Hội thảo xây dựng Đề án đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh diễn ra ngày 6/4 tại Hà Nội
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong những năm qua, hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh đã có nhiều chuyển biến rõ rệt góp phần quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn cần phải cải tiến hệ thống nhằm giảm bớt tình trạng “chênh vênh như hình tháp lật ngược” của mạng lưới khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, cần chú trọng đầu tư thật tốt cho hệ thống y tế cơ sở để tránh tình trạng tuyến trung ương lúc nào cũng quá tải, tuyến tỉnh, huyện, xã cứ “teo tóp” dần…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, cả nước hiện có 1.451 bệnh viện công lập, trong đó có 39 bệnh viện tuyến trung ương, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 bệnh viện huyện và 72 bệnh viện ngành cùng khoảng 11.100 trạm y tế. Ở khu vực tư nhân, cả nước hiện có 219 bệnh viện tư nhân, 31.594 phòng khám tư nhân. Các cơ sở khám chữa bệnh hiện được phân cấp, phân hạng, tuyến theo các quy định: phân chia theo đơn vị quản lý hành chính là tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã; phân cấp theo năng lực chuyên môn và phân cấp theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế.
"Việc xây dựng Đề án đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh nhằm đổi mới hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh theo định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển, chất lượng. Hệ thống cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh hướng đến mục tiêu bao phủ toàn dân, mọi người đều có thể tiếp cận với chi phí phù hợp…", Cục trưởng Lương Ngọc Khuê khẳng định.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn. Tổ chức hệ thống trạm y tế xã, phường, thị trấn gắn với y tế học đường và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Phát triển mạnh hệ thống cấp cứu tại cộng đồng và trước khi vào bệnh viện”.
Hai phương án đổi mới hệ thống khám chữa bệnh được Bộ Y tế đưa ra để xin góp ý. Theo đó Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được chia làm ba tuyến với nhiệm vụ như sau:
Phương án 1:
Tuyến một: khám chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú;
Tuyến hai: tuyến điều trị đa khoa, được chia làm hai mức: (1) đa khoa cơ bản và (2) đa khoa nâng cao. (Các mức được xác định dựa trên số lượng chuyên khoa của bệnh viện).
Tuyến ba: tuyến điều trị chuyên khoa, chuyên sâu được chia làm ba mức: (1) chuyên khoa, (2) chuyên khoa kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên cao) và (3) chuyên khoa kỹ thuật sâu (gọi tắt là chuyên sâu).
Phương án 2:
Tuyến một: khám bệnh, điều trị ngoại trú và chăm sóc sức khỏe ban đầu;
Tuyến hai: tuyến điều trị đa khoa cơ bản
Tuyến ba: được chia làm ba mức: (1) đa khoa nâng cao, (2) chuyên khoa kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên cao) và (3) chuyên khoa kỹ thuật sâu (gọi tắt là chuyên sâu).
Theo Dân trí