Khám bệnh cho người dân ở TX. Hương Thủy
Vẫn còn bội chi
BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT năm 2018 cho tất cả các đơn vị KCB BHYT trên địa bàn, bao gồm cả các đơn vị KCB của bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (trong đó có Bệnh viện Trung ương Huế hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế).
Đáng nói là, trong 9 tháng đầu năm, chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên địa bàn vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với dự toán, cụ thể như chi phí KCB BHYT của bệnh nhân Thừa Thiên Huế trên hệ thống giám định là 1.030,366 tỷ đồng, tăng 8,9% so với 9 tháng đầu năm 2017 (946,387 tỷ đồng), chiếm 85,6% dự toán chi cả năm 2018.
Bệnh viện Đa khoa Chân Mây, Phòng Bảo vệ sức khỏe cán bộ, các Trung tâm Y tế Nam Đông, A Lưới, Hương Trà cùng Bệnh viện Y học cổ truyền trực thuộc Sở Y tế và các đơn vị KCB tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Hoàng Viết Thắng có khả năng đảm bảo thực hiện dự toán năm 2018. Còn nhiều đơn vị dự báo vượt dự toán được giao năm 2018. Đó là các bệnh viện thuộc bộ, ngành đóng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Trường ĐH Y dược Huế, Bệnh viện Quân y 268, Bệnh viện Giao thông vận tải Huế.
Thực hiện công tác giám định tại Bệnh viện Giao thông vận tải Huế
Nguyên nhân và giải pháp
Thừa Thiên Huế là một trong những đơn vị có tỷ lệ người tham gia BHYT cao so với bình quân chung của cả nước với trên 1.142.538 người, đạt hơn 98% dân số toàn tỉnh.
Tuy có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao hơn mức bình quân chung cả nước, thế nhưng, theo bác sĩ Đặng Thị Bi, Phòng Giám định y tế - BHXH tỉnh, đa số các đối tượng được ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoặc hỗ trợ 1 phần, đối tượng hộ gia đình nên mệnh giá bình quân trên một thẻ thấp. Bác sĩ Bi tính toán, năm 2017, mệnh giá bình quân trên một thẻ khoảng 814 nghìn đồng, chi phí khám chữa bệnh bình quân khoảng 1.195 nghìn đồng trên một thẻ. Năm 2018, ước tính mệnh giá bình quân khoảng 824 đồng trên một thẻ, chi phí khám chữa bệnh bình quân 1.221 nghìn đồng trên một thẻ.
Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế, Bộ Tài chính có hiệu lực từ 01/3/2016 và Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực từ 15/7/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí KCB trong một số trường hợp. Theo đó, chi phí tiền lương của cán bộ y tế được tính trong giá khám bệnh, ngày giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật. Để tăng nguồn thu, một số cơ sở KCB đã kê thêm giường bệnh, tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi quá mức cần thiết các dịch vụ kỹ thuật dẫn đến gia tăng chi phí KCB. Một kết quả khảo sát của BHXH tỉnh cho thấy, số ngày điều trị bình quân/đợt nội trú của tỉnh vẫn còn rất cao (hơn bình quân chung toàn quốc từ 1,5 đến 2 ngày/đợt điều trị nội trú) kéo theo chi phí tiền giường/đợt điều trị nội trú cao.
Bên cạnh thuận lợi trong việc có quyền lựa chọn cơ sở y tế để KCB thông tuyến huyện, vẫn có tình trạng một số người bệnh KCB nhiều nơi trong ngày và trong khoảng thời gian ngắn làm gia tăng chi phí. Mặt khác, do số lượng thẻ BHYT gia tăng, các đơn vị bổ sung các dịch vụ kỹ thuật hiện đại, thành lập các khoa phòng điều trị mới… nhằm nâng cao chất lượng KCB đã là những “nhân tố tích cực” dẫn đến tình trạng vượt dự toán chi BHYT.
Bàn về bội chi quỹ BHYT, ông Hoàng Trọng Chính, Phó Giám đốc BHXH tỉnh khẳng định: Phải phân tích các nguyên nhân, đâu là do cơ chế, đâu là do khách quan hay chủ quan, từ đó mới đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục. Cũng theo ông Chính, cần xác định rõ nguyên nhân chủ quan không chỉ của cơ quan BHXH mà là trách nhiệm của nhiều đơn vị trên địa bàn.
Thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh triển khai nhiều giải pháp mang tính đồng bộ và cụ thể nhằm xử lý có hiệu quả tình trạng bội chi BHYT. Các cơ sở KCB được yêu cầu phải chấp hành nghiêm quy chế điều trị nội trú. Cơ quan BHXH triển khai các giải pháp giám định chặt chẽ chi phí nội trú, tăng cường thăm bệnh nhân tại buồng bệnh, cơ quan và gia đình. Nhằm giải quyết vướng mắc gây tranh luận giữa cơ sở KCB và cơ quan BHXH trong kết quả giám định chi phí KCB BHYT, việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế cho người bệnh không chỉ là trách nhiệm của riêng cán bộ giám định của cơ quan BHXH mà còn là trách nhiệm rất lớn của cán bộ ngành y tế. Nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức đội ngũ làm công tác giám định, nâng cao chất lượng giám định, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiệp vụ. Thường xuyên báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về tình hình thực hiện chính sách BHYT, gắn với chủ động tham mưu đề xuất các giải pháp để điều hành dự toán, kiểm soát chi phí và tiết kiệm quỹ BHYT nhằm đảm bảo nguồn chi cho đơn vị KCB, đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân BHYT.
Vẫn còn nhiều bất cập, sự điều chỉnh vẫn chưa đạt theo yêu cầu, nguy cơ bội chi dự toán vẫn còn cao, nhưng thực tế cho thấy, sau khi triển khai các giải pháp nêu trên tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ngày giường điều trị và chi phí bình quân lượt KCB, chi phí bình quân nội trú, tỷ lệ sử dụng dự toán hàng tháng đã giảm…
Bài, ảnh: Huế Thu