thuốc được công khai, minh bạch; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc tổ chức đầu thấu, linh hoạt trong hình thức đấu thầu tập trung hoặc phải phân cấp để việc mua sắm thuốc phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân thuận lợi hơn.
Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp, khắc phục bằng được, sớm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám chữa bệnh; đặc biệt là cho phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng cho trường hợp dịch diễn biến phức tạp.
Theo Báo Tin tức